Sinh viên nghiên cứu thành công hệ thống tự động chống cháy nổ xe máy

Bức xúc vì liên tiếp có nhiều vụ cháy nổ do xe máy chập điện, chập mạch ở các hầm xe chung cư, nhà ở gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, nhóm sinh viên Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã chế tạo thành công thiết bị tự động chống cháy nổ xe máy.

Đó là 2 bạn Trần Nhật Thanh Huy và Huỳnh Nguyễn Anh Kiệt - sinh viên năm cuối ngành công nghệ kỹ thuật ô tô (Khoa Đào tạo quốc tế) - với đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống tự động chống chập mạch và cháy nổ xe máy”.

Thanh Huy cho biết, các bạn đã nghiên cứu, tìm tài liệu và kiểm tra mô phỏng trên các phần mềm trước, khi thấy ổn mới thực hiện trên xe máy thật.

Thanh Huy đã “trưng dụng” chiếc xe máy của ba mình để kiểm tra hệ thống trong quá trình nghiên cứu. Đồng hành với Huy, bạn Huỳnh Nguyễn Anh Kiệt cho rằng, ban đầu các bạn đã đi sai hướng vì chỉ làm một mạch điện đơn thuần, không có cảm biến. Về sau, khi nhận được sự hướng dẫn của giảng viên là nên viết code, lập trình trên hệ thống và sử dụng các cảm biến phát hiện khói, xăng, cả hai đã tìm được hướng đi đúng. 

Hệ thống tự động chống chập mạch và cháy nổ xe máy được 2 sinh viên thử nghiệm thành công với các tình huống khác nhau

“Với hệ thống này, xe máy được trang bị mạch tự động điều khiển ngắt ắc quy (cúp điện toàn xe) khi bị chập mạch bất cứ điểm nào nhờ bố trí các cảm biến dòng. Hệ thống còn trang bị các cảm biến phát hiện khói, cảm biến cháy, cảm biến nhiệt, cảm biến hơi xăng… ở các vị trí nhạy cảm, khi cảm biến báo có các nguy hiểm về máy tính thì hệ thống sẽ kích hoạt các bình chữa cháy mini (lắp đặt ở những vị trí có nguy cơ cháy cao) nhằm dập lửa nhanh chóng, kèm với đó là kèn báo động” - Anh Kiệt cho hay. Anh Kiệt và Thanh Huy đã thử nghiệm thành công thiết bị trên xe máy với các tình huống chạm mạch và cháy nổ khác nhau và xác định tính hiệu quả của thiết bị.

Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Văn Dũng - Phó chủ tịch Hội Ô tô - Máy động lực TPHCM, giảng viên hướng dẫn nhóm - đánh giá, thiết bị có tính ứng dụng rất cao. Theo ông, cháy nổ ở xe máy đa phần đến từ sự cố chập điện, chập mạch, rò rỉ xăng... Hiện nay, hệ thống điện ô tô - xe máy được gọi là hệ thống điện 1 dây chung, vì sử dụng sườn xe, thân xe như 1 dây dẫn chung cho hệ thống điện. Dây chung này được gọi là “mass”, giúp tiết kiệm được một nửa số dây dẫn trên xe nhưng cũng là nguyên nhân gây ra chập mạch điện, gây cháy xe. 

Do 99% ô tô, xe máy hiện nay sử dụng mass âm, nên đa số dây dẫn trên xe là dây dương và sẽ xảy ra chập mạch do “chạm mass” nếu lớp nhựa cách điện bị bong tróc từ nhiều nguyên nhân: dây lâu ngày bị lão hóa khiến vỏ bọc tróc ra, do nhiệt độ cao, chuột cắn, thợ nối dây khi sửa xe quên quấn băng keo chỗ nối hoặc quấn ẩu... Khi bị chạm mass, dây sẽ bốc cháy nếu không có cầu chì hoặc cầu chì bị quấn dây đồng. Khi dây cháy tới đoạn ống dẫn xăng thì cả xe sẽ bùng lên thành đám lửa lớn.

“Thời gian tới, tôi sẽ hướng dẫn các bạn chế tạo thiết bị hệ thống truyền dữ liệu không dây, thuận tiện rút ngắn thời gian chế tạo, hạ thấp giá thành để người dân ai cũng có thể tiếp cận sản phẩm. Bên cạnh đó, tích hợp với hệ thống quan sát và báo động, bố trí thêm các camera quan sát cháy, phân tích trí tuệ nhân tạo (AI) phát hiện khi nào có lửa trên xe hoặc xe bên cạnh thì sẽ gửi tín hiệu báo động, gửi định vị đến chủ xe hoặc tổng đài chữa cháy xử lý nhanh và hiệu quả nhất. Chắc chắn khi hệ thống này hoàn chỉnh sẽ xử lý được các sự cố cháy nổ xe máy hiện nay” - thầy Dũng cho biết. 

Theo Ngọc Trăm/ PNO

Tin cùng chuyên mục

Ban tổ chức Hành trình thanh niên khởi nghiệp năm 2023 cho biết, chương trình giúp lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, khơi dậy nhu cầu khởi nghiệp chính đáng của thanh niên; hỗ trợ tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư...
Ứng dụng công nghệ thực tế ảo, website tìm nhà trọ của nhóm sinh viên Cần Thơ giúp khách hàng đánh giá phòng trọ mà không cần đến xem trực tiếp.
Từ khoai lang bị vứt bỏ, nhóm học sinh TP.HCM tiến hành phơi khô, lắng thành tinh bột, sau đó kết hợp với bã mía, bã cà phê và các chất phụ gia khác tạo ra nhựa sinh học, tạo thành các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Hai sinh viên RMIT Việt Nam gửi thông điệp bảo vệ môi trường tới khán giả quốc tế với phim ngắn đoạt giải “Safari”.
Nguyễn Quang Dương – sinh viên năm cuối trường ĐH Kiến Trúc TPHCM đại diện Việt Nam đã đạt giải Nhất “Cuộc thi Nhà Thiết kế Trẻ Châu Á”
Nhóm sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa được Tổ chức nghiên cứu não quốc tế (IBRO) trao giải thưởng “IBRO-APRC Brain Awareness Week Grant” trị giá 1.250 Euro
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề