Công nghệ giúp sinh viên tìm nhà trọ

Ứng dụng công nghệ thực tế ảo, website tìm nhà trọ của nhóm sinh viên Cần Thơ giúp khách hàng đánh giá phòng trọ mà không cần đến xem trực tiếp.

Nhóm tác giả của ứng dụng tìm nhà trọ cho sinh viên.

Với ứng dụng công nghệ thực tế ảo, website tìm nhà trọ của nhóm sinh viên ở Cần Thơ giúp khách hàng đánh giá được phòng trọ mà không cần đến xem trực tiếp.

Tìm nhà trọ an toàn, không tốn công sức

Website tìm nhà trọ được thực hiện bởi Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Hòa Hợp, Dương Thị Tiểu Yến, sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ đã xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi Ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực ĐBSCL lần 2 năm 2023.

Tuấn Anh cho biết, 3 thành viên của nhóm lúc mới lên Cần Thơ nhập học ai cũng vất vả trong việc tìm trọ. Đa số nhà trọ không có thông tin tham khảo nên phải đi hỏi từng nơi, xem từng chỗ. Trong thời gian ngắn khó thể tìm được nơi ưng ý, nhiều tân sinh viên đành ở tạm.

Sau đó, sự bất tiện và tốn kém chi phí khi phải dời chỗ trọ, cộng với một số vấn đề khác phát sinh như phải đặt cọc để giữ chỗ trọ từ xa, trong khi chỉ xem qua ảnh chụp họ không thể thấy hết đường vào, chỗ đậu xe, các góc khuất trong phòng trọ.

Trước thực trạng này, Tuấn Anh cùng 2 người bạn của mình nghiên cứu công nghệ thực tế ảo để hiển thị toàn cảnh nhà trọ nhằm hạn chế việc thuê trọ không như ý. Theo đó, chủ nhà trọ sẽ quay video nhiều vị trí của phòng và bối cảnh xung quanh.

Qua phần mềm, video được xử lý tạo hình ảnh không gian thực tế ảo xoay 360 độ rồi đưa lên website. Chỉ cần kéo màn hình điện thoại, người dùng giống như đang đi xem phòng trọ trực tiếp.

“Đây là điểm độc đáo, sáng tạo của website. Việc hướng dẫn quay video, sử dụng phần mềm được nhóm làm mẫu và up lên trang web để ai cũng có thể tham khảo”, Tuấn Anh chia sẻ. Ngoài điểm nổi bật trên, website còn tích hợp các dịch vụ hữu ích khác như bản đồ, đánh giá của khách hàng.

Ứng dụng của nhóm sinh viên có 2 chức năng chính là tìm kiếm và quản lý. Với chức năng tìm kiếm, người dùng chỉ cần tải ứng dụng về và tìm kiếm theo yêu cầu như về khoảng cách, giá tiền, vị trí...

Bên cạnh đó, có thể xem thông tin, theo dõi phòng, đăng tin tìm phòng theo yêu cầu, đăng tin tìm ở ghép... Khi muốn tìm bạn ở ghép, sinh viên sẽ được hệ thống hỗ trợ trong việc so khớp thông tin với các cá nhân khác có cùng nhu cầu.

Còn chức năng quản lý sẽ bao gồm quản lý người thuê, thông tin người thuê, thông tin người đã từng thuê, quản lý các phòng, thông tin trang thiết bị, tính tiền hằng tháng, tính nợ, thanh toán nợ, thống kê tiền theo phòng, theo tháng, thống kê người thuê rồi xuất file thống kê…

Cả hai chức năng đều được liên kết với nhau nhưng đối với người đi thuê thì chỉ sử dụng được chức năng tìm kiếm, còn chủ nhà sẽ được sử dụng cả hai chức năng.

Sẽ có thêm chatbot trả lời tự động

Sinh viên Vũ Tuấn Anh cho hay, với ứng dụng này, người dùng có thể tải trên các store (nơi lưu trữ) của hệ điều hành là Android và IOS. Khi tải về là có thể sử dụng ứng dụng như các chức năng nêu trên, khi tìm được phòng đúng yêu cầu, người sử dụng chỉ cần liên hệ với chủ nhà để thuê.

Các chủ nhà trọ cần cho thuê có thể vào mục đăng ký chủ nhà trọ để được đội ngũ cộng tác viên liên lạc đến xác nhận thông tin phòng, giá cả, vị trí… sau đó sẽ được cấp miễn phí sử dụng ứng dụng chuyên biệt về quản lý nhà trọ trên mạng.

Trên ứng dụng chuyên biệt về quản lý này, người chủ nhà trọ sẽ được sử dụng miễn phí các chức năng đồng thời phải ký cam kết. Nếu nhận được bất kỳ phản hồi nào không tốt về chủ nhà trọ, phòng trọ từ người đi thuê thì ngay lập tức hệ thống sẽ chặn người dùng đó và cho vào danh sách “phòng trọ đen” để sinh viên né tránh.

Lợi thế của 3 sinh viên này là cùng học ngành công nghệ thông tin. Kiến thức về lập trình, marketing được phát huy nên chi phí thiết kế website không đáng kể. Cái khó là làm sao nhóm huy động được một hệ thống dữ liệu phong phú về các nhà trọ để cập nhật lên hệ thống.

Một phần nhóm tự tìm kiếm và sử dụng nguồn thông tin cung cấp từ Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. Bên cạnh đó, website có thể dễ dàng tìm kiếm trên Google, fanpage, TikTok, YouTube.

Lợi nhuận của nhóm nhận được là từ việc trả phí của các chủ nhà trọ khi đăng bài quảng cáo trên website. Nhóm có hẳn đội hậu cần tư vấn, chăm sóc khách hàng và kiểm tra lại thông tin những nhà trọ đăng quảng cáo cho đúng sự thật.

Cô Nguyễn Nhựt Quỳnh, giảng viên Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, cho biết, công nghệ thực tế ảo là một điểm cộng, giúp người dùng tin tưởng hơn vì thấy được thực trạng của nhà trọ.

Do đó, website này có tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn cao. Công việc sắp tới của nhóm là viết app sử dụng trên nền tảng Android, Aismex và phần Chatbot trả lời tự động với khách hàng có nhu cầu thuê trọ.

Theo Nhật Phong/ GD&TĐ

Tin cùng chuyên mục

Ban tổ chức Hành trình thanh niên khởi nghiệp năm 2023 cho biết, chương trình giúp lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, khơi dậy nhu cầu khởi nghiệp chính đáng của thanh niên; hỗ trợ tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư...
Bức xúc vì liên tiếp có nhiều vụ cháy nổ do xe máy chập điện, chập mạch ở các hầm xe chung cư, nhà ở gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, nhóm sinh viên Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã chế tạo thành công thiết bị tự động chống cháy nổ xe máy.
Từ khoai lang bị vứt bỏ, nhóm học sinh TP.HCM tiến hành phơi khô, lắng thành tinh bột, sau đó kết hợp với bã mía, bã cà phê và các chất phụ gia khác tạo ra nhựa sinh học, tạo thành các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Hai sinh viên RMIT Việt Nam gửi thông điệp bảo vệ môi trường tới khán giả quốc tế với phim ngắn đoạt giải “Safari”.
Nguyễn Quang Dương – sinh viên năm cuối trường ĐH Kiến Trúc TPHCM đại diện Việt Nam đã đạt giải Nhất “Cuộc thi Nhà Thiết kế Trẻ Châu Á”
Nhóm sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa được Tổ chức nghiên cứu não quốc tế (IBRO) trao giải thưởng “IBRO-APRC Brain Awareness Week Grant” trị giá 1.250 Euro
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề