Sinh viên có nên học lại ngành khác?

Không còn nhiệt huyết với ngành học, một số sinh viên quyết định 'rẽ hướng' sang ngành hoàn toàn mới nhằm theo đuổi đam mê.

Áp lực học phí

Kết quả khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế quốc tế (TP.HCM) cho thấy, hơn 15-20% sinh viên ra trường mới nhận biết mình chọn sai nghề. Việc chọn sai ngành nghề cũng được thể hiện rõ qua tỷ lệ sinh viên bị cảnh cáo học vụ, đình chỉ học tập hàng năm (từ 10-23%). Trước đó, theo kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM năm 2019, tỷ lệ sinh viên chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%.

Trong một trường hợp cụ thể, Lê Quỳnh (sinh viên năm nhất, Trường ĐH Hà Nội) cảm thấy chán nản với ngành học hiện tại nên đã quyết định thi lại để đậu vào ngành học và ngôi trường mơ ước. "Tôi học ngành kinh tế xây dựng của một trường ĐH nhưng mục tiêu ban đầu là Trường ĐH Hà Nội và ngành yêu thích là ngôn ngữ Bồ Đào Nha vì khao khát trải nghiệm văn hóa, đất nước và con người nơi đây", Quỳnh cho hay.

Để bắt đầu lại, nữ sinh viên đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều. "Tôi nhớ những đêm giải đề xong thấy điểm thấp rồi ngồi khóc vì sự yếu kém của bản thân. Những ngày viết văn đỏ ửng cả bàn tay mà vẫn không kịp thời gian 120 phút. Tuy nhiên, tôi không hối hận khi quyết định thi lại để học ở ngôi trường mơ ước", cô nói.

Được gia đình thấu hiểu và hoàn toàn ủng hộ quyết định thi lại, Quỳnh tham gia kỳ thi THPT năm 2022 và trúng tuyển ngành ngôn ngữ Bồ Đào Nha, Trường ĐH Hà Nội.

Các chuyên gia cho rằng việc hướng nghiệp phải thực hiện suốt đời, kể trong quá trình học ĐH. ĐÀO NGỌC THẠCH

Tương tự, Từ Nhật Kha (24 tuổi, TP.HCM) cũng cảm thấy thoải mái hơn khi đậu vào ngành quản lý văn hóa, nghệ thuật tại Trường ĐH Văn Hóa TP.HCM sau khi từ bỏ ngành quản trị du lịch và lữ hành tại một trường cao đẳng.

"Sau khoảng thời gian học ngành du lịch, tôi nhận ra mình không phù hợp với các chuyến đi xa mà chỉ thích khám phá thế giới nghệ thuật qua âm nhạc, phim ảnh và sách nên quyết định chuyển ngành", Kha bày tỏ.

Dù vậy, hành trình chuyển ngành không suôn sẻ khi cha mẹ Nhật Kha cho rằng việc học một ngành mới là việc lãng phí. "Bố thẳng thừng tuyên bố sẽ không đóng học phí cho tôi và nói nếu tôi không muốn đi học nữa thì hãy đi làm, đừng học thêm rồi khi chán lại bỏ ngành", Kha kể.

Bình thường hóa việc thay đổi ngành nghề

Các chuyên gia chỉ ra rằng việc hướng nghiệp phải thực hiện suốt đời và nên bắt đầu từ thơ ấu đến THPT, theo tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan, Trưởng khoa tâm lý giáo dục Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. "Trong quá trình học ĐH cũng phải hướng nghiệp và sau khi đi làm không có đam mê hứng thú thì hoàn toàn có thể thay đổi công việc", thầy Phan chia sẻ.

Chọn công việc phải dựa vào đam mê, sở thích để dấn thân. ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo thầy Phan, việc chọn lại ngành nghề có nhiều nhóm nguyên nhân, bao gồm nhu cầu, sở thích, yếu tố về xã hội như thị trường lao động và sự kỳ vọng của gia đình. "Một số phụ huynh áp đặt con cái theo nghề truyền thống gia đình, nghề dễ xin việc, có thu nhập ổn định mà không quan tâm đến sở thích nguyện vọng của các bạn. Phụ huynh cần thay đổi nhận thức, có sự định hướng ngành nghề chứ không nên quyết định thay con cái", thầy Phan cho hay.

Bên cạnh đó, thầy Phan cho rằng, tâm lý lo lắng của phụ huynh hoàn toàn có cơ sở, vì khi học lại sinh viên sẽ gặp những khó khăn về tài chính, thời gian, độ tuổi. "Tuy nhiên, chọn công việc phải dựa vào đam mê, sở thích để dấn thân. Trong xu thế hiện nay, ta nên bình thường hóa việc thay đổi ngành nghề và sinh viên vẫn có thể làm trái ngành sau khi tốt nghiệp", thầy Phan nói.

Thầy Phan đồng thời nhấn mạnh, sinh viên chọn lại ngành nghề cần cân nhắc phù hợp với "tam giác nghề nghiệp" gồm sở thích, năng lực và thị trường lao động. "Các em phải cố gắng đặt ra mục tiêu, vượt qua khó khăn về thời gian, tài chính, gia đình và phải say mê tìm tòi, tập trung công sức vào ngành mới, tránh lầm tưởng vì những sở thích ảo. Sinh viên cũng cần trải nghiệm, không nên chán nản trước các môn học khó mà vội vàng từ bỏ ngành học hiện tại", thầy Phan khuyên.

Một số sinh viên nhận thấy chọn sai ngành nhưng cố gắng hoàn thành chương trình rồi mới chọn trường ĐH khác để "làm lại từ đầu", theo đuổi chuyên ngành yêu thích.

Chẳng hạn, sau khi tốt nghiệp cử nhân tâm lý học, Trần Hoàng Thạch Thảo (24 tuổi, TP.HCM) cảm thấy vui sướng khi nhận giấy báo trúng tuyển vào ngành đạo diễn sân khấu Trường ĐH Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM vì trước đã bị trượt 3 lần.

"Nhìn lại, tôi cảm thấy 4 năm học ngành tâm lý học cũng là một quyết định đúng đắn. Bởi lẽ tôi đã hiểu rõ bản thân mình cần điều khi đi học và cũng có những mục tiêu rất rõ ràng cho việc học. Giờ đây, tôi tiếp tục học ngành yêu thích từ thời THPT là ngành đạo diễn sân khấu", Thảo chia sẻ.

Theo Thành Công - Kỷ Hương/TNO

 

Tin cùng chuyên mục

Học sinh lớp 12 trên cả nước có 5 ngày để thử đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024, từ 24/4 đến hết 28/4.
Thí sinh được Hiệu trưởng giới thiệu để ưu tiên tuyển thẳng vào đại học phải là thuộc nhóm 5 học sinh giỏi, có điểm trung bình cộng 3 năm THPT cao nhất trường.
Ngày 23/4, Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Gia Định TP.HCM công bố điểm chuẩn đạt điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm đối với 53 ngành/chuyên ngành trong đợt tháng 4/2024.
Đa số các trường đại học tại TP.HCM nhận hồ sơ xét tuyển từ 600-700 điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, thang điểm tối đa là 1.200.
Năm nay, điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được sử dụng để xét tuyển vào 105 cơ sở đào tạo ĐH và CĐ trong cả nước. Thí sinh xét tuyển bằng phương thức này cần lưu ý những quy định khác nhau về điểm sàn, quy định riêng của các trường và các ngành.
Bộ Công an đã có thông báo về phương án đổi mới công tác tuyển sinh văn bằng 2. Theo đó, phương án đổi mới được chia thành 2 giai đoạn: từ năm 2024 - 2025 và từ năm 2026 trở đi.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề