Nhóm sinh viên đại diện Việt Nam đến Anh giành cơ hội khởi nghiệp bằng AI

Với ý tưởng dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để đánh giá tình trạng kích ứng và dị ứng da đầu, 3 sinh viên từ Trường ĐH RMIT Việt Nam đã vượt qua hơn 5.000 người để đại diện Việt Nam thi đấu tại Anh.

Nhóm sinh viên Trường ĐH RMIT Việt Nam giành chiến thắng vòng loại cấp quốc gia cuộc thi Brandstorm 2024. NGỌC LONG

Cuộc thi toàn cầu L'Oréal Brandstorm 2024 hôm 23.4 diễn ra vòng loại cấp quốc gia tại Việt Nam. Vượt qua 5.050 thí sinh từ hơn 100 trường ĐH trên cả nước, đội thắng cuộc xướng tên 3 sinh viên cùng học năm 3 ngành truyền thông chuyên nghiệp của Trường ĐH RMIT Việt Nam (TP.HCM) là Dương Quỳnh Như, Cao Hoàng Anh, Trương Hoàng Tấn. Đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Trường ĐH RMIT Việt Nam có đại diện giành chiến thắng.

Để đi đến chiến thắng, theo Hoàng Anh, từ đầu năm 2024 đến giờ nhóm phải trải qua 3 vòng thi khác nhau. Với chủ đề "Tái tạo tương lai ngành làm đẹp chuyên nghiệp bằng công nghệ", nhóm sinh viên đã "lăn xả" ở nhiều salon, hỏi các bên liên quan nhằm thấu hiểu thợ làm tóc lẫn khách hàng cần gì, từ đó suy nghĩ nhóm có thể cung cấp gì để giải quyết những nhu cầu đó.

"Cuối cùng, chúng tôi chốt ý tưởng thiết kế một thiết bị gồm cả phần cứng, phần mềm gọi là HairSense PRO, sử dụng machine learning (máy học, là một nhánh của AI - PV) để đánh giá tình trạng kích ứng da đầu, tóc của khách hàng cũng như tình trạng dị ứng với các thành phần trong sản phẩm chăm sóc tóc, góp phần hỗ trợ những liệu pháp làm đẹp", Hoàng Anh nói.

Hoàng Tấn thì cho hay, nhờ có các cuộc thi như Brandstorm, anh có thể ứng dụng những lý thuyết đã học vào thực tế, hiểu thêm về thực tế ngành hàng cũng như thoát khỏi vùng an toàn. "Với chúng tôi, thoát khỏi vùng an toàn này chính là làm điều gì đấy mình chưa bao giờ làm, và cũng chưa bao giờ nghĩ là mình phải làm. Nó cũng đồng nghĩa làm hết sức không cần biết kết quả ra sao", Tấn lý giải.

Hoàng Tấn (trái) cùng Quỳnh Như nhập vai thợ làm tóc và khách hàng để thuyết trình về thiết bị HairSense PRO. NGỌC LONG

"Ban đầu, chúng tôi chỉ hy vọng đạt được một danh hiệu nào đó để ghi dấu ấn sau nhiều năm đi học. Song, khi càng vào sâu ở các vòng trong, chúng tôi càng nhận được nhiều sự hỗ trợ, đào tạo từ doanh nghiệp, cũng như cơ hội để tìm việc làm và tiến ra thế giới. Thế nên, việc tham gia các kỳ thi tương tự là điều các bạn sinh viên nên làm để tăng giá trị bản thân", Quỳnh Như góp lời.

Bà Nguyễn Minh Ngọc, Giám đốc nhân sự L'Oréal, cho biết Brandstorm được triển khai tại Việt Nam từ 2020, đến nay đã thu hút hơn 12.000 sinh viên. Năm nay, Việt Nam lọt vào top 7 quốc gia về số lượng đơn đăng ký. Ngoài 6 tiêu chí đánh giá truyền thống, năm nay cuộc thi cũng đặt thêm một tiêu chí mới là tinh thần nhóm và sự đa dạng để phản ánh thực tế tuyển dụng của doanh nghiệp, theo bà Ngọc.

"Cuộc thi đề cao tính giáo dục, hướng nghiệp cho thí sinh, khi tạo điều kiện để các bạn trải nghiệm một vấn đề kinh doanh thực tế và cập nhật nhất. Điều này không chỉ kích thích sự sáng tạo, mà còn rèn giũa kỹ năng phân tích dữ liệu, kỹ năng marketing... Song song đó, cuộc thi cũng tổ chức nhiều buổi chia sẻ, kết nối để giúp huấn luyện kỹ năng mềm cho thí sinh và bổ sung kiến thức về ngành hàng, về kinh doanh", bà Ngọc nói.

Cũng theo bà Ngọc, với chiến thắng trên, nhóm sinh viên sẽ đại diện Việt Nam bước vào vòng thi chung kết quốc tế diễn ra tại London (Anh) vào ngày 19 và 20.6. Nhóm sẽ cạnh tranh với 41 đội khác từ khắp nơi trên thế giới để giành cơ hội khởi nghiệp tại Pháp kéo dài 3 tháng để thực hiện ý tưởng của mình. Năm 2023, quán quân toàn cầu đến từ Pháp với dự án mang lại trải nghiệm mua sắm siêu cá nhân hóa.

Theo Ngọc Long/ Thanh niên

 

Tin cùng chuyên mục

Với chủ đề “Đổi mới sáng tạo hướng tới tương lai xanh”, cuộc thi Sinh viên Công Thương với ý tưởng khởi nghiệp lần 05 năm 2024 do Trường ĐH Công Thương TP.HCM phối hợp với Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia Phía Nam, Tạp chí diễn đàn Doanh nghiệp và Làng HSSV sáng tạo – Techfest VN, Mạng lưới ĐMST&KN Đại học Cao đẳng Việt Nam (VNEI) tổ chức vừa khép lại với nhiều dự án độc đáo và thu hút.
Đang là sinh viên năm thứ 4 Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Nguyễn Trung Kiên (23 tuổi, quê xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển, Cà Mau) đã khởi nghiệp với mô hình du lịch trải nghiệm Mũi Cà Mau, thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/tháng.
Từ một buổi cà phê "tìm việc vì nghèo", Nguyễn Hạnh Dung, Nguyễn Phan Hiền Linh, Nguyễn Hà Uyên và Hà Diệu Anh (cùng 20 tuổi), là sinh viên năm 3 ngành quản trị marketing chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội) đã mở ra một thương hiệu quà tặng riêng cho các bạn nam.
Cuộc thi Khởi nghiệp Sáng tạo Công nghệ R&D To Start-Up 2024 đã chính thức quay lại với tên gọi mới: Cuộc thi Khởi nghiệp Sáng tạo công nghệ.
Vào trung tuần tháng 7/2024, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và Công ty Cổ phần Dừa nước Việt Nam – VietNipa tổ chức thành công chương trình “HUIT Startup Tour 2024” tại huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Khởi nghiệp không dễ dàng và có thể đối diện thất bại. Vậy người trẻ có nên bước vào thương trường?
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.