Tiến sĩ Lê Như Hiếu - giảng viên của Tổ chức Giáo dục đào tạo PTI (đơn vị đào tạo doanh nhân tại VN), cố vấn chiến lược cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước - cho rằng có nhiều lý do dẫn đến khởi nghiệp thất bại.
"Đó là một số người trẻ khi khởi nghiệp chưa sử dụng các công cụ như: Pestel, Swot… để phân tích thị trường, tình hình kinh tế, môi trường doanh nghiệp, nhận diện điểm mạnh, yếu, nguy cơ, cơ hội… Hơn nữa, vẫn còn hiện tượng khởi nghiệp "chạy" theo trend, tức là thấy đang có xu hướng, trào lưu nào thịnh hành là tìm cách "ăn theo" để khởi nghiệp...", ông Hiếu phân tích.
Ngày càng có nhiều gen Z khởi nghiệp. Thanh Nam
Cũng theo ông Hiếu, việc không dám mạo hiểm, chưa chấp nhận rủi ro trong khởi nghiệp cũng là một trong những yếu tố dẫn đến thất bại. Bởi lẽ khởi nghiệp phải có khát khao đủ lớn, cam kết đủ mạnh thì mới có thể trụ được và thành công.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần SBooks, thì cho rằng khởi nghiệp "chết yểu" một phần vì thiếu nguồn lực. Thiếu nguồn lực ở đây là thiếu kiến thức chuyên môn, mù mờ về thị trường, hạn hẹp về các kết nối xã hội…
Cũng theo ông Dũng, nếu khởi nghiệp chỉ với mục đích tư lợi cho bản thân, chăm chăm kiếm tiền mà thiếu trách nhiệm xã hội thì không bao giờ thành công. "Nếu thiếu trách nhiệm xã hội đồng nghĩa là tự tách doanh nghiệp khỏi xã hội, xa rời cộng đồng. Hiển nhiên, khi bị cộng đồng xa lánh, không ủng hộ sản phẩm, thì sẽ thất bại", ông Dũng chia sẻ.
Chị Nguyễn Thùy Linh Cát (34 tuổi), người sáng lập thương hiệu thời trang nam Catsa, đồng sáng lập thương hiệu thời trang nữ Catci, cho rằng có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan dẫn đến khởi nghiệp không suôn sẻ.
"Chẳng hạn, nghiên cứu thị trường chưa đủ sâu. Nhiều người chưa dành đủ thời gian và nguồn lực để hiểu rõ thị trường mục tiêu, nhu cầu của khách hàng, các đối thủ cạnh tranh. Điều này dẫn đến việc sản phẩm hoặc dịch vụ không phù hợp hoặc không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hay có trường hợp thiếu ý tưởng mới lạ. Một ý tưởng khởi nghiệp cần phải độc đáo và có sự khác biệt để thu hút sự chú ý của thị trường", chị Cát nói.
Lý do khác, theo chị Cát là thiếu kiến thức và sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kế hoạch kinh doanh, nguồn vốn, quản lý tổ chức nhân sự. Bên cạnh đó, sự thiếu đam mê, thiếu kiên trì cũng khiến người trẻ dễ dàng bỏ cuộc khi gặp phải những trở ngại đầu tiên.
Nhiều lý do để khởi nghiệp
Tuy dễ đối mặt với thất bại, nhưng chị Cát cho rằng có khá nhiều lý do để người trẻ nên khởi nghiệp. Trước hết, đây là cách tuyệt vời để sống với đam mê. Và từ chính đam mê ấy phát triển lên, trở thành doanh nghiệp, giúp "nuôi" bản thân, gia đình và đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng, xã hội.
Cũng theo chị Cát, khởi nghiệp sẽ giúp người trẻ có cơ hội phát triển bản thân một cách toàn diện. Nhờ quá trình vận hành, phát triển doanh nghiệp sẽ rèn luyện nhiều kỹ năng sống. Và khi khởi nghiệp thành công sẽ mang lại sự tự do tài chính, giúp tự chủ về kinh tế.
Người trẻ luôn nhiều tâm huyết với các dự án khởi nghiệp của mình
"Khi khởi nghiệp với những mô hình mới có thể tạo ra nhiều giải pháp sáng tạo cho các vấn đề khác nhau của cuộc sống. Hơn hết, khi các doanh nghiệp trẻ trong nước vươn ra thị trường quốc tế, sẽ góp phần đưa VN lên bản đồ thương trường toàn cầu", chị Cát chia sẻ.
Ông Dũng thì nhìn nhận: "Khi khởi nghiệp đồng nghĩa có ý thức về trách nhiệm phụng sự cho xã hội, đem lại giá trị để giúp cuộc đời đáng sống hơn. Việc khởi nghiệp sẽ giúp người trẻ đánh dấu giá trị của bản thân với xã hội, chứng minh mình là một trong những thành tố giúp xã hội phát triển. Ngoài ra, người trẻ nên khởi nghiệp để thể hiện sự sáng tạo, nhạy bén khi đón nhận những làn sóng mới của thời đại. Chính tiền tố này sẽ giúp nhanh chóng nắm bắt các nhu cầu của cuộc sống. Qua đó tìm cách bồi đắp, bổ sung những gì cuộc sống đang thiếu bằng các sản phẩm của dự án khởi nghiệp".
Tiến sĩ Hiếu cho rằng hiện nay có rất nhiều người trẻ thuộc gen Z chọn khởi nghiệp thay vì đi xin việc tại các công ty. "Theo tôi đây là điều rất đáng hoan nghênh", ông Hiếu nói. Tuy nhiên, ông lưu ý: "Trước khi quyết định bước vào thương trường, cần phải nâng cao sự hiểu biết, kiến thức, tri thức của bản thân về khởi nghiệp. Việc học cần diễn ra liên tục. Đừng quên rèn giũa các kỹ năng cần thiết như: giao tiếp, xây dựng mối quan hệ, trình bày, đàm phán, thuyết phục… Hãy phát triển cho bản thân những phẩm chất, tố chất quan trọng để thành công như dám đối diện với áp lực, thử thách với một tư duy tích cực; có sự quyết đoán, trung thực trong kinh doanh. Ngoài ra, gen Z hạn chế tối đa việc sống chủ yếu bằng cảm xúc, dễ buồn vui thất thường, để không ảnh hưởng đến quá trình khởi nghiệp".
Anh Nguyễn Hoàng An Khương (26 tuổi), người sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty TNHH The Greenmart Vietnam (TP.HCM), cho rằng tùy năng lực và định hướng của mỗi người sẽ có lựa chọn khác nhau. "Nếu mong muốn làm chủ cuộc sống, trang bị kỹ lưỡng kiến thức, sẵn sàng đón nhận thử thách… thì nên khởi nghiệp. Những kiến thức nền tảng từ ĐH chắc chắn sẽ chưa đủ. Và khởi nghiệp giúp người trẻ va chạm xã hội nhiều hơn, có cái nhìn đa chiều hơn, cũng như khai phá được hết những khả năng tiềm ẩn của bản thân", anh nói.
Anh Trần Thanh Tùng (còn gọi là Tùng BT), chuyên gia giảng dạy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nhiều chương trình thuộc các sở KH-CN trên toàn quốc, cho rằng hãy bình thường hóa việc thất bại. Vì thường thì 10 người khởi nghiệp, 9 người đã thất bại. Những người thành công đa phần cũng từng thất bại nhiều lần.
"Điều quan trọng là phải đúc rút được kinh nghiệm từ thất bại. Cần tự hiểu rõ bản thân đang thiếu hụt, sai sót ở những điểm nào. Phải nỗ lực thích ứng với thị trường, cuộc sống. Cũng như đừng cố chấp với một mô hình kinh doanh thiếu tối ưu. Trường hợp thụ động, không dám thay đổi mô hình, sản phẩm, cách tiếp cận thị trường… cũng có thể khiến doanh nghiệp loay hoay, ì ạch, chậm phát triển và thất bại", anh Tùng khuyên. (còn tiếp)
Theo Thanh Nam/ Thanh niên