Nhiều thí sinh đăng ký nhầm phương thức xét tuyển đại học

Một học sinh chuyên toán của Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) đã gửi đơn đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhờ giúp đỡ vì đã đăng ký nhầm phương thức xét tuyển trên hệ thống của Bộ.

Hai lần gửi thư đến bộ trưởng

Những ngày vừa qua là thời gian đầy lo lắng của V.K.N, học sinh chuyên toán Trường THPT chuyên Lê Khiết (Quảng Ngãi) cùng gia đình.

Lý do là trong thời gian đăng ký xét tuyển nguyện vọng vừa qua, V.K.N đã đăng ký nhầm phương thức xét tuyển trên hệ thống đăng ký của Bộ GD-ĐT và đứng trước nguy cơ không được xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT trong năm nay. V.K.N đã gửi thư kêu cứu đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học đến 2 lần.

Nhiều thí sinh đăng ký nhầm phương thức xét tuyển đại học

Đơn kêu cứu của V.K.N gửi đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Vụ Giáo dục đại học

Trong đơn kêu cứu gửi Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bằng đường bưu điện và email, V.K.N cho biết vào tháng 7.2022, em đã đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và đăng ký tuyển sinh đại học. Dự kiến phương thức xét tuyển đúng là điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ IELTS (với mã phương thức xét tuyển 409). Tuy nhiên, khi thao tác trên máy tính, V.K.N đã chọn nhầm thành phương thức xét tuyển bằng kết quả học tập THPT và chứng chỉ quốc tế IELTS (với mã phương thức xét tuyển 410).

Cụ thể, thí sinh (TS) này đăng ký xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT kèm chứng chỉ IELTS nhưng lại đăng ký xét tuyển nhầm qua phương thức xét tuyển học bạ kèm chứng chỉ IELTS. Tuy nhiên, phương thức xét tuyển học bạ kèm theo chứng chỉ IELTS của Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), trường TS này đăng ký 3 nguyện vọng xét tuyển, đã kết thúc xét tuyển vào tháng 7.2022. Việc nhầm lẫn này đồng nghĩa với việc V.K.N không được công nhận xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT kèm chứng chỉ IELTS được nữa.

V.K.N cho biết: “Trong giai đoạn kiểm tra lại nguyện vọng trong những ngày kế cận trước khi đóng cổng tuyển sinh của Bộ vào ngày 23.8.2022, con đang bị nhiễm Covid-19, cảm sốt rất nặng, phải tự điều trị và cách ly ở nhà ông bà nội tại [...] Quảng Ngãi. Tại đây con không có phương tiện truy cập mạng để kiểm tra lại thông tin đã đăng ký, nên con chỉ xác nhận với Bộ GD-ĐT bởi tin nhắn, vì con nghĩ mình đã đăng ký đúng phương thức xét tuyển. Đến ngày 29.8.2022, con chỉ được biết phương thức xét tuyển mình không hợp lệ khi nộp lệ phí xét tuyển”.

V.K.N cho biết mặc dù nhầm lẫn giữa 2 mã của phương thức xét tuyển nhưng không thể nào thông tin xét tuyển của V.K.N là ảo, là không có trên hệ thống. Lý do V.K.N thắc mắc là nếu hệ thống đã loại bỏ phương thức xét tuyển sao vẫn còn thông tin trên hệ thống để thí sinh này vẫn nhầm lẫn khi vào chọn? “Để giờ đây, mặc dù đã hoàn thành chương trình THPT nhưng em chỉ là một thí sinh ảo, không được xét các thủ tục tiếp theo để bước vào ngưỡng cửa đại học”, V.K.N chua chát nói.

Nhiều thí sinh đăng ký nhầm phương thức xét tuyển đại học

Thông tin của V.K.N được tiếp nhận trên hệ thống của Bộ GD-ĐT nhưng bị nhầm phương thức xét tuyển

Vì sao nhiều thí sinh nhầm phương thức tuyển sinh ?

Năm nay, Bộ GD-ĐT quy định tất cả TS dù đăng ký phương thức xét tuyển nào cũng phải đăng ký trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT. Các phương thức xét tuyển khác nhau sẽ được quy định theo mã số khác nhau. Đây là lý do khiến nhiều TS đăng ký nhầm mã số dẫn đến nhầm phương thức xét tuyển.

Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã kéo dài thời gian chỉnh sửa đến ngày 23.8 sau 1 tháng cho phép đăng ký và chỉnh sửa nguyện vọng trước đó để TS có thể chỉnh sửa các nhầm lẫn (nếu có). Tuy nhiên, điều này vẫn không thể loại trừ một số TS vẫn bị nhầm lẫn vì không kiểm tra lại thông tin đăng ký xét tuyển kỹ lưỡng.

Cũng cần nhấn mạnh rằng lỗi đầu tiên cho việc nhầm lẫn này thuộc về bản thân TS, nên hiện nay Bộ GD-ĐT chưa thể đưa ra cách giải quyết phù hợp.

Tại Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), không chỉ có mình V.K.N bị nhầm lẫn khi đăng ký các phương thức xét tuyển. Trao đổi với PV Thanh Niên, L.B.U, một TS ở Đà Nẵng, cũng cho biết mình đăng ký nhầm từ phương thức “Xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo” thành “Ưu tiên xét tuyển thẳng theo đề án của cơ sở đào tạo”. L.B.U cho biết ban đầu em đăng ký trên hệ thống nhiều lần nên chưa được lưu thông tin, sau đó đăng ký lại thì bị nhầm phương thức xét tuyển. Hiện tại, L.B.U cũng không biết làm sao vì liên hệ thì trường đại học nói rằng không thể can thiệp được vấn đề này.

Các trường đại học đã hoàn tất 2 lần lọc ảo xét tuyển

Đến chiều qua 11.9, các trường ĐH đã hoàn tất lọc ảo xét tuyển lần thứ 2. Theo quy trình, các trường sẽ trải qua 4 vòng lọc ảo tiếp theo để công bố điểm chuẩn sau ngày 15.9.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết đến chiều qua điểm chuẩn có sự tăng giảm khác nhau, dự kiến trong khoảng 23 - 24 điểm tùy ngành.

Theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, sau lần lọc ảo thứ 2 điểm chuẩn dự kiến có những biến động so với năm ngoái. Trong đó, ngành công nghệ thông tin điểm chuẩn dự kiến cao hơn khoảng 0,5 - 1 điểm, khối ngành kinh tế và du lịch cao hơn khoảng 0,5 điểm. Điểm chuẩn các ngành trên dao động trong khoảng 22 - 25 điểm tùy ngành. Trong khi đó, điểm chuẩn các ngành khối công nghệ dự kiến giảm khoảng 0,5 - 1 điểm.

Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết điểm chuẩn có thể bằng hoặc thấp hơn năm ngoái, dự kiến trong khoảng 24 - 27 điểm tùy ngành. Một số ngành có điểm chuẩn ở mức cao là: marketing, kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh, kinh tế, luật kinh tế.

Hà Ánh

Đ.Đ.T (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) cũng là một TS đăng ký vào Trường ĐH Công nghệ thông tin nhưng ngược với V.K.N, TS này đã đăng ký xét tuyển sớm vào trường và đã được xác nhận trúng tuyển theo 2 phương thức khác nhau. Tuy nhiên, khi đăng ký trên hệ thống của Bộ GD-ĐT thì Đ.Đ.T lại đăng ký nhầm phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Khi TS này liên hệ với hotline của Bộ GD-ĐT thì được cho biết là đã hết thời gian chỉnh sửa và Bộ sẽ tiếp nhận trường hợp cụ thể này để có thể giải quyết sau. Điều đáng tiếc là Đ.Đ.T đăng ký duy nhất một nguyện vọng xét tuyển.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết vừa qua có khoảng 2.000 TS đăng ký xét tuyển vào trường bị nhầm phương thức xét tuyển. TS đăng ký thêm phương thức hoặc nhầm từ phương thức xét tuyển sớm thành xét tuyển điểm kỳ thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, các trường hợp trường đều nhận được thông tin từ Bộ

GD-ĐT và đã thông báo TS chỉnh sửa trong thời hạn quy định. Nếu TS nhầm lẫn sau thời hạn quy định thì trường cũng không thể giải quyết được.

Sẽ có hướng giải quyết cho thí sinh ?

Một cán bộ tuyển sinh của Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết trường tiếp nhận các trường hợp nhầm lẫn này từ TS nhưng không thể giải quyết được. Lý do là chỉ có đơn vị quản lý phần mềm xét tuyển là Bộ GD-ĐT mới có thể điều chỉnh giúp TS. Trường cũng không thể tự ý hỗ trợ TS khi chưa có chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, vị cán bộ tuyển sinh này cũng cho biết ngày 10.9 Bộ đã bắt đầu tiến hành lọc ảo. Vì vậy, không rõ nếu các TS này được cho phép điều chỉnh thì sẽ giải quyết như thế nào sau khi đã lọc ảo hoàn tất.

Trả lời PV, lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết hiện nay đã hết thời gian TS điều chỉnh thông tin và tiến hành lọc ảo trên hệ thống. Vì vậy, với các trường hợp phản ánh cụ thể, phải chờ cả hệ thống chạy hoàn tất mới có thể xem xét giải quyết. Cả hệ thống đang chạy nên không thể ngắt dừng toàn hệ thống.

Lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học cũng cho biết Bộ GD-ĐT vẫn tiến hành tiếp nhận thông tin của TS. Các trường ĐH cũng sẽ tiếp nhận thông tin của TS phản ánh. Sau đó, Bộ sẽ thống nhất cùng các trường để có hướng xử lý cho phù hợp.

Theo Đăng Nguyên/TNO

Tin cùng chuyên mục

Điểm sàn cao nhất xét tuyển vào ĐH Kinh tế TP.HCM là 730 điểm, theo kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đợt 1 năm 2024.
Bộ GD&ĐT chính thức ban hành kế hoạch tuyển sinh đại học và tuyển sinh ngành cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2024.
Thí sinh muốn phúc khảo bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cần đăng ký trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 17- 4.
ĐH Quốc gia TP.HCM vừa công bố kết quả kỳ thi đánh giá năng lực 2024 đợt 1, trong đó thủ khoa đạt 1.076 điểm (thang điểm 1.200).
Hôm nay (15/4), ĐH Quốc gia TP.HCM công bố điểm thi đánh giá năng lực đợt 1. Kỳ thi có gần 100.000 thí sinh tham dự. Sau đây là cách xem điểm thi đánh giá năng lực.
Có trường đại học, có ngành, thí sinh phải đạt từ 850 điểm (thang điểm 1.200) thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM mới được nộp hồ sơ xét tuyển.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề