Nhiều ngành học mới đáp ứng nhu cầu xã hội

Kỳ tuyển sinh năm 2023 hứa hẹn nhiều tín hiệu tích cực khi các cơ sở đào tạo trên cả nước mở thêm nhiều ngành học mới phù hợp xu thế, đáp ứng nhu cầu xã hội. Điều này vừa thể hiện tinh thần tự chủ, tích cực của các cơ sở đào tạo khi chủ động đón đầu xu thế, vừa tạo thuận lợi cho thí sinh khi có thêm cơ hội học tập ở những ngành nghề mới, sẵn sàng gia nhập thị trường lao động vài năm tới.

Kỳ tuyển sinh năm 2023, Trường Đại học Phenikaa sẽ mở thêm 5 ngành học mới.

Trường Đại học Phenikaa là một trong những cơ sở đào tạo trên địa bàn Hà Nội vừa công bố mở thêm 5 ngành học mới, nâng tổng số ngành đào tạo của trường lên 41 ngành trong mùa tuyển sinh năm 2023. 5 ngành học mới của trường gồm: Ngôn ngữ Pháp, Đông Phương học, răng - hàm - mặt, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kỹ thuật phần mềm. Cùng với việc mở thêm ngành học mới, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường cũng tăng từ hơn 5.800 sinh viên (năm 2022) lên gần 7.700 sinh viên trong kỳ tuyển sinh năm nay. 

Lý giải về căn cứ mở ngành đào tạo mới, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết, nhà trường đã khảo sát kỹ các yếu tố liên quan, đặc biệt là nhu cầu việc làm, trong đó có nhiều ngành đang có nhu cầu nhân lực lớn… Nhằm đồng hành, chia sẻ với gia đình sinh viên, tạo động lực cũng như cơ hội học tập trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, năm nay nhà trường đã xây dựng và vận hành quỹ học bổng lên tới 50 tỷ đồng. 

Năm nay, thí sinh trên địa bàn Hà Nội có thêm cơ hội thử sức với ngành đào tạo mới là kinh tế chính trị của Trường Đại học Ngoại thương. Thông tin thêm về ngành này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết, ngành học này sẽ là cung cấp nhân sự có tố chất đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh mới.

Còn ông Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng thông tin thêm, nhà trường vừa đưa vào 4 chương trình đào tạo mới, gồm ngân hàng số, công nghệ tài chính, logistics và quản lý chuỗi cung ứng và quản trị du lịch. Nhà trường đã nghiên cứu kỹ về nhu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng trong nhiều năm tới và nhận thấy, đây là những ngành nhận được sự quan tâm của thị trường tuyển dụng. 

Sự phát triển mạnh của các ngành nghề đào tạo mới trong kỳ tuyển sinh năm nay đã mở thêm nhiều cơ hội học tập, song cũng khiến không ít thí sinh bối rối trong việc lựa chọn để quyết định đưa ra nguyện vọng đăng ký dự tuyển phù hợp.

Em Trần Thị Thanh, học sinh Trường Trung học phổ thông Phúc Lợi (quận Long Biên) bày tỏ, thời gian đăng ký nguyện vọng đại học năm nay sớm hơn, từ ngày 10-7, trong khi năm ngoái là từ ngày 22-7. Vì vậy, ngay từ bây giờ, cùng với việc tăng tốc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chúng em cũng phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu về các ngành nghề mà mình dự định đăng ký. Mối quan tâm nhất của em là chọn được ngành phù hợp với sở trường, với năng lực học tập và có cơ hội việc làm tốt sau khi tốt nghiệp đại học. Em mong được các thầy, cô giáo và các chuyên gia tiếp tục hỗ trợ, định hướng để đạt được nguyện vọng. 

Giải đáp thí sinh về điều này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trước khi quyết định mở thêm ngành đào tạo, các trường đều nghiên cứu về nhu cầu nhân lực của ngành đó trong tương lai. Với thí sinh, việc lựa chọn một ngành mới mở hay đã mở từ những năm trước không phải là yếu tố quyết định, mà cần căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có căn cứ vào năng lực, sở trường của mình, vào điều kiện gia đình… Trong đó, yếu tố năng lực rất quan trọng, bởi nó quyết định việc thí sinh có học tốt ngành nghề đó hay không. 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong kỳ tuyển sinh năm 2022, 4 nhóm ngành có tỷ lệ tuyển sinh cao nhất gồm: Kinh doanh và quản lý (24,54%), máy tính và công nghệ thông tin (11,79%), công nghệ kỹ thuật (9,18%) và nhân văn (8,68%). Ý kiến của nhiều chuyên gia nhận định, thực tế lựa chọn ngành của thí sinh không có nhiều thay đổi trong mùa tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên, các em nên cân nhắc trước những dịch chuyển của xã hội trong những năm tới và đặc biệt là năng lực học tập của bản thân.

Theo Thống Nhất/ HNM

Tin cùng chuyên mục

Học sinh lớp 12 trên cả nước có 5 ngày để thử đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024, từ 24/4 đến hết 28/4.
Thí sinh được Hiệu trưởng giới thiệu để ưu tiên tuyển thẳng vào đại học phải là thuộc nhóm 5 học sinh giỏi, có điểm trung bình cộng 3 năm THPT cao nhất trường.
Ngày 23/4, Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Gia Định TP.HCM công bố điểm chuẩn đạt điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm đối với 53 ngành/chuyên ngành trong đợt tháng 4/2024.
Đa số các trường đại học tại TP.HCM nhận hồ sơ xét tuyển từ 600-700 điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, thang điểm tối đa là 1.200.
Năm nay, điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được sử dụng để xét tuyển vào 105 cơ sở đào tạo ĐH và CĐ trong cả nước. Thí sinh xét tuyển bằng phương thức này cần lưu ý những quy định khác nhau về điểm sàn, quy định riêng của các trường và các ngành.
Bộ Công an đã có thông báo về phương án đổi mới công tác tuyển sinh văn bằng 2. Theo đó, phương án đổi mới được chia thành 2 giai đoạn: từ năm 2024 - 2025 và từ năm 2026 trở đi.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề