Nhiều ĐH Hàn Quốc mở ngành riêng cho du học sinh, dạy K-pop, K-drama

Trong bối cảnh nhu cầu du học Hàn Quốc tăng cao, nhiều ĐH Hàn Quốc đang tạo ra những chuyên ngành bằng tiếng Anh hoặc tiếng Hàn dành riêng cho sinh viên quốc tế để thu hút tuyển sinh năm 2024.

Người học Việt Nam nghe tư vấn về ngành nghề, trường học tại TP.Seoul trong hội thảo du học Hàn Quốc diễn ra hôm 24.2. NGỌC LONG

Xu hướng quốc tế hóa

Theo tờ Korea JoongAng Daily, ĐH Hàn Quốc, ngôi trường danh giá hàng đầu xứ sở kim chi, đang thảo luận về việc thành lập một khoa mới dự kiến mang tên "Khoa Giải trí toàn cầu", chỉ tiếp nhận sinh viên quốc tế. Tại đây, du học sinh sẽ được học tất tần tật về ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc như phim ảnh (K-drama), âm nhạc (K-pop), truyện tranh mạng (webtoon) và trò chơi điện tử.

Ngoài ra, ĐH Hàn Quốc cũng mở một chương trình mới dành riêng cho sinh viên quốc tế là Global Open Major Division, tuyển sinh khóa đầu tiên vào kỳ mùa xuân năm nay. Chương trình này cho phép sinh viên quốc tế đăng ký học các lớp từ những chuyên ngành khác nhau trong năm nhất, sau đó mới chọn chuyên ngành chính thức vào năm hai.

Tại ĐH Kyung Hee, chuyên ngành Nghiên cứu Hàn Quốc toàn cầu trước đây dành cho tất cả sinh viên, giờ cũng đang chuyển hướng thành một lĩnh vực chỉ dành riêng cho sinh viên quốc tế. Bắt đầu từ kỳ mùa xuân 2024, chuyên ngành này chỉ tiếp nhận một sinh viên Hàn Quốc, số còn lại đều là du học sinh.

Tương tự, Trường Quốc tế thuộc ĐH Khoa học và công nghệ quốc gia Seoul vừa được thành lập trong năm 2024, chỉ tiếp nhận sinh viên quốc tế. Trường Quốc tế Loyola của ĐH Sogang cũng khai giảng khóa đầu tiên ở Khoa Nghiên cứu liên ngành toàn cầu, chương trình đào tạo dành cho sinh viên quốc tế, vào kỳ mùa xuân năm nay. Còn với ĐH Soongsil, chuyên ngành dành cho người nước ngoài chỉ có ở bậc sau ĐH.

Học sinh đặt câu hỏi về cơ hội du học Hàn Quốc. NGỌC LONG

Theo truyền thông Hàn Quốc, nhiều trường ĐH mở các chuyên ngành chỉ tiếp nhận sinh viên quốc tế vì chính phủ nước này quyết định dỡ bỏ các quy định cấm. Cụ thể, Đạo luật Giáo dục ĐH tại Hàn Quốc đã được sửa đổi vào tháng 5.2022, cho phép các trường mở chuyên ngành dành cho những nhóm sinh viên nằm ngoài chỉ tiêu tuyển sinh thông thường, trong đó có du học sinh.

Cách chuẩn bị hành trang

Khi các trường ĐH Hàn Quốc ngày càng có thêm nhiều nhiều lựa chọn cho sinh viên quốc tế, du học sinh Việt cần làm gì để tận dụng cơ hội này? Trao đổi với Thanh Niên bên lề hội thảo du học Hàn Quốc do Zila Education tổ chức tại TP.HCM hôm 24.2, Phạm Hoàng Oanh, sinh viên ĐH Soongsil, khuyên các bạn có thể tìm đến đa dạng nguồn học bổng để chuẩn bị tài chính vững vàng.

Cụ thể, ngoài học bổng toàn phần từ chính phủ, du học sinh Việt cũng có thể tìm hiểu những học bổng từ trường ĐH hoặc các doanh nghiệp Hàn Quốc có chi nhánh tại Việt Nam. Chẳng hạn, Oanh đã từng nhận học bổng Tập đoàn Charmvit và học bổng ký túc xá của Tập đoàn Lotte. "Với loại học bổng này, ứng viên cần có hồ sơ năng lực toàn diện, đạt thành tích cao từ học thuật đến hoạt động ngoại khóa", Oanh nói.

Về học bổng của trường ĐH, tiêu chí xét duyệt thường dựa trên điểm trung bình học tập (GPA) và trình độ tiếng Hàn (thể hiện qua điểm các bài thi như TOPIK), với giá trị có thể lên đến 100% học phí kèm sinh hoạt phí. Trong khi đó, với học bổng chính phủ Hàn Quốc, các tiêu chí thiên về năng lực học thuật của ứng viên nhiều hơn, gồm GPA, trình độ tiếng Hàn, bài luận giới thiệu bản thân và kế hoạch học tập, theo Oanh.

Hoàng Oanh chia sẻ những trải nghiệm học tập, làm việc thực tế tại Hàn Quốc. NGỌC LONG

Đang thu hút khoảng 1,6 triệu lượt theo dõi trên kênh TikTok @khumcanco, Oanh nói rằng những thử thách chính khi bắt đầu học tại Hàn Quốc là bị "ngợp" về ngôn ngữ và phong cách giảng dạy của thầy cô. Chưa kể, việc cân đối lịch học giữa môn đại cương và chuyên ngành cũng cần được nghiên cứu kỹ. "Lần đầu giao tiếp với bạn học người Hàn, tôi cũng gặp nhiều vấn đề vì các bạn hay dùng từ lóng. Nhưng nếu cởi mở và nhiệt thành, giáo viên lẫn bạn học đều sẽ sẵn sàng hỗ trợ mình", Oanh kể.

Trong khi đó, với quyền làm việc, nam giám đốc nói hiện sinh viên quốc tế có thể làm thêm hợp pháp sau khi đến Hàn Quốc học được 6 tháng, với thời lượng 20 giờ/tuần và không giới hạn vào những kỳ nghỉ. Đến khi tốt nghiệp, du học sinh Việt được phép ở lại Hàn Quốc một thời gian để tìm việc hoặc thực tập. Trong thời gian này, nếu doanh nghiệp chấp nhận bảo lãnh, người nước ngoài có thể ở lại làm việc hợp pháp.

"Chính phủ Hàn Quốc có nhiều ưu tiên với những sinh viên tốt nghiệp các ngành mà nước này đang cần nhân lực như công nghệ và kỹ thuật. Tuy nhiên, trong trường hợp không được bảo lãnh, du học sinh Việt có thể cân nhắc học lên thạc sĩ hay chuyên ngành thứ hai, hay có thể đầu tư mở dịch vụ kinh doanh để được nhận thị thực cho phép ở lại", ông Văn thông tin.

Mỗi năm, Hàn Quốc có 4 kỳ nhập học khóa tiếng Hàn, lần lượt vào tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12. Để nhập học đúng kỳ mong muốn, du học sinh Việt cần chuẩn bị hồ sơ và nộp cho trường trước 3 tháng. Riêng chương trình đào tạo chính quy như cử nhân, sau ĐH chỉ có 2 kỳ vào tháng 3, tháng 9 hằng năm, và người học cần đăng ký trước đó từ 4 đến 6 tháng tùy vào từng đơn vị.

Theo Viện Phát triển giáo dục Hàn Quốc, đến tháng 4.2022, Việt Nam đứng thứ 2 về số du học sinh với 37.940 người, chiếm 22,7% tổng số sinh viên quốc tế ở quốc gia này. Trong đó, người Việt theo học nhiều nhất ở bậc cử nhân (17.534) và khóa tiếng Hàn (10.675).

Theo Ngọc Long/ Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Chỉ với một cú pháp đơn giản trên các trang công cụ tìm kiếm: chuyên ngành + “Graduate” + “Assistantship”, bạn có thể dễ dàng tìm thấy hàng trăm hỗ trợ tài chính toàn phần cho chương trình sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ) tại Mỹ.
Nhân kỷ niệm 150 năm thành lập, ĐH Adelaide ưu ái tổ chức nhiều hoạt động dành cho người học Việt Nam, nổi bật là ra mắt chương trình học bổng toàn phần và tiếp tục duy trì nhiều gói học bổng giá trị khác.
Chính quyền, trường ĐH và doanh nghiệp Đài Loan chung tay đào tạo các ngành hot miễn phí cho sinh viên Việt Nam và tạo điều kiện để người học làm việc ngay tại vùng lãnh thổ này sau khi tốt nghiệp.
Với mục đích tăng cường lao động nước ngoài để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực, Đức đang ban hành nhiều chính sách tích cực, trong đó có tạo cơ hội chuyển đổi văn bằng cho ứng viên để làm việc tại quốc gia này.
Bộ GD-ĐT vừa có thông báo tuyển sinh ứng viên nhận học bổng đi học tại Ba Lan diện Hiệp định năm 2024 dành cho trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Chiến lược di cư mới do chính phủ nước này công bố nêu ra những thay đổi đáng kể về công việc sau tốt nghiệp cho sinh viên quốc tế, đồng thời yêu cầu đầu vào cao hơn.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề