Ngoài IELTS, chứng chỉ ngoại ngữ “nội” cũng được ưa chuộng

Ngoài IELTS, Chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP được nhiều học sinh, sinh viên quan tâm bởi các trường đại học sử dụng chứng chỉ này trong tuyển sinh đầu vào hoặc xét tốt nghiệp đầu ra.

Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP bậc 3 (theo khung 6 bậc) sẽ được miễn thi tốt nghiệp môn tiếng Anh.

Cùng với đó, bên cạnh các chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEIC, TOEFL… một số trường đại học cho phép thí sinh sử dụng kết quả bài thi VSTEP trong tuyển sinh đầu vào.

Trường Đại học ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng kết quả bài thi VSTEP do nhà trường tổ chức để xét tuyển kết hợp với kết quả học tập THPT. Thí sinh phải đạt tối thiểu VSTEP bậc 3, điểm tối thiểu của từng kỹ năng là 6 điểm (trên thang 10).

Với Đại học Bách khoa Hà Nội, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh VSTEP có thể quy đổi thành điểm môn tiếng Anh khi xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT (tổ hợp A01, D01, D07) và cộng điểm thưởng khi xét tuyển sớm.

Quy định về các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương (trong đó có IELTS) của Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2024

Học viện Báo chí và tuyên truyền cũng chấp nhận sử dụng kết quả bài thi VSTEP để cộng điểm khuyến khích xét học bạ và quy đổi để xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT.

Quy đổi điểm đối với thí sinh có chứng chỉ quốc tế, chứng chỉ khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc môn tiếng Anh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Không chỉ được các trường đại học sử dụng trong tuyển sinh đầu vào, các chứng chỉ ngoại ngữ, trong đó có chứng chỉ VSTEP còn trở thành điều kiện để xét tốt nghiệp đầu ra. Chính vì vậy, ngày càng nhiều sinh viên quan tâm và thi lấy chứng chỉ này.

Nguyễn Thảo Vi - sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - đang trong quá trình ôn tập để thi lấy chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Em chia sẻ, em bắt đầu ôn thi từ sớm, khoảng đầu năm thứ hai đại học để kịp thi lấy chứng chỉ VSTEP B1, đủ điều kiện ra trường và hoàn thiện hồ sơ xin việc về sau.

Với Vi, chứng chỉ VSTEP phù hợp với bản thân hơn so với các chứng chỉ ngoại ngữ khác bởi lệ phí thi rẻ, chỉ khoảng 1.500.000 đồng. Chứng chỉ VSTEP cũng không có thời hạn. Đây là ưu điểm khiến Vi cân nhắc lựa chọn.

“Công việc của em về sau cũng không sử dụng tiếng Anh thường xuyên nên chứng chỉ VSTEP là hợp lý với mục tiêu đủ điều kiện tốt nghiệp và cải thiện khả năng giao tiếp tiếng Anh của mình” - Thảo Vi nói.

Cao Thị Trà Giang - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền - cũng thi chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam vào giữa tháng 5 sắp tới. Giang cho hay, em thi VSTEP để quy đổi thành điểm học phần môn tiếng Anh. Nếu đạt được chứng chỉ VSTEP B2, em sẽ được miễn học phần ngoại ngữ và nhận điểm 10.

Giống với Thảo Vi, Trà Giang lựa chọn thi VSTEP thay vì các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế để tiết kiệm chi phí. Giang cho biết, hiện tại bản thân không phải mất quá nhiều tiền để học và thi lấy chứng chỉ VSTEP.

Để có được chứng chỉ này, Giang mất phí dự thi là 1.300.000 đồng và 3.000.000 đồng cho một khóa học VSTEP cấp tốc.

“So với IELTS, em cảm thấy đề thi VSTEP dễ hơn, cấu trúc đề thi tương tự với đề thi môn tiếng anh thi tốt nghiệp THPT nên em không phải mất quá nhiều thời gian và công sức” - Giang nói và cũng cho biết thêm, mặc dù dễ hơn các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác nhưng để đạt được mức điểm VSTEP B2, nhất là từ C1 trở lên vẫn là một thử thách đối với các thí sinh.

Tuy nhiên, theo Giang, chứng chỉ VSTEP hiện nay chưa thông dụng bằng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEIC, TOEFL… Đây chỉ là chứng chỉ ngoại ngữ của Việt Nam, không được quốc tế công nhận. Chính vì vậy, với những bạn có mong muốn du học hoặc xin việc trong các công ty nước ngoài, công ty đa quốc gia, chứng chỉ VSTEP gần như không thể sử dụng.

VSTEP là bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tương đương với trình độ A1, A2, B1, B2, C1, C2). Bài thi này gồm đầy đủ 4 phần thi, tương ứng với 4 kỹ năng tiếng Anh: nghe, nói, đọc, viết. Điều này cũng tương tự như những chứng chỉ quốc tế khác như IELTS, hay TOEFL...

Theo Anh Đức/ Lao động

Tin cùng chuyên mục

Nếu thí sinh thực sự mong muốn theo học các trường khối công an, thí sinh phải đăng ký đó là nguyện vọng 1 trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển ngành Quân sự cơ sở năm 2024 của Trường Sĩ quan Lục quân 1 và Trường Sĩ quan Lục quân 2: Đào tạo Đại học: 15,0 điểm; Đào tạo Cao đẳng: 10,0 điểm.
Điểm sàn chỉ với mức 15 điểm cùng nhiều gói học bổng hấp dẫn đang là “điểm nhấn” của các trường đại học tốp dưới nhằm tạo cơ hội cho các thí sinh trong cuộc chạy đua tuyển sinh năm nay.
Các trường ĐH đồng loạt công bố điểm sàn theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Mức điểm nhận hồ sơ được ghi nhận ở các trường hiện dao động từ 15 - 24 điểm. Liệu có ngành nào điểm chuẩn trúng tuyển sẽ bằng với mức điểm nhận hồ sơ?
Hàng loạt ngành học ở nhiều trường đại học tại TP.HCM lấy điểm sàn chỉ từ 15, theo tổ hợp ba môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Trong thời điểm này, một số trường ĐH thông báo tiếp tục nhận đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ và điểm thi đánh giá năng lực trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này là đúng hay sai?
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề