Nặn đất sét kiếm thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng/tháng

Khởi nghiệp với nghề làm đồ lưu niệm và trang trí từ đất sét, Trần Thạch Thảo (ngụ P.Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng/tháng.

Gác bằng đại học, theo đuổi đam mê đất sét

Chỉ tay về phía tủ trưng bày, Thảo cho biết đến nay mình đã làm được gần 1.000 sản phẩm đồ lưu niệm và trang trí bằng đất sét, như: sen đá, bó hoa, nhân vật hoạt hình, tiểu cảnh hoạt hình... Hầu hết sản phẩm làm theo đơn đặt hàng của khách nên hiếm có mẫu nào giống mẫu nào 100%.

Nhiều sản phẩm từ đất sét do Thảo làm ra được giới trẻ ưa chuộng. DUY TÂN

Ban đầu Thảo làm quen với việc nặn đất sét chỉ vì tò mò, nhưng dần dần đam mê lúc nào chẳng hay. Từ đó, Thảo có một quyết định táo bạo trong cuộc đời là gắn bó với nghệ thuật tạo hình đất sét, thay vì theo chuyên ngành thiết kế đồ họa đã học.

Một tiểu cảnh dễ thương từ đất sét được hoàn thiện qua đôi tay khéo léo của Thảo. DUY TÂN

Thảo kể bản thân biết đến nghề nặn đất sét từ năm 2011, nhưng chỉ tận dụng thời gian rảnh rỗi để làm đồ trang trí tặng người thân, bạn bè. "Thời điểm đó, tôi biết được nghệ thuật này qua các trang mạng. Thấy người ta tạo hình hay quá nên tôi tìm hiểu và biết ở TP.HCM cũng đang thịnh. Thế là tôi tìm mua nguyên liệu về tập làm và ấp ủ dự định khởi nghiệp", Thảo kể.

Đất sét được tạo hình các loại động vật theo phong cách hoạt hình dễ thương. DUY TÂN

Năm 2014, Thảo tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa Trường ĐH Cần Thơ. Có được công việc ổn định từ nghề đã học, nhưng Thảo vẫn tiếp tục tự học nặn đất sét để nâng cao tay nghề. Đến năm 2018, khi đã tích lũy đủ vốn và tay nghề được nâng lên, Thảo quyết định gác bằng đại học, khởi nghiệp với nghề nặn đất sét.

Nguyên liệu tạo nên sản phẩm là đất sét Nhật Bản, thuộc dòng tự khô. Loại này có ưu điểm mau khô, chỉ trong vòng 3 - 4 tiếng. "Đất sét Nhật có 2 loại, cứng và siêu nhẹ. Riêng tôi kết hợp 2 loại này để tận dụng ưu điểm. Chẳng hạn, khi làm những bó hoa to, tôi kết hợp, pha trộn theo công thức giữa loại cứng và loại siêu nhẹ để giảm trọng lượng, hoa làm ra có độ cứng", Thảo nói.

Những sản phẩm sáng tạo độc đáo

Để sản phẩm giống y đúc nguyên bản, phải trải qua 4 công đoạn: lên ý tưởng và vẽ phác thảo; chuẩn bị nguyên liệu với màu phù hợp; nặn thô; ráp các chi tiết và tô màu những chi tiết nhỏ.

Theo Thảo, dù đã làm gần 1.000 sản phẩm với đủ thể loại, từ động vật, nhân vật hoạt hình, sen đá, hoa… nhưng điểm mạnh của Thảo vẫn thiên về làm các loại động vật theo phong cách hoạt hình dễ thương và sen đá.

Tiểu cảnh hoạt hình làm theo đơn đặt hàng. DUY TÂN

Một tiểu cảnh độc lạ. DUY TÂN

"Hầu hết sản phẩm theo đơn hàng của khách. Khách muốn làm mẫu gì thì tôi phác thảo gửi họ xem. Sau khi khách đồng ý thì tôi bắt đầu làm. Mỗi lần làm đều yêu cầu những mẫu khác nên hầu như những sản phẩm ở tiệm ít trùng với sản phẩm trên thị trường", Thảo nói.

Để tạo ra những tác phẩm sống động, ngoài sự khéo tay, tỉ mỉ còn đòi hỏi óc quan sát tinh tế và kiên trì. Thời gian hoàn thiện mỗi sản phẩm từ 1 - 4 ngày, vì phải đợi đất khô hoàn toàn.

Hiện các sản phẩm từ đất sét của Thảo được đông đảo khách hàng, đa số là giới trẻ đón nhận. Các sản phẩm này được chọn làm quà tặng hoặc vật trang trí, với ưu điểm giữ được lâu, không gây độc hại. Tùy vào kích thước, kiểu dáng, giá bán dao động từ 30.000 - 800.000 đồng/sản phẩm). Thảo có thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng/tháng. Vào dịp lễ, tết thì thu nhập tăng gấp 2 lần.

Những mẫu sen đá mix với nhau. DUY TÂN

Thảo cho biết đang có kế hoạch tổ chức các buổi chia sẻ, giới thiệu thể loại nặn đất sét đến với nhiều người có cùng đam mê.

Theo Duy Tân/Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Đại học Bách khoa Hà Nội vừa tổ chức Ngày hội thông tin TECHSTART 2024 - Lễ phát động Cuộc thi Sáng tạo Khởi nghiệp Công nghệ HUST 2024.
Với ý tưởng dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để đánh giá tình trạng kích ứng và dị ứng da đầu, 3 sinh viên từ Trường ĐH RMIT Việt Nam đã vượt qua hơn 5.000 người để đại diện Việt Nam thi đấu tại Anh.
Từng là thủ khoa đầu vào cùng tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc của Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM nhưng Nguyễn Quỳnh Châu bỏ hết lại phía sau, trở về quê khởi nghiệp trồng rau.
Chọn bánh tráng để khởi nghiệp vì không muốn đặc sản quê nhà chỉ là những gói hàng rong không nhãn mác, đến nay, cô gái này đã mang lại thu nhập cho nhiều hộ gia đình và có hơn 6.000 điểm bán hàng trên toàn quốc.
Trước khi chạm đến thành công, nữ thanh niên tỉnh Đắk Nông từng vấp nhiều thất bại trong hành trình khởi nghiệp. Với quyết tâm không từ bỏ, chị đã vươn lên, đoạt giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp thanh niên nông thôn toàn quốc.
Với dự án nghiên cứu và phát triển sản phẩm "Sầu riêng ngũ cốc sấy thăng hoa", chị Trần Thị Dịu (tỉnh Đắk Nông) xuất sắc vượt qua 39 thí sinh khác trên cả nước để giành giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023 do T.Ư Đoàn tổ chức.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề