Lý do Việt Nam trở thành điểm nóng du học

Năm 2023, Việt Nam vẫn được xem là 'điểm nóng' tuyển sinh với các tổ chức giáo dục toàn cầu, với nhiều xu hướng du học nổi bật bên cạnh lựa chọn học ở trường ĐH tại nước ngoài.

Học sinh Việt Nam tìm hiểu cơ hội du học Úc với đại diện tuyển sinh của trường Úc. NGỌC LONG

Năm 2023, động lực đưa con du học của người Việt vẫn phát triển mạnh mẽ. Trước đây, sự chú ý đổ dồn về những nước phương Tây như Mỹ, Úc, Canada vì lợi thế tiếng Anh giúp sinh viên có nhiều cơ hội cạnh tranh việc làm. Tuy nhiên, khi sức mạnh kinh tế toàn cầu dần chuyển dịch về phương Đông, những "điểm đến" ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan đang càng ngày thu hút học sinh Việt.

Theo đó, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD-ĐT) thống kê có khoảng 190.000 du học sinh Việt đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài trong năm học 2019-2020. Việt Nam còn đứng hàng đầu về số du học sinh tại các quốc gia, vùng lãnh thổ như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Mỹ... Dữ liệu trên cho thấy Việt Nam đang là "điểm nóng" tuyển sinh đối với những tổ chức giáo dục trên toàn cầu, theo trang ICEF Moniter.

Lý do hình thành cơn "sốt"

Do đâu mà du học trở thành cơn "sốt" tại Việt Nam? Các báo cáo nghiên cứu của những tổ chức uy tín như HSBC, Ngân hàng Thế giới nhận định có một số nguyên nhân, chủ yếu đến từ tâm lý của phụ huynh cũng như sự phát triển chung của nền kinh tế.

Những sự kiện du học các nước liên tục được tổ chức tại Việt Nam. NGỌC LONG

Một trong những lý do chính là gia đình Việt luôn dành mối quan tâm hàng đầu đến giáo dục. Thống kê năm 2018 của HSBC thể hiện mức chi tiêu cho lĩnh vực này của mỗi gia đình chiếm 47% tổng chi tiêu. UNICEF năm 2021 cũng phản ánh tỷ lệ hoàn thành bậc THPT thay đổi đáng kể tùy theo khu vực và khung thu nhập, và đây là vấn đề khiến khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng bị hạn chế ở một số khu vực, thúc đẩy họ tìm đến thành phố lớn hay du học.

Mặt khác, theo công bố của Ngân hàng Thế giới hồi tháng 4.2023, Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất đã chuyển mình thành nền kinh tế có thu nhập trung bình chỉ sau một thế hệ, kéo theo sự mở rộng của tầng lớp trung lưu. Thực tế trên cùng quyết định tăng học phí của nhiều trường ĐH tại Việt Nam trong thời gian qua và sắp tới khiến nhiều gia đình cân nhắc chọn các tổ chức giáo dục ở nước ngoài thay vì trong nước.

Đâu là những yếu tố khác ảnh hưởng đến quyết định du học? Theo một nghiên cứu của tổ chức giáo dục INTO được thực hiện năm 2022 với 1.000 sinh viên Gen Z và 500 phụ huynh tại Việt Nam, ưu tiên hàng đầu của du học sinh Việt khi cân nhắc chọn ĐH ở nước ngoài là cải thiện năng lực tiếng Anh và nâng cao triển vọng nghề nghiệp.

Anh, Úc, Mỹ là những điểm đến hàng đầu với du học sinh Việt, tuy nhiên các quốc gia châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đang thu hút sự chú ý. CHỤP MÀN HÌNH

Mở rộng hơn, việc lựa chọn quốc gia điểm đến sẽ dựa trên 4 yếu tố, lần lượt xếp theo mức độ quan trọng là (1) có được trải nghiệm phù hợp với lĩnh vực đang theo đuổi, (2) chất lượng giáo dục cao hơn nhiều so với mặt bằng chung, (3) cơ hội việc làm cho sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp và (4) khả năng vừa học vừa làm.

Cũng theo nghiên cứu của INTO, dù các quốc gia nói tiếng Anh là điểm đến chính được Gen Z Việt Nam cân nhắc, nhưng hơn một nửa trong số đó lại xem trường ĐH ở châu Á là một trong 3 lựa chọn hàng đầu. Ngoài ra, cứ 5 sinh viên thì 4 người cho biết phụ huynh có sức ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định du học của họ. Trong khi đó, chi phí và sự an toàn là mối quan tâm hàng đầu của những bậc cha mẹ.

Xu hướng nổi bật

Du học tại chỗ theo diện liên kết quốc tế cũng là một trong những hình thức đang được quan tâm nhất hiện nay. Với 1.005 phụ huynh tham gia khảo sát, 85% cho biết họ sẵn sàng cho con đăng ký các chương trình liên kết quốc tế, trong khi đó chỉ 34% kỳ vọng sẽ cho con học chương trình Việt Nam tại trường ĐH Việt Nam, theo báo cáo công bố hồi tháng 4.2023 của tổ chức Acumen.

"Hiện có hơn 400 chương trình liên kết giữa các tổ chức giáo dục Việt Nam và quốc tế, cùng với đó là 5 cơ sở ĐH có vốn đầu tư nước ngoài như RMIT, Trường ĐH Anh quốc Việt Nam. Ít nhất 15.000 sinh viên hiện theo học các chương trình của Úc tại Việt Nam, và Anh; Mỹ và New Zealand cũng đang cung cấp nhiều chương trình giáo dục", Acumen thông tin.

Theo Ngọc Long/TNO

Tin cùng chuyên mục

Bộ Giáo dục Anh vừa công bố dữ liệu cho thấy số lượng học sinh bị đình chỉ học tập trong năm học 2022-2023 đã tăng cao kỷ lục, hơn 787.000.
Từ năm 2024, nhiều trường học tại Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông... đồng loạt tăng học phí với du học sinh vì nhiều nguyên nhân. Đã có trường hợp sinh viên biểu tình phản đối trước động thái này.
Nằm trong khuôn khổ chương trình INTENSE (chương trình đặc biệt giáo dục tài năng công nghiệp quốc tế) của Đài Loan, một số trường CĐ, ĐH đã ký kết hợp tác với trường ĐH ở Đài Loan để cấp học bổng đào tạo người học ở lĩnh vực bán dẫn và tài chính.
Nhiều quy định khác của chính phủ Úc nhằm thắt chặt thị thực (visa) cũng bắt đầu có hiệu lực, như hạn chế tình trạng nhảy visa, điều chỉnh độ tuổi tối đa được xin visa làm việc sau tốt nghiệp hay giảm thời gian ở lại làm việc khi du học Úc.
Nếu con số trên tiếp tục duy trì đến hết tháng 6 này thì 2023-2024 sẽ là năm tài chính đầu tiên Việt Nam chứng kiến tỷ lệ bị Úc từ chối cấp visa du học cao nhất sau 18 năm.
Dữ liệu từ cơ quan giáo dục Nhật Bản cho thấy người Việt ngày càng kém mặn mà với du học Nhật, khi du học sinh liên tục giảm và lần đầu đứng thứ 3 về số lượng sau 9 năm duy trì vị trí số 2.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề