Khởi nghiệp sáng tạo khi đang ngồi ghế giảng đường

Từ những kiến thức đã học, các sinh viên đã nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm có tính ứng dụng rồi khởi nghiệp khi đang ngồi trên ghế giảng đường.

Chỉ mới học năm 2 Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM nhưng Nguyễn Hoài Bảo đã bắt đầu dấn thân vào hành trình khởi nghiệp. Bảo đang là sinh viên Khoa Công nghệ kỹ thuật hóa học nhưng lại thích kinh doanh. Những ngày đi học, Bảo nhận thấy không thể bỏ phí những gì mình học về ngành công nghiệp hóa học ứng dụng, nên nam sinh này vừa học, vừa mạnh dạn nhờ thầy cô hỗ trợ tạo ra một sản phẩm nào đó để khởi nghiệp.

Sẵn có dầu dừa ở quê, là nguồn nguyên liệu dễ tìm, giá thành rẻ, Bảo dùng nó để nghiên cứu. Bảo muốn biến dầu dừa thành phương pháp xà phòng hóa dạng lỏng dùng để tắm dưỡng da. Trải qua nhiều lần thất bại, chỉnh sửa, thay đổi thì sau 1 năm, sản phẩm sữa tắm dầu dừa của Bảo cũng phù hợp với tiêu chí đề ra.

Bảo đưa sản phẩm đi tham dự kỳ thi khởi nghiệp của trường và đạt giải nhất. Từ bước đệm đó, Bảo bước tiếp con đường mang sản phẩm ra bên ngoài. Nam sinh này tận dụng phòng nghiên cứu của trường, sau đó kết hợp với một đơn vị mỹ phẩm để sản xuất, thiết kế bao bì. Chỉ cần 7 ngày là sản phẩm của Bảo đã có mặt ngoài thị trường. Bảo cũng vay vốn ngân hàng, kết hợp với nhà phân phối chiến lược, đăng ký bằng sáng chế, kiểm nghiệm, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, Bảo đã đăng ký và sản phẩm được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn ở Sở Y tế Long An, đồng thời cũng đăng ký giấy phép kinh doanh khi vừa bắt đầu khởi nghiệp.

Hoài Bảo (phải) trong những ngày đầu lèo lái doanh nghiệp của mình. NVCC

Dù là khởi nghiệp nhỏ nhưng trong 2 quý đầu năm 2022, Bảo đã cho ra thị trường gần 4.000 sản phẩm sữa tắm dầu dừa và bắt đầu có doanh thu. Thị trường chính của sản phẩm này ở TP.HCM, Gia Lai và Hà Nội. Đây cũng là thành công bước đầu của một sinh viên năm 2 khi khởi nghiệp. “Cái khó của sinh viên khởi nghiệp là về thời gian học, nghiên cứu và làm. Thứ hai là vốn, thứ ba là kinh nghiệm trong công việc kinh doanh. Bên cạnh đó tôi cũng có thuận lợi nhờ được thầy cô tận tình hướng dẫn, góp ý cho sản phẩm mọi lúc mọi nơi. Tôi có thể tận dụng phòng thí nghiệm của trường để nghiên cứu sản phẩm mới. Ngoài ra tôi còn có được nhiệt huyết lớn khi là sinh viên”, Bảo cho biết.

Theo Bảo, sinh viên muốn khởi nghiệp thật sự không khó. Không cần phải tìm kiếm ý tưởng xa xôi, chỉ cần vận dụng những gì đã học. Quan trọng là quyết tâm, làm cho bằng được mới có thể cơ bản thành công.

Theo Phạm Hữu/TNO

Tin cùng chuyên mục

Vào trung tuần tháng 7/2024, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và Công ty Cổ phần Dừa nước Việt Nam – VietNipa tổ chức thành công chương trình “HUIT Startup Tour 2024” tại huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Khởi nghiệp không dễ dàng và có thể đối diện thất bại. Vậy người trẻ có nên bước vào thương trường?
Bên cạnh không ít người trẻ khởi nghiệp thành công thì cũng có khá nhiều trường hợp thất bại. Đâu là những lý do khiến nhiều người phải sớm rời khỏi thương trường?
Khao khát tự lập, tích lũy kinh nghiệm và chinh phục thử thách, nhiều bạn trẻ mạnh dạn khởi nghiệp khi còn trên ghế nhà trường
Chị Hồ Thị Hương (34 tuổi, người đồng bào Tà Ôi, trú tại xã Trung Sơn, H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế), là một trong những thanh niên tiêu biểu trong việc mạnh dạn làm du lịch cộng đồng gắn liền với việc giữ gìn bản sắc dân tộc để phát triển kinh tế.
Nghiên cứu làm đồ thủ công mỹ nghệ, gia dụng từ bẹ chuối, anh Hứa Trần Phong (ngụ TP.Sóc Trăng, Sóc Trăng) thu lãi 500 triệu đồng/năm.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề