Tại Việt Nam đang có nhiều tên tuổi khởi nghiệp thành công với các loại hình kinh doanh khác nhau. Vì thế, ngày càng có nhiều người có ý định khởi nghiệp và nuôi giấc mơ trở thành ông chủ.
Tuy nhiên không phải ai cũng thành công khi mở công ty riêng. Thậm chí, nhiều người nhận thất bại từ lần này qua lần khác. Vậy khi khởi nghiệp cần chuẩn bị gì? Có những mô hình khởi nghiệp nào? Hãy cùng Finhay tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Khởi nghiệp là gì? Phân biệt Khởi nghiệp với Startup
Khởi nghiệp và Startup là hai khái niệm khác nhau nhưng lại dễ bị nhầm lẫn là một. Để có ý tưởng khởi nghiệp thành công, bạn cần hiểu và phân biệt được hai khái niệm này.
Khởi nghiệp là gì?
Khởi nghiệp được hiểu là việc bắt đầu một nghề nghiệp, mà hình thức thường thấy là thành lập một doanh nghiệp. Cá nhân có ý định tự mình làm chủ để kinh doanh một lĩnh vực nào đó.
Hay có thể hiểu khởi nghiệp chính là quá trình hiện thực các ý tưởng bán hàng, gồm cả giai đoạn thành lập, vận hành công ty và duy trì và phát triển doanh nghiệp.
Startup là gì?
Theo Neil Blumenthal, đồng Giám đốc điều hành của Warby Parky thì “startup được hiểu là một công ty hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề mà có giải pháp không chắc chắn, không đảm bảo sẽ thành công”.
Có thể thấy, startup chỉ các doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển kinh doanh. Những dự án này thường được khởi đầu bởi 1 đến 3 người sáng lập. Họ tập trung vào việc tận dụng nhu cầu thị trường để phát triển một số dịch vụ, sản phẩm hoặc một công nghệ khả thi nào đó.
Startup còn được hiểu với tên khác đó là khởi nghiệp sáng tạo. Đây là ý tưởng cho các bạn trẻ mong muốn khẳng định bản thân, đột phá ở các lĩnh vực mới. Hành trình khởi nghiệp này sẽ dựa trên các ý tưởng sáng tạo, sản xuất sản phẩm có điểm khác nổi trội, ưu tú hơn với các sản phẩm, dịch vụ đã có trên thị trường.
Phân biệt khởi nghiệp với Startup
Startup có thể gọi là khởi nghiệp nhưng khởi nghiệp lại chưa chắc đã là startup. Khởi nghiệp và startup giống nhau ở chỗ là cùng bắt đầu với yếu tố “con người” và ra giải pháp đáp ứng nhu cầu thị trường từ bàn tay trắng, giải quyết nó để thu về lợi nhuận.
- Khởi nghiệp là việc khởi đầu xây dựng, phát triển công việc sự nghiệp còn “startup” chỉ là hình thức mà người ta lựa chọn để khởi nghiệp mà thôi.
- Startup là một nhóm người hay một công ty thực hiện một điều gì đó nhưng chưa chắc chắn sẽ thành công. Startup là danh từ chỉ một tổ chức, trong khi khởi nghiệp là một động từ chỉ sự phát triển kinh doanh. Do đó, các sản phẩm, dịch vụ của startup không phải là bản thân startup mà giống như một sản phẩm của doanh nghiệp.
Hành trang cho việc khởi nghiệp cần chuẩn bị gì?
Khởi nghiệp cần kỹ năng gì? Mỗi người sẽ có những cách khác nhau để bước chân vào con đường khởi nghiệp. Tuy nhiên bạn cần phải đảm bảo được các yếu tố cơ bản để làm nền tảng cho doanh nghiệp mà mình sắp xây dựng.
Tư duy sáng tạo và tìm kiếm ý tưởng
Yếu tố quan trọng đầu tiên khi bắt đầu khởi nghiệp đó là bạn cần có những ý tưởng mới mẻ, sáng tạo. Trong cuộc sống, bất kỳ ai cũng có thể cho ra đời ý tưởng nhưng sự khác biệt giữa người bình thường và người khởi nghiệp chính là họ áp dụng chúng vào hoạt động kinh doanh với mục đích sinh lời.
Sự sáng tạo sẽ làm cho chúng ta hoàn toàn khác biệt so với đối thủ. Ngay cả khi đối thủ đang kinh doanh dịch vụ, mặt hàng giống bạn nhưng nhờ vào sự sáng tạo, chúng ta sẽ có cách để khách hàng ấn tượng đến sản phẩm, dịch vụ mình hơn. Từ đó đưa ra các giải pháp đáp ứng nhu cầu khách hàng và lên kế hoạch kinh doanh phù hợp, tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Thị trường là mảnh đất màu mỡ với nhiều doanh nghiệp, mô hình khởi nghiệp sẽ có đa dạng ngành nghề kinh doanh. Điều quan trọng chính là bạn cần cung cấp các dịch vụ sản phẩm tạo nên sự khác biệt trên thị trường cạnh tranh khốc liệt này.
Nền tảng, kiến thức chuyên môn khởi nghiệp
Khi đứng ra làm chủ doanh nghiệp, bạn cần một lượng kiến thức nền tảng và trau dồi kiến thức chuyên môn của ngành nghề cho mục đích khởi nghiệp. Bạn nên tìm hiểu kỹ về những kiến thức xung quanh ngành nghề mà mình sẽ kinh doanh.
Hiểu biết về kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực khởi nghiệp và các khía cạnh khác của doanh nghiệp như thị trường, sản phẩm, nguồn nhân lực, công nghệ, quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp khởi nghiệp,… Đó là nền tảng cần thiết để bạn tránh khỏi sự thất bại do thiếu kiến thức cơ bản và sự cố ngoài ý muốn xảy ra.
Nguồn vốn
Một yếu tố quan trọng khác không thể bỏ qua khi có ý tưởng khởi nghiệp đó là nguồn vốn. Bạn không thể thực hiện được kế hoạch kinh doanh của mình nếu như không có vốn.
Lên kế hoạch huy động và kêu gọi vốn kinh doanh là bước đi quan trọng giúp công ty tồn tại trong giai đoạn khởi đầu. Vốn có thể huy động từ nhiều nguồn khác nhau, do bạn tự chuẩn bị, kêu gọi hoặc đi vay,….
Sự kiên trì, nỗ lực
Không phải cứ khởi nghiệp là sẽ thành công, ngược lại tỷ lệ thất bại chiếm phần lớn. Nhưng nhiều người vẫn thành công do nỗ lực không ngừng. Sau những lần thất bại bạn tích lũy nhiều kinh nghiệm để đưa ra phương pháp thay thế sửa đổi những cái sai, phát huy những cái đúng.
Khi mới bắt đầu, chúng ta không biết được bản thân mình cần làm sao cho đúng mà chỉ có thể lên kế hoạch, thực hiện, rút kinh nghiệm và tối ưu phương pháp. Nếu là người sợ thất bại, nóng vội, bạn khó mà tồn tại được trên thị trường khốc liệt này.
Các mô hình khởi nghiệp kinh doanh hiệu quả
Khi khởi nghiệp, mô hình kinh doanh rất quan trọng. Đó là hình thức kinh doanh giúp doanh nghiệp xác định thị trường, khách hàng và nguồn doanh thu để có thể định hướng phát triển và gia tăng lợi nhuận trong tương lai. Dưới đây là một số gợi ý về mô hình khởi nghiệp mà bạn có thể tham khảo.
Sàn thương mại điện tử
Tận dụng sàn thương mại điện tử để kinh doanh online là mô hình phù hợp với những ai muốn khởi nghiệp. Đặc biệt trong xu hướng 4.0 đang xâm nhập vào thị trường thì đây là lựa chọn khá lý tưởng để gia tăng khách hàng trực tuyến.
Ngày nay do bộn bề công việc, người ta bắt đầu có thói quen mua hàng qua mạng. Khách hàng có thể tận dụng mua sắm, tìm kiếm thông tin sản phẩm mọi lúc mọi nơi. Chỉ cần bạn chăm sóc trang thương mại điện tử chỉnh chu và chờ đón khách hàng “ghé thăm” cửa hàng trực tuyến của bạn. Công ty cũng nên chú trọng khâu marketing và lưu tâm đến vấn đề thị trường biến đổi nhanh để phương án dự phòng.
Nhượng quyền kinh doanh
Đây là một mô hình kinh doanh mới xuất hiện trong những năm gần đây. Tận dụng các những ý tưởng về kinh doanh của bên nhượng quyền để chuyển giao công nghệ, trao đổi, mua bán dịch vụ, sản phẩm của họ.
Đây là một trong những mô hình khởi nghiệp phổ biến và hiệu quả do doanh nghiệp có thể tận dụng các lợi thế sẵn có như độ phủ sóng thương hiệu, cơ cấu tổ chức hay nguồn hàng của thương hiệu.
Kinh doanh online
Khi thời đại phát triển công nghệ 4.0 thì kinh doanh online là một trong những mô hình lý tưởng và tiềm năng cho các công ty khởi nghiệp. Tận dụng sự phổ biến của các trang mạng xã hội như Facebook, Telegram, Tik Tok…, mô hình này đang thu hút một lượng lớn khách hàng.
Qua các kênh này, khách hàng có thể dễ dàng đặt hàng và nhận hàng mà không bị giới hạn không gian và thời gian so với phương thức kinh doanh truyền thống. Ngoài ra, với hình thức kinh doanh online, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí thuê mặt bằng, nhân công và có thể dễ dàng tiếp cận nhiều phân khúc khách hàng khác nhau.
Affiliate Marketing (tiếp thị liên kết )
Affiliate Marketing là một mô hình khởi nghiệp kinh doanh khi quảng bá sản phẩm, dịch vụ của người khác thông qua đường link. Khi có khách hàng mua sản phẩm qua đường link này bạn sẽ nhận được một hoa hồng.
Có thể nói tiếp thị liên kết như mô hình môi giới truyền thống. Điểm khác biệt chính là nó được tối ưu hơn để người dùng có thực hiện online qua các liên kết. Đây là mô hình kinh ít vốn và đang có nhiều cơ hội phát triển.
Kinh doanh đồng giá
Mô hình kinh doanh đồng giá ngày càng được nhiều người quan tâm. Đây là hình thức kinh doanh đa dạng sản phẩm cùng một mức giá đánh vào tâm lý thích mua hàng rẻ của khách hàng. Đây cũng là một trong các mô hình được nhiều công ty khởi nghiệp lựa chọn và đã thành công.
Những bạn kinh doanh cửa hàng đồng giá nên xác định đối tượng khách hàng để nhập hàng. Nếu bán cho học sinh, sinh viên thì nên chọn các sản phẩm giá rẻ; nếu tập trung vào các chị em nội trợ thì nên nhập hàng là những sản phẩm gia dụng, có mức giá hợp lý.
Xác định chi phí cơ hội của khởi nghiệp
Chi phí cơ hội là chi phí rất quan trọng không chỉ trong cuộc sống mà còn cả hoạt động kinh doanh. Nhìn vào chi phí này, doanh nghiệp có thể biết được mình đã làm được những gì, lợi ích thu về là gì cũng như phần lợi ích về thời gian, tiền bạc, công sức khi lựa chọn phương án khác là như thế nào. Qua đó có được quyết định đúng đắn để khởi nghiệp thành công.
Để xác định chi phí cơ hội của khởi nghiệp ta có công thức:
Trong đó:
- OC (Opportunities cost): chi phí cơ hội.
- FO: lợi nhuận của lựa chọn tốt nhất.
- CO: chỉ số biểu hiện lợi ích của lựa chọn.
Để hiểu rõ hơn về công thức, chúng ta xem qua ví dụ sau đây:
TH1: Bạn quyết định kinh doanh nguyên vật liệu xây dựng: Bạn thu về cho mình lợi nhuận mong muốn mỗi tháng 11 triệu.
TH2: Bạn làm việc cho công ty xây dựng, mức lương là 14 triệu mỗi tháng.
Nếu bạn chọn kinh doanh nguyên vật liệu xây dựng thì chi phí cơ hội bạn sẽ đánh đổi là.
OC = FO – CO = 14 triệu – 11 triệu = 3 triệu
Như vậy chi phí bạn sẽ đánh đổi nếu kinh doanh và không đi làm làm cho công ty xây dựng sẽ là 3 triệu. Từ con số này, bạn có thể cân nhắc, lựa chọn xem mình muốn nhận mức lương 14 triệu, hay đánh đổi, lựa chọn chi phí cơ hội và khởi nghiệp với việc kinh doanh vật liệu xây dựng.
Trên đây là các thông tin cơ bản về vấn đề khởi nghiệp. Bên cạnh sự hiểu biết kiến thức cơ bản về khởi nghiệp, bạn cần chuẩn bị đầy đủ hành trang để việc kinh doanh suôn sẻ và thành công. Mong rằng qua bài viết này, bạn đã có những gợi ý để chuẩn bị hành trang, xác định mô hình và chiến lược kinh doanh phù hợp cho mình.
Theo finhay.com.vn