Khối ngành kỹ thuật: Điểm chuẩn ngày càng thấp, vì sao?

Không chỉ các ngành khoa học cơ bản, mà nhiều khối ngành kỹ thuật quan trọng cũng đang thưa vắng thí sinh chọn lựa.

Những ngành đào tạo kỹ sư mỏ, kỹ sư dệt may, thậm chí kỹ sư xây dựng, kỹ sư cầu đường… cũng đang chật vật với đầu vào nhiều năm qua.

Điểm chuẩn mức trung bình vẫn thiếu sinh viên

Năm nay, điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của các trường đại học (ĐH) chứng kiến sự “lên ngôi” của khối ngành xã hội. Điểm chuẩn ở nhiều ngành kỹ thuật lại ở chiều ngược lại. Điểm chuẩn nhiều ngành của Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải (GTVT) ở mức 16-16,95. Trường ĐH GTVT cơ sở Hà Nội: các ngành hệ thống giao thông thông minh, kỹ thuật xây dựng công trình thủy, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, kỹ thuật cơ sở hạ tầng đều ở khoảng 17 điểm. Tại cơ sở TP.HCM, ngành kiến trúc và kỹ thuật xây dựng cũng có điểm chuẩn khoảng 17, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông 16.

Một giờ học của sinh viên Trường đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội - Ảnh: U.N.

Tương tự, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội có 29 ngành thì 15 ngành lấy điểm chuẩn là 16 điểm. Chỉ 8/42 ngành của Trường ĐH Mỏ - Địa chất có điểm trúng tuyển trên 20 (trong đó một nửa liên quan ngành công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo), rất nhiều ngành kỹ thuật lấy mức 15-16 điểm. Với những ngành mới mở theo nhu cầu xã hội như đá quý mỹ nghệ, quản lý phát triển đô thị và bất động sản, hóa dược… điểm chuẩn lần lượt là 15, 16,5 và 17… Điểm chuẩn trên đều đã gồm điểm ưu tiên. Điểm chuẩn các ngành thế mạnh của Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội nhỉnh hơn, nhưng chỉ có ngành thiết kế thời trang, công nghệ may lấy 19 điểm; công nghệ sợi dệt và những ngành khác đều 17 điểm. Từ năm 2018 đến nay, điểm chuẩn của các khối ngành kỹ thuật thuộc các trường này đều ở mức trung bình, từ 14-17 điểm.

Ở phần ngọn, nhiều phân tích đã chỉ ra nguyên nhân lớn của sự chênh lệch lớn giữa điểm chuẩn khối ngành tự nhiên và xã hội là đề thi tốt nghiệp THPT; hoặc sâu hơn là cách dạy và học ở bậc phổ thông hiện nay đang có nhiều vấn đề tồn tại. Tuy nhiên, sự chênh lệch điểm này còn phản ánh xu thế lựa chọn nghề nghiệp, cơ cấu lao động hiện nay.

Phó chủ tịch Công đoàn Trường ĐH Mỏ - Địa chất, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Việt Hà cho biết, cả những ngành truyền thống của trường (quản lý đất đai, mỏ địa chất, kỹ thuật tài nguyên nước…) và những ngành mới mở - đều là những ngành giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thị trường cũng đang cần nhân lực. Không ít đơn vị đã đến trường để tìm nhân lực lao động, nhưng mấy năm nay trường đều không có đủ sinh viên các ngành này để giới thiệu, bởi người học đang có xu hướng chuyển từ khối ngành kỹ thuật sang kinh tế, xã hội.

Cần truyền thông rộng rãi về nhu cầu lao động

Trường ĐH GTVT cũng trong tình trạng tương tự - những ngành học vốn là thế mạnh của trường đang rất khó tuyển sinh, dù nhu cầu xã hội vẫn luôn rất cần. Ngành đặc biệt thiếu lao động nhưng lại được rất ít người học lựa chọn là dệt may. Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho biết: Với ngành dệt may, trong cuộc cách mạng công nghiệp mới này, máy móc sẽ thay thế một lượng lớn lao động giản đơn, đồng thời tăng nhân lực quản lý và kỹ thuật ở trình độ ĐH, cao đẳng. Dự báo năm 2030, ngành dệt may cần thêm hơn 200.000 lao động trình độ này. Còn những năm gần đây, các ngành như dệt, sợi… cần đến 300-400 kỹ sư/năm, thế nhưng các trường ĐH đào tạo ngành này, mỗi năm chỉ có vài chục sinh viên theo học.

Một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân chủ yếu là hiện nay thí sinh chọn ngành học theo thị hiếu đám đông chứ rất ít người chọn học theo nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Gen Z (sinh từ 1997-2012) hiện nay thích những ngành “nổi nổi” như truyền thông, hoặc những ngành được cho là có thu nhập cao như công nghệ thông tin, kinh tế… hơn là trở thành kỹ sư xây dựng, kỹ sư mỏ, kỹ sư cầu đường… Thậm chí, có chuyên gia còn thẳng thắn cho rằng những năm gần đây, đa số thí sinh chọn ngành học theo cách rất… thực dụng - chọn học những ngành dễ xin việc làm, không khắt khe về “nghề”, lương cao, tránh những việc nặng nhọc.

Ở góc độ sử dụng lao động, theo ông Đỗ Hiệp (cán bộ quản lý của một công ty xây dựng tại Hà Nội), mức lương và yêu cầu khắt khe về nghề cũng là một trong những lý do khiến nhiều bạn trẻ không chọn học ngành xây dựng. Ông Hiệp cho biết, có những thời điểm ông rất khó tìm kỹ sư xây dựng. Kỹ sư mới ra trường, lương tháng khoảng 7-8 triệu đồng; kỹ sư có năm năm kinh nghiệm, lương tháng khoảng 12 triệu đồng.

Nhiều kỹ sư có tâm lý so sánh với các bạn đồng lứa học các ngành khác - họ không cần phải tích lũy đến năm năm kinh nghiệm mà vẫn có thể nhận được mức lương trên 10 triệu đồng. Công việc của kỹ sư thi công lại vất vả đêm hôm, dãi nắng dầm mưa; nên không ít kỹ sư trẻ đã bỏ nghề sau vài năm để đi làm việc khác.

Tương lai gần, rất dễ xảy ra việc thừa nhân lực lao động trong các ngành truyền thông, kinh tế… và thiếu lao động trong các khối ngành kỹ thuật. Để giải quyết vấn đề này, trước mắt, theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH Bộ Giáo dục và Đào tạo - các trường ĐH cần chủ động, tăng cường truyền thông hướng nghiệp đến các thí sinh.

Với những ngành giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thị trường cũng đang cần nhân lực như mỏ địa chất, kỹ thuật tài nguyên nước, hạ tầng giao thông đô thị thông minh...; các cơ quan chức năng liên bộ, ngành cần tăng cường dự báo nhu cầu nguồn nhân lực. Nhu cầu này cũng cần được truyền thông rộng rãi để thí sinh biết tình trạng thừa - thiếu của các ngành nghề, từ đó cân nhắc lựa chọn. 

Theo Uông Ngọc/PNO

Tin cùng chuyên mục

Theo nhiều ý kiến chuyên gia, việc xem xét bãi bỏ hoặc giảm tỷ lệ xét tuyển sớm vào đại học là cần thiết...
Năm 2025, dù có thêm môn tin học và công nghệ trong số các môn khoa học tự nhiên để lựa chọn thi tốt nghiệp THPT nhưng xu hướng học sinh chọn môn khoa học xã hội vẫn cao.
Theo Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Bộ GD&ĐT cần loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng đầu vào và quy định thống nhất các tổ hợp xét tuyển, kiên quyết loại các tổ hợp "lạ".
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo tuyển sinh đại học 2025, trong đó, chỉ tiêu tối đa dành cho phương thức xét tuyển sớm chỉ còn 20%, nhiều học sinh đã cân nhắc lại, gấp rút thay đổi việc chọn lựa phương thức xét tuyển.
Công nghệ và Tin học là 2 môn thi tự chọn được đưa vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Theo các chuyên gia điểm học bạ không thực chất, ảo nhiều, theo thời gian học sinh viên không theo kịp chương trình, rơi rụng…khiến các đại học thất thu, nên đã dần "quay lưng" với xét tuyển học bạ.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.