Học viện Ngoại giao (DAV) dự kiến tuyển 2.200 sinh viên, 70% dành xét học bạ kết hợp chứng chỉ quốc tế, áp dụng với thí sinh đạt giải cấp tỉnh trở lên hoặc học trường chuyên.
Theo đó, số chỉ tiêu còn lại sẽ được dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp (25%), xét tuyển bằng phỏng vấn (2%), xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT (3%).
So với năm ngoái, trường giảm hơn 100 chỉ tiêu, chủ yếu ở ngành Quan hệ quốc tế, Ngôn ngữ Anh, Luật quốc tế. Riêng ngành Luật thương mại quốc tế tăng 65 chỉ tiêu.
Chỉ tiêu dự kiến cụ thể như sau:
Với phương thức xét tuyển kết quả học tập THPT, thí sinh cần có điểm trung bình của ba trong năm học kỳ bất kỳ đạt từ 8 trở lên.
Các em phải thuộc một trong các nhóm sau: Đạt giải khuyến khích thi chọn học sinh giỏi hoặc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức; đạt giải ba thi học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên; là học sinh trường chuyên hoặc trường trọng điểm quốc gia chất lượng cao; có một trong các chứng chỉ quốc tế như tiếng Anh (IELTS 6.0 trở lên), tiếng Trung HSK4 (từ 260 điểm), tiếng Hàn từ Topik 3, tiếng Nhật từ N3 hoặc bài thi chuẩn hóa SAT từ 1200/1600, ACT từ 23/36 điểm.
Phương thức xét tuyển bằng phỏng vấn dành cho thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT của nước ngoài hoặc có thời gian học tập ở nước ngoài và tốt nghiệp ở Việt Nam. Với phương thức này, ngoài các điều kiện chung, có điểm chứng chỉ tiếng Anh, học sinh cần đạt IELTS từ 7, tiếng Trung từ HSK 5 (mức điểm từ 180), tiếng Hàn từ Topik 4... hay điểm bài thi chuẩn hóa SAT từ 1300 và ACT từ 29 điểm trở lên.
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, trường sẽ công bố chi tiết sau, nhưng không sử dụng kết quả miễn thi môn ngoại ngữ, không cộng điểm ưu tiên với thí sinh có chứng chỉ quốc tế, không cộng điểm ưu tiên cho thí sinh có chứng chỉ nghề.
Năm 2023, Học viện Ngoại giao tuyển thẳng 63 thí sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT (được giải quốc gia, quốc tế) và 1.650 thí sinh được tuyển bằng cách xét học bạ kết hợp chứng chỉ quốc tế.
Theo Đỗ Hợp/ Tiền phong