Học sinh bớt gánh lo vào đại học nhờ chứng chỉ ngoại ngữ

Các trường đại học đã lần lượt công bố đề án tuyển sinh năm 2024. Nhiều thí sinh cho rằng, có trong tay chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là một lợi thế rất lớn.

Bạn Nguyễn Đặng Nhật Hoà, học sinh lớp 12 trường THPT Chuyên Nguyễn Du, Đắk Lắk. Ảnh: NVCC.

Đặt kỳ vọng vào chứng chỉ tiếng Anh

Mùa tuyển sinh đại học năm 2024 đang nóng lên từng ngày. Giống với những năm trước, các phương thức xét tuyển sớm vẫn là hướng ưu tiên của các trường và đang “áp đảo” so với phương thức xét tuyển truyền thống bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Với xu hướng tuyển sinh trên, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế được xem là “trợ thủ” giúp thí sinh “rộng cửa” vào các trường đại học top đầu. Rất nhiều học sinh phần nào thở phào nhẹ nhõm khi có trong tay chứng chỉ IELTS 6.5 trở lên và các loại chứng chỉ quốc tế khác.

Chứng chỉ DELF B2 tiếng Pháp của Nhật Hoà. Ảnh: NVCC

Đạt được chứng chỉ IELTS 7.5, em Minh Huy (học sinh lớp 12, Đắk Lắk) cảm thấy khá an tâm về việc xét tuyển đại học sắp tới. Huy cho biết, qua theo dõi các mùa tuyển sinh và thấy được giá trị của chứng chỉ ngoại ngữ, em bắt đầu học IELTS ngay từ lớp 10. Sau 2 năm miệt mài ôn tập, Huy đã gặt hái được quả ngọt với mức điểm 7.5. Đây là mức điểm tương đối an toàn để Minh Huy có thể xét tuyển kết hợp cùng với học bạ vào Trường Đại học Kinh tế TPHCM.

“Em cảm thấy tự tin ở các phương thức xét tuyển sớm bằng IELTS và học bạ của mình. Em cũng dự định sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM để xét tuyển. Chính vì vậy em không còn cảm thấy quá áp lực cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới” - Minh Huy nói.

Chưa phải chịu áp lực thi cử cuối cấp như Minh Huy nhưng em Nhật Hòa (học sinh lớp 11, Đắk Lắk) không khỏi lo lắng vì thuộc lứa học sinh đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông mới với nhiều thay đổi.

Hiện tại các trường đại học chưa công bố phương thức tuyển sinh kể từ năm 2025 nên Nhật Hòa thấy khá lo lắng và đang cố gắng chuẩn bị những “hành trang” tốt nhất để xét tuyển Đại học.

Hòa cho thấy sự thận trọng của mình cho việc bước chân vào cảnh cửa đại học sau 1 năm nữa. Theo học hệ Pháp ngữ, bên cạnh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, em đã đạt được chứng chỉ DELF B2 tiếng Pháp (tương đương IELTS 7.0). Nếu các trường vẫn tiếp tục giữ ổn định phương thức tuyển sinh như hiện nay, Nhật Hòa đang có lợi thế lớn khi xét tuyển vào các khối ngành sư phạm, kinh tế, luật, ngoại giao…

“Chứng chỉ DELF có thời hạn vĩnh viễn nên em cố gắng thi lấy chứng chỉ này ngay từ cấp ba để thực hiện mục tiêu lớn hơn của mình là đi du học. Mặc dù là học sinh Pháp ngữ nhưng sắp tới em dự định học và thi IELTS để có cho mình nhiều cơ hội hơn trong xét tuyển đại học” - Nhật Hòa nói thêm.

Hướng đi mới trong tuyển sinh đại học

Tự chủ tuyển sinh đang là hướng đi của đa số các trường đại học. Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến dành 80% chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển kết hợp. Trong khi, trường chỉ dành ra 18% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT (giảm 7% so với năm 2023).

Thí sinh có chứng chỉ IELTS 5.5 trở lên và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương, kết hợp với điểm các kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và TPHCM hoặc kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội, có thể tham gia xét tuyển vào trường. Điểm đáng chú ý là các phương thức tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm nay không còn xét học bạ.

Trường Đại học Ngoại thương cũng sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ IELTS 6.5 trở lên (và các chứng chỉ khác tương đương) với kết quả học tập THPT (học bạ) hoặc kết quả thi tốt nghiệp. Mặc dù vẫn sử dụng học bạ để xét tuyển nhưng hàng loạt các tiêu chí phụ được nhà trường đưa ra như thí sinh phải đạt điểm thi tốt nghiệp theo tổ hợp từ 24 điểm trở lên, trung bình môn học tập 5 kỳ đạt từ 8.5 trở lên…

Hàng loạt các trường như trường Đại học Bách khoa TPHCM, trường Đại học Luật TPHCM… cũng đã công bố đề án tuyển sinh với các phương thức xét tuyển đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh.

Bên cạnh đó, các kỳ thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy cũng đang là cơ hội mới cho học sinh sử dụng kết quả để xét tuyển vào hàng loạt các trường đại học. Đại học Quốc gia TPHCM sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trong 2 đợt trước kỳ thi tốt nghiệp THPT (đợt 1 dự kiến vào ngày 7.4 và đợt 2 vào ngày 2.6). Trong khi đó, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 6 đợt thi Đánh giá năng lực. Đợt thi đầu tiên vào ngày 23.3 và đợt cuối cùng vào ngày 2.6.

Theo Anh Đức/ Lao động

Tin cùng chuyên mục

Nếu thí sinh thực sự mong muốn theo học các trường khối công an, thí sinh phải đăng ký đó là nguyện vọng 1 trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển ngành Quân sự cơ sở năm 2024 của Trường Sĩ quan Lục quân 1 và Trường Sĩ quan Lục quân 2: Đào tạo Đại học: 15,0 điểm; Đào tạo Cao đẳng: 10,0 điểm.
Điểm sàn chỉ với mức 15 điểm cùng nhiều gói học bổng hấp dẫn đang là “điểm nhấn” của các trường đại học tốp dưới nhằm tạo cơ hội cho các thí sinh trong cuộc chạy đua tuyển sinh năm nay.
Các trường ĐH đồng loạt công bố điểm sàn theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Mức điểm nhận hồ sơ được ghi nhận ở các trường hiện dao động từ 15 - 24 điểm. Liệu có ngành nào điểm chuẩn trúng tuyển sẽ bằng với mức điểm nhận hồ sơ?
Hàng loạt ngành học ở nhiều trường đại học tại TP.HCM lấy điểm sàn chỉ từ 15, theo tổ hợp ba môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Trong thời điểm này, một số trường ĐH thông báo tiếp tục nhận đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ và điểm thi đánh giá năng lực trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này là đúng hay sai?
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề