Do không tuyển sinh được nên nhiều trường nghề tư thục tại TPHCM không có nguồn vốn tái đầu tư cơ sở vật chất, trả lương giáo viên… từ đó phải đóng cửa.
TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM cho hay, năm nào trường cũng phải đầu tư cơ sở vật chất nhưng quy mô tuyển sinh giảm nhiều.
“Nói chung việc tuyển sinh của trường hiện đang khá khó khăn. Hiện trường cũng đang xây cơ sở mới và đầu tư thêm về cơ sở vật chất nên kỳ vọng sắp tới có thể thu hút học sinh thêm”, ông Sáng nói.
Các trường nghề, trung cấp tư thục ngày càng khó khăn trong tuyển sinh. Ảnh minh họa: Quốc Hải
TS Lê Lâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Trung cấp Đại Việt TPHCM cho biết, hệ trung cấp của nhà trường không tuyển sinh được từ vài năm nay. Mặc dù rất tích cực truyền thông, quảng bá nhưng trường vẫn không có thí sinh nào đăng ký học. Thực tế này đưa trường rơi vào thế khó là không có nguồn thu để duy trì hoạt động.
“Hệ trung cấp của trường mấy năm nay toàn... ‘vườn không nhà trống'”, ông Lâm nói và cho biết, hiện các cơ sở trung cấp ở TP Thủ Đức chỉ tuyển được vài lớp sinh viên hệ cao đẳng.
Theo tìm hiểu, Trường Trung cấp Đại Việt TPHCM có một thời "ăn nên làm ra" khi mỗi năm tuyển được từ 5.000 đến 7.000 học sinh. Song, đến nay lại không tuyển được học sinh nào.
“Trước đây, giáo dục mầm non và trung cấp y là 2 ngành tuyển sinh rất tốt nhưng từ khi có chính sách không tuyển lao động tốt nghiệp bậc trung cấp thì không còn ai theo học nữa”, TS Lê Lâm chia sẻ.
Chủ tịch HĐQT một hệ thống trường ngoài công lập cho hay, những năm gần đây, các trường trung cấp chỉ còn trông chờ vào học sinh tốt nghiệp THCS nhưng nguồn này không nhiều. Trong khi đó, các trường CĐ lại được tuyển học sinh tốt nghiệp THCS vào học hệ 9+.
"Tốt nghiệp THCS học 2 năm để lấy bằng trung cấp hoặc học 3 năm để lấy bằng CĐ thì đương nhiên nhiều em sẽ chọn học học CĐ", vị này giải thích.
Theo dự thảo phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ LĐ-TB-XH đề xuất cho thấy, đến năm 2030, giảm 20% số cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020, giảm 100% số trường trung cấp so với năm 2020, phát triển cơ sở ngoài công lập lên 45%. Để thực hiện chỉ tiêu này, phải sáp nhập trường trung cấp công lập vào trường CĐ hoặc giải thể nếu hoạt động không hiệu quả.
Không chỉ xóa sổ trường trung cấp công lập, đại diện nhiều trường trung cấp ngoài công lập tại TPHCM dự báo trong 1 - 2 năm tới, hàng loạt trường trung cấp ngoài công lập sẽ phải giải thể vì không thể duy trì trong tình trạng không có người học, không có nguồn thu…
Cũng theo ông này, hiện nay chỉ có các trường trung cấp quận, huyện địa phương như Trung cấp quận 12, CĐ Lý Tự Trọng.. tuyển được học viên hệ 9+ do được hưởng ngân sách, được cấp lương, cấp bù… nên học viên không mất tiền, chỉ đóng mấy trăm nghìn tiền hồ sơ mà thôi.
"Trường tư nên làm thủ tục khó khăn, không tuyển sinh được cũng dễ hiểu”, vị này nói thêm.
Còn tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp TPHCM, do không được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dẫn tới từ con số 4.500 học viên/năm, nay rơi rụng còn chưa tới 300 người học. Khu đất rộng hàng chục ha thuộc cơ sở 2 của nhà trường (số 52 đường 400, KP3, phường Tân Phú, TP Thủ Đức) hơn 10 năm qua chưa được triển khai xây dựng.
Mới đây, theo văn bản của Ủy ban Nhân dân TPHCM gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 31/12/2023, toàn thành phố có 301 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục (32 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp, 49 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 180 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp).
So với cùng thời điểm cách đây 4 năm, thì số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục trên địa bàn thành phố đã giảm 177 cơ sở (từ 478 cơ sở vào năm 2019 giảm xuống còn 301 cơ sở).
Ngoài ra, TPHCM cũng ghi nhận 183 doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã ngưng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo Quốc Hải/ GD&TĐ