Cần nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề

Tính đến tháng 9-2024, cả nước có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp

Cần nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề

Thi tay nghề nâng bậc cho công nhân tại Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao công nghệ Việt Nhật, Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Chiều 14-10, hội thảo khoa học về công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa được Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH tại hội thảo, tính đến tháng 9-2024, cả nước có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp - bao gồm 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp và 1.058 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Trong đó số cơ sở GDNN ngoài công lập là 684 cơ sở, chiếm 36,2%.

TS Nguyễn Khánh Cường - hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 - cho rằng một trong những trở ngại cho đào tạo nhân lực có tay nghề cao là đầu vào sinh viên thấp. Hiện tại có một thực tế các sinh viên tham gia học nghề chủ yếu từ nông thôn, hộ nghèo và gia đình chính sách. Các trường đại học đang tuyển sinh quá nhiều phương thức.

Ông Cường cho rằng Nhà nước cần hỗ trợ thêm nhiều chính sách cho sinh viên tham gia học nghề. Nhà nước có thể đặt hàng đào tạo cho các hệ đào tạo chất lượng cao hoặc có chính sách hỗ trợ học nghề như chính sách hỗ trợ hoặc cho vay tín dụng dành cho sinh viên tham gia học nghề chất lượng cao.

Ngoài ra, Nhà nước nên quan tâm đến việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất thông qua việc đầu tư cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc xây dựng các "hub" kết nối như trung tâm thực hành nghề quốc gia, vùng để hỗ trợ các cơ sở GDNN trong triển khai đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực giảng viên...

PGS.TS Nguyễn Tiến Đông - hiệu trưởng Trường cao đẳng Lý Thái Tổ (Bắc Ninh) - cho rằng để đảm bảo chất lượng đào tạo nghề nghiệp gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp thì nhất định phải có giảng viên nội bộ từ doanh nghiệp.

Ông cho biết trường ông đang triển khai mô hình "Train the Trainer" - mô hình đào tạo những chuyên gia có kinh nghiệm trong doanh nghiệp trở thành giảng viên nội bộ. Từ đó trường sẽ có thêm một đội ngũ giảng viên không chỉ am hiểu về kiến thức chuyên môn mà còn có hiểu biết sâu sắc về các quy trình sản xuất, công nghệ và yêu cầu kỹ năng của từng vị trí việc làm.

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, trong giai đoạn 2019-2023, tỉ lệ sinh viên cao đẳng ra trường có việc làm đạt 79%. Ở các trường trung cấp, tỉ lệ này đạt 82%. Theo đánh giá của bộ, tại một số trường có uy tín về chất lượng đào tạo và có quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp thì tỉ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp có việc làm ngay ở mức cao (đạt 100%).

Ông Phạm Vũ Quốc Bình - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp - chia sẻ các ngành, nghề có kết quả tuyển sinh tốt tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ngành, nghề phổ biến và có nhu cầu sử dụng lao động cao trong xã hội như các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, công nghệ thông tin, du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn...

Tranh thủ nguồn lực doanh nghiệp

Ông Lê Tấn Dũng, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng một điểm đáng chú ý trong đào tạo nhân lực chất lượng cao hiện nay là sự tham gia của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp trong nước và ở Đức cũng có các quỹ dành riêng cho hợp tác đào tạo với doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp không còn chỉ "đợi" nhà trường đào tạo mà đã tích cực tham gia cùng nhà trường. Do vậy, thời gian tới các trường cũng sẽ phải có những chiến lược tranh thủ nguồn lực này từ phía các doanh nghiệp.

Đánh giá đầy đủ để đưa ra kiến nghị, giải pháp đào tạo nghề

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho biết ủy ban này sẽ tăng cường giám sát đồng thời cũng sẽ tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát trong năm 2025 với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Hoạt động giám sát sẽ nhằm đánh giá đầy đủ về việc thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng trong hệ thống pháp luật từ các văn bản luật, dưới luật và đánh giá thực trạng về khâu triển khai thực tiễn, từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất, giải pháp trong thời gian tới.

Theo Hoàng Thi - Vũ Thủy/ Tuổi Trẻ

 

Tin cùng chuyên mục

Trong bối cảnh khoa học công nghệ có tốc độ thay đổi chóng mặt kéo theo những thay đổi về phương pháp, kỹ năng làm việc, hàng triệu người lao động có nhu cầu học để nâng cao kiến thức và kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu công việc.
Đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại TP Hồ Chí Minh kiến nghị TP này có thêm nguyện vọng 4 dành cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của TP, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hướng nghiệp.
Số lượng tuyển sinh giai đoạn 2014 - 2023 của đào tạo nghề trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp cho thấy có tổng số hơn 21 triệu người học nghề. Trong đó trình độ CĐ đạt hơn 1,7 triệu người (chiếm 8,1%), trình độ trung cấp đạt 2,4 triệu người (chiếm 11,6%).
Tâm lý “học nghề là kém cỏi” đã dần bị loại bỏ bởi những thay đổi rõ nét trong xã hội ngày nay.
Nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp vi mạch – bán dẫn đang rất “hot” và thiếu tại Việt Nam, một số trường cao đẳng, trung cấp đã có những chuyến tham quan, học hỏi và ký kết hợp tác đào tạo với một số trường ĐH tại Đài Loan nhằm tìm kiếm cơ hội hỗ trợ đào tạo nhân lực ngành bán dẫn, hỗ trợ học bổng, hỗ trợ việc làm và các chương trình trao đổi sinh viên, trao đổi học thuật giữa các trường Đài Loan - Việt Nam.
"Học gì để có việc làm?" - câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại chất chứa biết bao trăn trở của các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn trường. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và biến động không ngừng, việc tìm kiếm một công việc ổn định, có thu nhập tốt đang ngày càng trở thành một bài toán khó.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.