Học nghề - lựa chọn an toàn trong cơn bão AI?

Tâm lý “học nghề là kém cỏi” đã dần bị loại bỏ bởi những thay đổi rõ nét trong xã hội ngày nay. 

Một robot hỗ trợ bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Changi ở Singapore. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Changi

Việc học nghề hiện ngày càng thu hút đông đảo học sinh, vì tính thực tiễn và không còn mối lo thất nghiệp khi ra trường, đặc biệt là trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển vượt trội.

Không lo bị AI thay thế?

Vừa nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT, Tăng Bảo Minh (18 tuổi, Bát Xát, Lào Cai) đã nhanh chóng tìm hiểu và nộp hồ sơ vào Trường Cao đẳng Bách khoa Hà Nội. Bảo Minh chia sẻ cậu đã nghiên cứu về cơ hội việc làm và mức thu nhập về ngành mình định theo học trước khi đến đây. Mặc dù, bố mẹ mong muốn Minh đăng ký học tiếng Trung để về Lào Cai làm việc, song em đã dứt khoát từ chối.

“Tôi chọn ngành Điện công nghiệp vì hiện nay từ các thành phố lớn đến cả những vùng nông thôn, hầu như nhà nào cũng sử dụng các thiết bị điều hòa, máy lạnh… Vì vậy, tôi không lo thiếu việc làm, thu nhập tương đối ổn định, khoản lương thực tập đã được nhận từ 6 – 7 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, một lý do quan trọng khiến tôi học nghề bởi hiện nay nhiều ngành nghề đã bị đe dọa bởi trí tuệ nhân tạo, trong đó có ngành ngôn ngữ mà bố mẹ định hướng cho tôi. Còn học nghề thì ở thời điểm hiện tại, tôi nghĩ vẫn là sự lựa chọn an toàn. Ít nhất ở nước ta hiện nay, AI chưa thể đến tận nhà để sửa máy móc được”, Bảo Minh thẳng thắn nêu quan điểm.

Cũng cùng chung quan điểm với Bảo Minh, Hoàng Ngọc Phượng (19 tuổi, Ba Đồn, Quảng Bình) cũng lựa chọn du học nghề điều dưỡng tại Đức thay vì học Truyền thông đa phương tiện theo định hướng của gia đình. Phượng chia sẻ, học lực của bản thân khá tốt nên hoàn toàn có khả năng đỗ vào ngành Truyền thông của một số trường đại học. Thế nhưng theo Phượng, Truyền thông là một trong số những ngành nghề “nhạy cảm” trong giai đoạn trí tuệ nhân tạo ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Trí tuệ nhân tạo đã có khả năng tạo ra nội dung một cách tự động, bao gồm viết bài báo, tạo video, và sản xuất hình ảnh. Điều này có thể dẫn đến sự cạnh tranh với các nhà báo và biên tập viên, đặc biệt trong việc tạo ra nội dung tin tức nhanh chóng và không cần nguồn nhân lực đáng kể. Vì vậy, Ngọc Phượng bày tỏ nỗi lo lắng về sự thay thế công việc của AI đối với những người làm nghề truyền thông.

“Trong khi đó, đối với nghề điều dưỡng, tôi khẳng định máy móc chưa thể thay thế con người mà chỉ góp phần giúp cho công việc của con người trở nên dễ dàng hơn. Nếu máy móc có thể thay thế con người thì các quốc gia như Nhật Bản, Đức… đã không rơi vào tình trạng thiếu điều dưỡng trầm trọng đến thế.

Lấy ví dụ, trong quá trình chăm sóc người già có sức khỏe yếu, thay vì phải dùng sức nâng cơ thể họ lên thì đã có máy móc hỗ trợ. Còn những công việc như giúp họ tắm giặt, đẩy đi dạo thì máy móc chưa thể làm được mà vẫn cần đến bàn tay con người. Đó là một trong số những lý do khiến tôi lựa chọn học nghề trong thời đại công nghệ số hiện nay”, bạn trẻ này giải thích.

Có thật sự “an toàn”?

Có thể thấy, việc nhiều học sinh lựa chọn học nghề thay vì vào đại học chứng tỏ các em đã ngày càng có cái nhìn thực tế hơn đối với tương lai của mình. Còn việc trí tuệ nhân tạo có khả năng thay thế con người hay không, là thách thức hay cơ hội đối với các ngành nghề hiện nay thì vẫn là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.

Ông Trịnh Cao Khải - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội thừa nhận, trí tuệ nhân tạo đang là ưu tiên đầu tư và là một phần không thể thiếu trong bức tranh tương lai của nhiều doanh nghiệp lớn toàn cầu, bởi nó mang lại lợi nhuận và tăng sức cạnh tranh. Điều này dẫn đến nhiều nhân lực bị thay thế để tối ưu hóa lợi nhuận cho các doanh nghiệp. Vì vậy, lo ngại trên của các em học sinh là hoàn toàn có căn cứ.

Thế nhưng theo ông Khải, quan điểm học nghề là an toàn trong “cơn bão” AI không hoàn toàn đúng. Theo kênh Channel NewsAsia (Singapore), tại Bệnh viện Đa khoa Changi (CGH), một robot thực hiện 16 vòng giao thuốc mỗi ngày, giúp các điều dưỡng tiết kiệm đến 2 giờ mỗi ngày.
Một robot khác làm nhiệm vụ hướng dẫn người khám bệnh đến các khu vực khác nhau của khoa cấp cứu, giúp giảm tải cho các điều dưỡng ở khâu này. Robot thứ 3 hoạt động ở khu vực chờ, cung cấp cho bệnh nhân những vật dụng cần thiết như chăn, cho phép nhân viên tập trung hơn vào việc hỗ trợ bệnh nhân làm các thủ tục hành chính.

Các robot này nằm trong khuôn khổ một cuộc thử nghiệm Changi. Bệnh viện này đang xem xét triển khai robot để làm nhiều nhiệm vụ tại nhiều khoa, phòng hơn. Thực tế, nhiều quốc gia đã đầu tư cho việc thiết kế và phát triển robot chăm sóc sức khỏe trong ngành điều dưỡng, được trang bị trí tuệ siêu nhân tạo (ASI) và có khả năng thực hiện các biện pháp can thiệp điều dưỡng cũng như các nhiệm vụ bình thường trong môi trường bệnh viện.

“30 năm trước có lẽ chúng ta cũng không nghĩ ra được là sẽ có ngày trí tuệ nhân tạo thay thế con người viết báo, phiên dịch... Vậy mà tại thời điểm này, trí tuệ nhân tạo đang làm được những điều “không tưởng” như chăm sóc con người, nấu ăn, lái xe…

Vì vậy, các em học sinh dù lựa chọn học bất cứ ngành, nghề gì cũng không nên chủ quan cho rằng ngành này của mình là an toàn trong ‘cơn bão’. Các em phải không ngừng trau dồi, cố gắng học hỏi và biết cách tận dụng công nghệ, biến nó thành trợ thủ đắc lực phục vụ cho công việc của con người thay vì lo lắng mình sẽ bị thay thế”, ông Trịnh Cao Khải nêu quan điểm.

Theo Hà Trang/ GD&TĐ

Tin cùng chuyên mục

Số lượng tuyển sinh giai đoạn 2014 - 2023 của đào tạo nghề trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp cho thấy có tổng số hơn 21 triệu người học nghề. Trong đó trình độ CĐ đạt hơn 1,7 triệu người (chiếm 8,1%), trình độ trung cấp đạt 2,4 triệu người (chiếm 11,6%).
Nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp vi mạch – bán dẫn đang rất “hot” và thiếu tại Việt Nam, một số trường cao đẳng, trung cấp đã có những chuyến tham quan, học hỏi và ký kết hợp tác đào tạo với một số trường ĐH tại Đài Loan nhằm tìm kiếm cơ hội hỗ trợ đào tạo nhân lực ngành bán dẫn, hỗ trợ học bổng, hỗ trợ việc làm và các chương trình trao đổi sinh viên, trao đổi học thuật giữa các trường Đài Loan - Việt Nam.
"Học gì để có việc làm?" - câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại chất chứa biết bao trăn trở của các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn trường. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và biến động không ngừng, việc tìm kiếm một công việc ổn định, có thu nhập tốt đang ngày càng trở thành một bài toán khó.
Việc gặp nhiều hạn chế trong việc duy trì hoạt động khiến cho các trường cao đẳng hiện nay khó phát huy hết được năng lực, vị trí của mình.
Trong khi chờ những giải pháp đồng bộ, các trường cao đẳng hiện nay đã tìm nhiều cải tiến mới nhằm tìm lại chỗ đứng cho mình.
Đại diện một doanh nghiệp tại TP.HCM cho rằng việc đào tạo của các trường ĐH tại Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 3% nhu cầu nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn. Chính vì vậy rất cần sự tham gia của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, cụ thể là các trường CĐ.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.