"Tái đào tạo sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí tuyển dụng, đồng thời giúp nhân viên nâng cao trình độ, tay nghề, từ đó nâng cao năng suất lao động. Có 2 hình thức ngắn và dài hạn", ông Thành cho hay.
Người lao động trong một ngày hội việc làm tạiTP.HCM. ẢNH: BẢO TRỌNG
Đối với hình thức tái đào tạo dài hạn trong vài ba tháng, ông Thành cho rằng các trường CĐ, trung cấp sẽ phù hợp và hiệu quả cao hơn; nhất là khi giảng viên và chuyên gia tại DN cùng tham gia đào tạo. Kiến thức sẽ được xâu chuỗi từ cơ bản đến nâng cao một cách hệ thống.
Ông Trương Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty Festo VN, cũng nhìn nhận vấn đề đào tạo lại và đào tạo nâng cao cho người lao động là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. "Đây là một thị trường đào tạo đầy tiềm năng mà chưa nhiều trường nghề tận dụng được do còn một số vướng mắc và hạn chế", ông Hoàng đánh giá.
Là một trường chuyên đào tạo về du lịch, thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Sài Gòn, cho rằng không chỉ du lịch mà tất cả người lao động ở các lĩnh vực khác đều có nhu cầu tái đào tạo, học tập nâng cao kỹ năng nghiệp vụ để có thể làm việc trong bối cảnh nhiều cơ hội và thách thức này.
Tiến sĩ Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng, cũng nhận định nhu cầu DN đào tạo lại, đào tạo nâng cao, bổ sung kỹ năng cho nhân viên, người lao động là rất lớn.
Theo thạc sĩ Ngô Thị Quỳnh Xuân, để có thể tham gia đào tạo ở mảng này, các trường nghề phải hiểu thị trường, thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng mới, hiểu DN và người lao động đang cần gì. Đặc biệt là phải bắt nhịp được với thực tế, biết vận dụng trí tuệ nhân tạo một cách thông minh vào việc đào tạo...
Để hiểu được DN, tiến sĩ Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ TP.HCM, cho rằng trường nghề cần phải cử giảng viên đi thực tế để biết DN cần gì và mặt khác đây cũng là cơ hội để giảng viên tiếp cận thiết bị, công nghệ mới tại DN, từ đó nghiên cứu, xây dựng các chuyên đề đào tạo bám sát nhu cầu DN theo hướng tiếp cận công nghệ mới…
Ở góc độ DN, ông Trương Ngọc Hoàng cho rằng nếu trường nghề không đầu tư trang thiết bị hiện đại, tiến tiến theo kịp công nghệ thực tế ở DN và các thầy cô không trang bị kiến thức và kỹ năng thực tiễn với tư duy liên ngành và học tập suốt đời thì không đủ khả năng đào tạo lại và nâng cao cho người lao động. "Muốn vây, các trường phải năng động kết nối DN để có lượng khách hàng tiềm năng này. Đây cũng là cách để tăng thêm nguồn thu đáng kể cho các trường. Nếu trường nghề không tranh thủ cơ hội thì các công ty tư nhân trong nước và nước ngoài đã, đang và sẽ chiếm lĩnh hết thị trường này", ông Hoàng nêu quan điểm.
Trước thực tế này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về việc tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động ở những ngành nghề mới, kỹ năng mới.
Theo đó, việc bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động, nhất là ở những địa bàn, khu vực kinh tế trọng điểm, tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ LĐ-TB-XH đặt ra đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trong năm 2024.
"Hàng triệu người lao động đang làm việc tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp... có nhu cầu học tập bổ sung kiến thức, kỹ năng mới để tiếp tục công việc hoặc để phát triển sự nghiệp. Các trường nghề cần thay đổi, năng động hơn để nắm bắt được cơ hội này trong cả hiện tại và tương lai", tiến sĩ Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, chia sẻ.
Theo Mỹ Quyên/ Thanh niên