Giúp người trẻ khởi nghiệp tại quê nhà

Từ CLB thanh niên hỗ trợ nhau làm kinh tế, anh Bạch Nhật Khánh (26 tuổi), Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên VN xã Phụng Hiệp (H.Phụng Hiệp, Hậu Giang), góp phần giúp nhiều lao động trẻ nông thôn có việc làm ổn định.

Lâu nay, trồng mía và cam là nghề phổ biến của người dân xã Phụng Hiệp, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang. Với những hộ sản xuất quy mô nhỏ, nghề này chỉ giúp đủ ăn đủ mặc. Vì vậy, nhiều gia đình kéo nhau lên thành phố làm công ăn lương. Một bộ phận thanh niên không đi làm ăn xa thì mạnh dạn thử nghiệm nhiều mô hình kinh tế mới để hướng tới làm giàu ngay tại quê nhà.

Anh Bạch Nhật Khánh (bìa phải) cùng các đoàn viên học hỏi mô hình nuôi lươn trong bể tại xã Phụng Hiệp. THANH DUY

Lợi thế của các bạn trẻ là sự năng nổ và nhiệt huyết, tuy nhiên do phát triển mô hình đơn lẻ, áp dụng kỹ thuật theo kiến thức cá nhân nên nhiều người đã không thành công, thậm chí thua lỗ rồi bỏ cuộc. Từ thực tế đó, năm 2021, anh Bạch Nhật Khánh đã có sáng kiến thành lập CLB thanh niên hỗ trợ nhau làm kinh tế.

Anh Khánh cho biết ban đầu CLB chọn ấp Mỹ Thuận 1 (xã Phụng Hiệp) làm mô hình thí điểm. Do hoạt động ngày càng hiệu quả, hiện CLB đã mở rộng khắp xã với hơn 30 thành viên độ tuổi từ 16 - 35. Các mô hình phát triển kinh tế đa dạng trên nhiều lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, kinh doanh vật liệu xây dựng. Hễ có bạn trẻ muốn khởi nghiệp với mô hình tương tự thì những thành viên đi trước sẽ tận tình chia sẻ.

Hoạt động nổi bật của CLB là tập huấn kiến thức, tham quan thực tế, trao đổi kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất đã thành công trong và ngoài địa bàn. Từ đó, nhiều bạn trẻ đã phát hiện được những mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh để áp dụng trên mảnh đất của gia đình.

Anh Khánh chia sẻ: "Qua sự hỗ trợ của CLB, các bạn thanh niên yên tâm hơn khi lần đầu triển khai mô hình sản xuất mới. Có những mô hình các bạn không tự tin nhưng khi được CLB tư vấn, hướng dẫn thì ngày càng phát huy được thế mạnh. Đáng kể như mô hình nuôi lươn trong bể, nuôi rắn hổ hành, trồng chanh không hạt, trồng mít kết hợp nuôi cá và ốc…".

Bên cạnh gợi ý cho thanh niên hướng làm ăn, CLB còn phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội H.Phụng Hiệp tạo điều kiện thuận lợi để các thành viên tiếp cận được nguồn vốn vay và định hướng sử dụng đúng mục đích.

Tham gia CLB, anh Nguyễn Nhật Duy (26 tuổi, đoàn viên ở xã Phụng Hiệp) dần bỏ công việc shipper để tập trung vào nghề nuôi lươn trong bể.

"Quá trình sản xuất hiếm khi xảy ra rủi ro vì tôi đã tích lũy được kha khá kinh nghiệm. Thành công của tôi không phải do tự học mà từ những buổi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm do CLB tổ chức", anh Duy chia sẻ.

CLB hoạt động hiệu quả giúp nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công trên chính mảnh đất quê hương mình. Từ đó cũng góp phần giúp cho xã Phụng Hiệp phát triển kinh tế và nhanh đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Anh Bùi Hữu Lộc, Bí thư Tỉnh đoàn Hậu Giang, cho biết anh Bạch Nhật Khánh là một cán bộ Hội nhiệt huyết, có nhiều giải pháp, sáng kiến trong triển khai các mô hình nhằm nâng cao chất lượng công tác Hội tại cơ sở. Một ưu điểm nữa của anh Khánh là khả năng đoàn kết, quy tụ thanh niên tham gia các tổ chức, hoạt động vì cộng đồng tại địa phương. Anh Khánh là thanh niên duy nhất của Hậu Giang được nhận Giải thưởng 15 Tháng 10 năm 2023, do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên VN trao tặng.

Theo Thanh Duy/Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Vào trung tuần tháng 7/2024, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và Công ty Cổ phần Dừa nước Việt Nam – VietNipa tổ chức thành công chương trình “HUIT Startup Tour 2024” tại huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Khởi nghiệp không dễ dàng và có thể đối diện thất bại. Vậy người trẻ có nên bước vào thương trường?
Bên cạnh không ít người trẻ khởi nghiệp thành công thì cũng có khá nhiều trường hợp thất bại. Đâu là những lý do khiến nhiều người phải sớm rời khỏi thương trường?
Khao khát tự lập, tích lũy kinh nghiệm và chinh phục thử thách, nhiều bạn trẻ mạnh dạn khởi nghiệp khi còn trên ghế nhà trường
Chị Hồ Thị Hương (34 tuổi, người đồng bào Tà Ôi, trú tại xã Trung Sơn, H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế), là một trong những thanh niên tiêu biểu trong việc mạnh dạn làm du lịch cộng đồng gắn liền với việc giữ gìn bản sắc dân tộc để phát triển kinh tế.
Nghiên cứu làm đồ thủ công mỹ nghệ, gia dụng từ bẹ chuối, anh Hứa Trần Phong (ngụ TP.Sóc Trăng, Sóc Trăng) thu lãi 500 triệu đồng/năm.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề