Thí sinh thuộc diện cộng điểm ưu tiên nếu có tổng điểm 3 môn từ 22,5 trở lên sẽ phải thực hiện theo công thức tính do Bộ GD&ĐT quy định để đảm bảo công bằng.
Năm 2024 là năm thứ hai Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện thay đổi cách tính điểm ưu tiên khi khi xét tuyển đại học (ĐH).
Đây là điểm cộng thêm vào số điểm thi tốt nghiệp THPT thực tế của thí sinh và là căn cứ để các trường ĐH xét trúng tuyển, nhằm tạo sự công bằng cho các đối tượng/vùng miền do điều kiện tiếp cận giáo dục bậc phổ thông chưa đồng đều.
Điểm ưu tiên khu vực cao nhất là 0,75
Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, mức độ điểm ưu tiên giảm dần theo thời gian, cụ thể: Trước năm 2003, thí sinh được cộng nhiều nhất 3 điểm ưu tiên khu vực. Từ năm 2004 đến 2017, cộng tối đa là 1,5 điểm. Từ năm 2018 đến nay, điểm ưu tiên khu vực cao nhất là 0,75 điểm.
Từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp và một năm kế tiếp. Đồng thời, cách tính điểm ưu tiên vào ĐH cũng thay đổi để tạo công bằng cho thí sinh các vùng miền và không còn để tổng điểm xét tuyển vượt quá 30 (theo tổ hợp 3 môn).
Cụ thể, theo Quy chế tuyển sinh ĐH và tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang điểm 10 và tổng điểm ba môn tối đa là 30 điểm) được xác định theo công thức sau:
Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được)/7,5] x mức điểm ưu tiên (theo quy định của Bộ GD&ĐT).
Trong đó, mức điểm ưu tiên gồm điểm ưu tiên theo khu vực và ưu tiên theo đối tượng chính sách. Cụ thể:
Thứ nhất, với ưu tiên khu vực, khu vực 1 là 0,75 điểm; Khu vực 2 nông thôn là 0,5 điểm; khu vực 2 là 0,25 điểm; Khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên.
Khu vực tuyển sinh của mỗi thí sinh được xác định theo địa điểm trường mà thí sinh đã học lâu nhất trong thời gian học cấp THPT (hoặc trung cấp). Nếu thời gian học (dài nhất) tại các khu vực tương đương nhau thì xác định theo khu vực của trường mà thí sinh theo học sau cùng.
Riêng một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Bộ GD&ĐT sẽ được được hưởng ưu tiên khu vực theo địa chỉ thường trú.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại TP.HCM. Ảnh: P.A
Thí sinh chỉ hưởng điểm ưu tiên diện chính sách cao nhất
Thứ hai, ưu tiên theo đối tượng chính sách, gồm hai đối tượng, nhóm (ưu tiên 1 – UT1) được cộng 2 điểm và nhóm (ưu tiên 2 – UT2) được cộng 1 điểm.
Bộ GD&ĐT lưu ý thí sinh thuộc nhiều diện đối tượng chính sách quy định sẽ chỉ được tính một mức điểm ưu tiên cao nhất.
Thí sinh, phụ huynh xem chi tiết thông tin đối tượng được hưởng điểm ưu tiên TẠI ĐÂY.
Các mức điểm ưu tiên tương ứng với tổng điểm 03 môn (trong tổ hợp môn xét tuyển) theo thang điểm 10 đối với từng môn thi (không nhân hệ số); trường hợp phương thức tuyển sinh sử dụng thang điểm khác thì mức điểm ưu tiên được quy đổi tương đương. Các đơn vị đào tạo sẽ quy đổi cụ thể theo nguyên tắc chung và công bố công khai trong Đề án tuyển sinh của đơn vị.
Từ quy định mới của Bộ GD&ĐT, ở một số phương thức tuyển sinh cũng sẽ có cách áp dụng để giới hạn mức điểm ưu tiên với thí sinh có điểm cao.
Đơn cử như với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi Đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức:
Mức điểm ưu tiên áp dụng cho nhóm đối tượng ƯT1 là 80 điểm và cho nhóm đối tượng ƯT2 là 40 điểm;
Mức điểm ưu tiên áp dụng cho khu vực 1 là 30 điểm, khu vực 2 nông thôn là 20 điểm, khu vực 2 là 10 điểm; khu vực 3 không được tính điểm ưu tiên.
ĐH Quốc gia TP.HCM lưu ý từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 900 trở lên (thang điểm là 1.200 điểm) sẽ được xác định theo công thức sau:
Điểm ưu tiên = [(1200 - tổng điểm đạt được)/300] × mức điểm ưu tiên
Để tránh việc thí sinh cộng điểm ưu tiên 2 lần, Bộ GD&ĐT lưu ý các cơ sở đào tạo khi sử dụng “điểm xét tốt nghiệp” để xét tuyển, thì phải trừ đi điểm ưu tiên đã được cộng vào trong “điểm xét tốt nghiệp”, sau đó mới cộng thêm ưu tiên theo quy định của Quy chế tuyển sinh để xét tuyển.
Theo Phạm Anh/ Pháp luật TP.HCM