Du học Mỹ năm 2024: Trường cần SAT, trường bỏ hẳn, vì sao?

Tuyển sinh du học Mỹ năm 2024 tiếp tục ghi nhận xu hướng không yêu cầu điểm các bài thi SAT hay ACT, song đây vẫn là điều kiện cần để ứng tuyển trường top, ngành 'hot' hoặc một số học bổng, theo chuyên gia.

Trong kỳ tuyển sinh du học Mỹ mùa thu năm 2024, nhiều cơ sở giáo dục ĐH tiếp tục duy trì chính sách tuyển sinh "test-optional", tức không bắt buộc học sinh nộp kết quả SAT/ACT (các bài thi chuẩn hóa dùng để xét tuyển vào ĐH Mỹ). Đây là xu hướng nổi lên từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khi nhiều trung tâm khảo thí tại các quốc gia phải đóng cửa khiến thí sinh mất cơ hội tham dự kỳ thi.

Vì sao "test-optional"?

Dữ liệu từ Trung tâm quốc gia về khảo thí công bằng và công khai (FairTest) cho thấy, ngày càng nhiều CĐ, ĐH Mỹ áp dụng "test-optional", với số lượng tăng gần gấp đôi trong 4 năm qua. Cụ thể, từ 1.075 trường không yêu cầu SAT/ACT ngay trước thời điểm đại dịch (tháng 3.2020), đến kỳ tuyển sinh mùa thu năm 2024 đã có 2.008 đơn vị có động thái tương tự, chiếm khoảng 86% tổng số ĐH Mỹ.

Tại triển lãm giáo dục ĐH Mỹ ở TP.HCM hôm 6.10, đại diện các trường chia sẻ rõ hơn về phương án "test-optional" sẽ áp dụng trong kỳ tuyển sinh năm nay. Cụ thể, thay vì yêu cầu kết quả thi SAT, ĐH Rochester chọn đánh giá thí sinh dựa trên nhiều yếu tố như điểm trung bình học tập (GPA), bài luận, thành tích học thuật, hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu...

Người học Việt Nam tìm hiểu về cơ hội du học Mỹ trong triển lãm giáo dục ĐH Mỹ tổ chức đầu tháng 10. NGỌC LONG

Bà Đinh Mỹ Phương, đại diện ĐH Rochester, cho biết trường không đặt ra chuẩn về GPA nhưng các bạn nên đạt học lực giỏi hoặc xuất sắc. Chứng chỉ tiếng Anh cũng nên có điểm cạnh tranh, khoảng 7.5 IELTS trở lên hoặc tương đương. "Trường cũng tự động đánh giá mọi yếu tố trong hồ sơ để trao học bổng, với mức dao động từ 2.000 USD/năm (48 triệu đồng) đến miễn học phí", bà Phương nói.

ĐH Northern Arizona cũng thực hiện "test-optional" trong kỳ tuyển sinh năm nay, không còn xem SAT/ACT là điều kiện chính để xét tuyển. "Sau dịch Covid-19 và một số lùm xùm xoay quanh kỳ thi SAT, nhiều bên nhận thấy kết quả này không nên là ưu tiên để tuyển sinh hay trao học bổng. Trong tương lai, sẽ có thêm nhiều trường loại bỏ yêu cầu về SAT", ông Nguyễn Hiền, đại diện nhà trường, cho hay.

Do đó, nhiều ĐH Mỹ chỉ đánh giá ứng viên chủ yếu dựa trên hai yếu tố là GPA và chứng chỉ tiếng Anh, theo ông Hiền. Tại ĐH Northern Arizona, mức lý tưởng là GPA 2,5/4,0 và 6.0 IELTS. Nếu có nhu cầu học bổng, học sinh phải trải qua thêm vòng phỏng vấn, với GPA tối thiểu là 3,0. "Quỹ học bổng năm nay tăng lên rất nhiều nên chúng tôi sẽ không giới hạn học sinh được nhận học bổng", ông Hiền chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Hiền, đại diện ĐH Northern Arizona, tư vấn cho người học về tiêu chí tuyển sinh cũng như cơ hội học bổng. NGỌC LONG

Ngành "hot", trường top yêu cầu SAT?

Dù việc từ bỏ SAT đang trở nên phổ biến với nhiều trường nhưng ông Nguyễn Hiền cũng khuyên người học tìm hiểu kỹ chính sách tuyển sinh của từng đơn vị trước khi "chốt" hồ sơ. Bởi lẽ, những trường ĐH Mỹ top 10, top 20 thường không yêu cầu SAT nhưng các đơn vị top đầu vẫn yêu cầu kết quả này để xét tuyển.

Bà Nga Vũ, đại diện ĐH Xavier, cũng lưu ý người học nên có kết quả SAT nếu ứng tuyển vào trường công lập, nhất là ở những khối ngành "hot" như STEM. "Một số trường đặt chuẩn đầu vào cao đối với ngành kỹ thuật hay công nghệ thông tin vì độ khó chuyên ngành và có đông sinh viên ứng tuyển. SAT, vì thế, là yêu cầu bắt buộc để sàng lọc", bà Nga Vũ cho hay.

Tương tự, ông Bình Lê, đại diện ĐH South Florida, cho biết chính quyền bang Florida vẫn yêu cầu SAT trong mùa tuyển sinh năm nay. Vì vậy, các trường công lập tại Florida đều cần thí sinh nộp điểm SAT bên cạnh GPA. "Trường không có điểm chuẩn mà xét từ trên xuống đến khi đủ chỉ tiêu. Năm trước, mức tối thiểu là GPA 3,0 và SAT 1.240. Chúng tôi cũng căn cứ vào 2 yếu tố này để trao học bổng chứ không cần bài luận", ông Bình chia sẻ.

Đại diện một trường ĐH Mỹ tư vấn ngành nghề cho học sinh. NGỌC LONG

Đại diện CĐ Luther thì nhìn nhận dù không yêu cầu kết quả SAT khi tuyển sinh, nhưng nếu thí sinh nộp thêm kết quả này sẽ tăng khả năng cạnh tranh học bổng. "Trường có hai vòng xét tuyển là nộp hồ sơ và phỏng vấn. Ở vòng đầu, chúng tôi chỉ cần học bạ, thư giới thiệu, chứng chỉ tiếng Anh và một số giấy tờ khác. Còn ở vòng phỏng vấn, lời khuyên cho ứng viên là hãy thật tự nhiên và trung thực", người này lưu ý thêm.

Theo Ngọc Long - Lâm Vĩnh Hồng/Thanh niên

 

Tin cùng chuyên mục

Được biết đến là một quốc gia có nền giáo dục tiên tiến đứng Top đầu trong khu vực Đông Nam Á, nhờ những chính sách giáo dục hiệu quả, liên kết với các Trường Đại học trên toàn thế giới – được nhiều sinh viên trong nước và quốc tế lựa chọn bởi chất lượng đào tạo được đánh giá cao, bằng cấp công nhận trên toàn cầu và chi phí du học hợp lý.
Theo các chuyên gia tuyển dụng sinh viên quốc tế, trong năm học 2022 – 2023, Đức đạt kỷ lục 370.000 sinh viên quốc tế và sức hấp dẫn của thị trường này đang bùng nổ.
Hồi tháng 8, Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố kế hoạch 5 năm nhằm thu hút 300 nghìn sinh viên quốc tế.
Theo các phương tiện truyền thông Australia, chính phủ nước này dự kiến giới hạn số lượng sinh viên quốc tế nhằm cắt giảm lượng người di cư.
Chính phủ Trung Quốc cấp 77 chỉ tiêu học bổng cho công dân Việt Nam đi đào tạo ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ tại Trung Quốc bằng tiếng Anh và tiếng Trung.
Chính phủ Hungary sẽ cấp 200 suất học bổng du học cho công dân Việt Nam theo diện hiệp định năm 2024.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề