Theo khảo sát, lựa chọn du học Hàn Quốc bằng tiếng Anh tuy có ở nhiều trường, nhưng với tỷ lệ khá khiêm tốn. Chẳng hạn, trong kỳ tuyển sinh mùa xuân vào tháng 3.2024, ĐH Nữ Ewha (TP.Seoul) mở 3 chương trình tiếng Anh ở chuyên ngành quốc tế học, Hàn Quốc học quốc tế đối với hệ cử nhân, và ngành nữ học châu Á ở hệ sau ĐH, so với hàng trăm chương trình tiếng Hàn của nhà trường.
Tương tự, ĐH Kyungil (TP.Gyeongsan) có 3 chuyên ngành quản trị kinh doanh, quốc tế học và kiến trúc xây dựng được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh ở hệ cử nhân, với điều kiện nhập học là đạt 5.5 IELTS trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh khác tương đương, theo ông Kim Jong-youl, đại diện nhà trường.
"Học chương trình tiếng Anh, bạn không cần thi năng lực tiếng Hàn (TOPIK) để tốt nghiệp nhưng chuẩn đầu ra quy định điểm IELTS cao hơn. Song, các chương trình tiếng Anh tại trường chưa có người Việt nào theo học mà chỉ thu hút công dân Uzbekistan. Các chương trình tiếng Hàn và khóa học tiếng Hàn vẫn đang là lựa chọn hàng đầu của du học sinh Việt", ông Kim Jong-youl trả lời phóng viên tại hội thảo du học Hàn Quốc tổ chức hôm 16.9 tại TP.HCM.
Ông Kim Jong-youl (bìa phải), đại diện ĐH Kyungil, cho biết chưa có du học sinh Việt nào đăng ký học chương trình tiếng Anh tại trường. NGỌC LONG
Ông Lee Chang-hoon, đại diện ĐH College of Ulsan (TP.Ulsan), cho biết ở 2 chuyên ngành là công nghệ thông tin và an ninh, kinh doanh toàn cầu, sinh viên có thể chọn học chương trình tiếng Anh bên cạnh chương trình tiếng Hàn. Tuy nhiên, không phải 100% bài giảng được dạy bằng tiếng Anh mà ở các môn học tiếng Hàn, sinh viên phải học bằng tiếng Hàn.
Cũng theo người đại diện, trường mở thêm chương trình tiếng Anh dựa trên thế mạnh đào tạo và xu hướng tại Hàn Quốc, nhất là nhu cầu nhân lực ở một số ngành nhất định. "Để đăng ký, các bạn cần có điểm tốt nghiệp THPT tối thiểu 7.0. Chúng tôi còn cấp học bổng 100% học phí nếu ứng viên đạt 8.0 IELTS trở lên và học bổng từ 35-70% ở những mức thấp hơn, với yêu cầu có điểm trung bình (GPA) mỗi học kỳ tối thiểu là 3.0", ông Lee Chang-hoon cho hay.
Tỷ lệ môn học dạy bằng tiếng Anh có thể lên đến 30%
Ngoài những trường công khai thông tin các chương trình tiếng Anh từ ban đầu, có không ít đơn vị chưa có dữ liệu chính xác về số chuyên ngành sẽ được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh hay dạy song ngữ bằng tiếng Anh và tiếng Hàn, trong đó có ĐH Konkuk (TP.Seoul). Cụ thể, đại diện trường này chia sẻ sau khi chọn được lĩnh vực bản thân quan tâm, ứng viên cần gửi email đến bộ phận sinh viên quốc tế.
Đại diện ĐH Konkuk (bìa trái) khuyên sinh viên liên lạc với trường để tham khảo chương trình tiếng Anh của từng khoa. NGỌC LONG
Anh Nguyễn Công Hưởng, đại diện ĐH Quốc gia Kyungpook (TP.Daegu), cho biết đa phần các tiết học tại trường sẽ được dạy bằng tiếng Hàn, nhưng cũng có một số khoa dạy bằng tiếng Anh tùy vào chuyên ngành. Vì thế, sinh viên muốn học chương trình tiếng Anh cần đến văn phòng khoa để được tư vấn riêng.
"Chúng tôi có cả hệ 100% dạy bằng tiếng Anh và hệ song ngữ tiếng Anh và tiếng Hàn. Nếu ứng viên không có trình độ tiếng Hàn, có thể nộp bằng 5.5 IELTS hoặc các chứng chỉ tiếng Anh khác như TOEFL, TOEIC. Nhưng nhiều khi giáo sư ở hệ 100% tiếng Anh cũng nói tiếng Hàn", anh Hưởng lưu ý thêm.
Riêng ĐH Hàn Quốc (TP.Seoul), một trong những trường hàng đầu xứ sở kim chi, hiện có ngành quốc tế học được dạy 100% bằng tiếng Anh, còn những ngành khác dao động từ tối thiểu 30% đến hơn 70% như quản trị kinh doanh. "Để trúng tuyển vào trường, bạn cần có thành tích học thuật càng cao càng tốt như điểm trung bình trên lớp và điểm thi năng lực ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Hàn", đại diện trường này chia sẻ.
Động thái quốc tế hóa
Bà Hồ Thị Kim Ly, Giám đốc YK Education, cho biết nếu quan tâm đến việc du học Hàn Quốc bằng tiếng Anh, các bạn có thể tìm hiểu về Trường Kinh doanh quốc tế SolBridge (TP.Daejeon) trực thuộc ĐH Woosong. Đây là đơn vị dạy các chuyên ngành 100% bằng tiếng Anh, với các chương trình liên kết 2+2 tại Mỹ, Úc và Canada, tạo điều kiện cho sinh viên nhận song bằng khi theo học.
"Tuy nhiên, du học sinh Việt nên biết tiếng Hàn căn bản dù chọn học ở bất cứ trường nào để có thể sinh sống, học tập thuận lợi khi người dân chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Hàn", bà Ly khuyên và cho biết thêm có khá ít trường có chương trình tiếng Anh, với chuyên ngành giới hạn ở một số ngành như truyền thông, sự kiện, quan hệ quốc tế.
Nhiều thắc mắc về chương trình học, cơ hội việc làm... được đại diện các trường ĐH Hàn Quốc giải đáp. NGỌC LONG
Đồng tình, bà Bùi Thị Tâm, Tổng giám đốc Công ty TNHH YT KOREA, cho rằng hầu như không có ngành kỹ thuật nào tại Hàn có chương trình tiếng Anh, mà chủ yếu chỉ có ở các ngành kinh tế như quản trị kinh doanh, marketing. Ngoài ra, việc đào tạo bằng tiếng Anh tập trung ở hệ thạc sĩ, tiến sĩ nhiều hơn, với hình thức phổ biến là liên kết đào tạo giữa trường ĐH Hàn Quốc và trường ĐH Việt Nam.
"Việc mở các chương trình tiếng Anh là động thái quốc tế hóa nền giáo dục ĐH tại Hàn Quốc, vốn được thực hiện từ nhiều năm qua. Điều này nhằm thu hút nhiều hơn nữa sinh viên quốc tế ở các quốc gia dùng tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ", bà Tâm lý giải.
Bên cạnh đó, cũng có đơn vị năm trước từng mở chương trình tiếng Anh, nhưng đến nay lại hủy vì chương trình không đáp ứng được kỳ vọng của nhà trường, đơn cử như ĐH Hongik (TP.Seoul). Ông Kim Yo-ahn, đại diện nhà trường, cho biết hiện nay trường đang tập trung vào chương trình tiếng Hàn, đồng thời nỗ lực duy trì số sinh viên quốc tế, nhất là học sinh Việt Nam, ở mức nhất định.
Ông Kim Yo-ahn, đại diện ĐH Hongik, cho biết trường chú trọng tuyển sinh người Việt trong những kỳ tới. NGỌC LONG
"Trước đây, chúng tôi có chương trình tiếng Anh nhưng chỉ giới hạn ở một số khoa, cũng như có những khoa phải học song ngữ cả tiếng Anh và tiếng Hàn", ông Kim Yo-ahn chia sẻ thêm.
Theo Ngọc Long/Thanh niên