Đối với du học sinh, cơ hội ở lại Anh làm việc sẽ khó hơn trước

Anh liên tục công bố các chính sách mới liên quan đến thị thực làm việc nhằm cắt giảm lượng người nhập cư đến quốc gia này, trong đó chiếm phần đáng kể là du học sinh và thân nhân của họ.

Sinh viên quốc tế theo học tại ĐH College London, cơ sở giáo dục hàng đầu nước Anh. UCL

Siết thị thực làm việc

Từ năm 2018, sinh viên quốc tế sau khi hoàn thành khóa cử nhân, thạc sĩ hoặc tiến sĩ tại các ĐH của Anh được phép ở lại nước này làm việc từ 2-3 năm tùy bậc học theo diện thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp. Trong khoảng thời gian này, nếu được nhà tuyển dụng bảo lãnh, du học sinh có thể nộp đơn xin thị thực lao động lành nghề để làm việc lâu dài.

Song, kế hoạch này của nhiều sinh viên quốc tế có thể bị chệch hướng. Bởi, chính phủ Anh ngày 4.12 công bố sẽ tăng mức lương tối thiểu mà lao động ngoại quốc phải đạt được để nộp đơn xin thị thực lao động lành nghề, từ 26.200 lên 38.700 bảng/năm (1,2 tỉ đồng). Động thái này chính thức có hiệu lực vào mùa xuân năm 2024 nhằm giảm số lượng người nhập cư vào Anh vốn đang ở mức kỷ lục, theo tờ The Guardian.

Thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp dành cho sinh viên quốc tế cũng sẽ bị chính phủ Anh xét lại vào tháng 9.2024 để ngăn chặn việc lạm dụng và bảo đảm tính trung thực lẫn chất lượng của lĩnh vực giáo dục ĐH, trang Times Higher Education dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ James Cleverly. Mặt khác, báo cáo từ một cơ quan của chính phủ Anh chỉ ra rằng loại thị thực này có thể không thu hút được nhân tài cho quốc gia.

Những quyết định trên làm nhiều du học sinh "vỡ mộng". Trả lời trang The PIE News, Tripti Maheshwari, giám đốc một tổ chức giúp sinh viên quốc tế tìm việc làm ở Anh, cho biết hàng trăm người đã nhắn tin cho cô để bày tỏ lo lắng sau khi quy định mới được ban hành. "Họ chọn đến Anh vì những chính sách được đưa ra vào thời điểm đó, và các thay đổi phải phù hợp với kế hoạch của họ", bà Maheshwari nêu quan điểm.

Anh là một điểm đến du học hấp dẫn một phần nhờ vào chương trình cho phép sinh viên quốc tế ở lại làm việc tối thiểu 2 năm sau khi hoàn thành khóa học chính quy. UNIVERSITY OF OXFORD

Theo báo cáo năm 2021 từ Cơ quan Thống kê giáo dục ĐH Anh (HESA), khoảng 15 tháng sau khi tốt nghiệp, đa số sinh viên được trả lương từ 24.000 đến 26.999 bảng, kém xa con số mà chính phủ nước này sẽ yêu cầu để cấp thị thực làm việc lâu dài. Trong khi đó, tính đến tháng 9.2023, hơn 100.000 người đã được cấp thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp, theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ Anh.

Nhiều thay đổi vào năm 2024

Việc nâng chuẩn thị thực lao động lành nghề và xét lại thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp là những thay đổi mà chính phủ Anh đưa ra để giảm 300.000 người nhập cư ròng mỗi năm. Một số thay đổi khác là hạn chế sinh viên quốc tế mang theo thân nhân đến Anh, cấm sinh viên quốc tế chuyển sang thị thực làm việc trước khi hoàn thành chương trình đào tạo cũng như rút ngắn danh sách các ngành nghề ưu tiên.

Động thái trên khiến nhiều chuyên gia lo ngại vì có thể tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng của lĩnh vực giáo dục ĐH. Tiến sĩ Alex Powell, giảng viên cao cấp và chủ nhiệm một số chương trình đào tạo luật tại ĐH Oxford Brookes, mô tả các quyết định của chính phủ Anh là một "vụ bê bối". "Bất kỳ thay đổi nào đối với thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp đều sẽ 'khai tử' nhiều trường ĐH Anh", ông Powell chia sẻ.

Tiến sĩ Chris Lintott, giáo sư vật lý thiên văn tại ĐH Oxford, thì lo ngại chính sách mới sẽ "cản đường" các nhân tài đến Anh vì cho rằng họ không thể trả nổi các chi phí liên quan. "Làm khó các nhà nghiên cứu mới vào nghề sẽ khiến chúng ta khó khăn hơn trong quá trình nghiên cứu khoa học, cũng như hạn chế cơ hội cho những sinh viên và nghiên cứu sinh người Anh", ông Lintott bày tỏ.

Theo HESA, Việt Nam đứng thứ 20 về số du học sinh tại Anh trong năm 2022 với 7.140 người (không bao gồm bậc phổ thông). Đây là mức cao nhất được ghi nhận trong 5 năm trở lại đây. Trong đó, chi phí để theo học bậc cử nhân tại Anh dao động ở mức 10.000-26.000 bảng/năm (308-800 triệu đồng). Với ngành y, học phí có thể lên tới gần 68.000 bảng (2 tỉ đồng).

Theo Ngọc Long/Thanh niên

 

Tin cùng chuyên mục

Bộ Giáo dục Anh vừa công bố dữ liệu cho thấy số lượng học sinh bị đình chỉ học tập trong năm học 2022-2023 đã tăng cao kỷ lục, hơn 787.000.
Từ năm 2024, nhiều trường học tại Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông... đồng loạt tăng học phí với du học sinh vì nhiều nguyên nhân. Đã có trường hợp sinh viên biểu tình phản đối trước động thái này.
Nằm trong khuôn khổ chương trình INTENSE (chương trình đặc biệt giáo dục tài năng công nghiệp quốc tế) của Đài Loan, một số trường CĐ, ĐH đã ký kết hợp tác với trường ĐH ở Đài Loan để cấp học bổng đào tạo người học ở lĩnh vực bán dẫn và tài chính.
Nhiều quy định khác của chính phủ Úc nhằm thắt chặt thị thực (visa) cũng bắt đầu có hiệu lực, như hạn chế tình trạng nhảy visa, điều chỉnh độ tuổi tối đa được xin visa làm việc sau tốt nghiệp hay giảm thời gian ở lại làm việc khi du học Úc.
Nếu con số trên tiếp tục duy trì đến hết tháng 6 này thì 2023-2024 sẽ là năm tài chính đầu tiên Việt Nam chứng kiến tỷ lệ bị Úc từ chối cấp visa du học cao nhất sau 18 năm.
Dữ liệu từ cơ quan giáo dục Nhật Bản cho thấy người Việt ngày càng kém mặn mà với du học Nhật, khi du học sinh liên tục giảm và lần đầu đứng thứ 3 về số lượng sau 9 năm duy trì vị trí số 2.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề