Tuy nhiên, hiện có một số trường ĐH vẫn nhận hồ sơ và công bố điểm trúng tuyển phương thức này ở mức 500 đến dưới 600 điểm, tức dưới mức điểm trung bình của bài thi. Chẳng hạn, Trường ĐH Kiên Giang thông báo điểm chuẩn xét tuyển bằng điểm thi năng lực của 20 ngành cùng mức 550 điểm (trừ 2 ngành sư phạm).
Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay. NGỌC DƯƠNG
Trong số 8 ngành của Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, 7 ngành có điểm chuẩn theo phương thức thi đánh giá năng lực ở mức 550 (trừ ngành công nghệ thông tin lấy 600 điểm).
Điểm chuẩn phương thức xét tuyển sớm đợt 1, Trường ĐH Công nghệ Miền Đông cũng xác định hầu hết các ngành dưới mức 600 điểm. Trường ĐH Hùng Vương xét điểm trúng tuyển kết quả thi đánh giá năng lực đợt 1 ở mức 500 điểm. Tương tự, 15 ngành đào tạo của Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM cũng cùng mức 500 điểm.
Đáng chú ý, có những trường ĐH còn xác định điểm đủ điều kiện trúng tuyển phương thức điểm thi năng lực dưới mức trung bình cho các ngành khoa học sức khỏe. Mới đây nhất, Trường ĐH Nam Cần Thơ đã chính thức công bố mức điểm chuẩn xét tuyển sớm đợt 1 năm nay. Trong số 4 ngành xét theo phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, có 2 ngành điểm chuẩn ở mức 550 điểm gồm: kỹ thuật hình ảnh y học và kỹ thuật xét nghiệm y học.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng công bố điểm sơ tuyển (trúng tuyển có điều kiện) phương thức thi đánh giá năng lực. Theo đó, một số ngành sức khỏe điểm sơ tuyển ở mức dưới 600, như: ngành dược và giáo dục mầm non 570 điểm; các ngành y học dự phòng, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học chỉ ở mức 550 điểm…
Ngưỡng đầu vào có thấp?
Lý giải việc xác định mức điểm chuẩn này, Trưởng phòng Đào tạo một trường ĐH có ngành lấy điểm chuẩn mức trên 500 cho biết năm ngoái ngành có điểm chuẩn thấp nhất phương thức này của trường là 600 điểm. Nhưng năm nay kết quả thi của TS có xu hướng thấp hơn nên trường điều chỉnh điểm chuẩn một số ngành dưới mức 600 điểm.
Năm nay có hơn 100.000 thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. NGỌC DƯƠNG
"Chưa kể, bài thi đánh giá năng lực này còn đánh giá TS dựa trên phạm vi kiến thức rộng với nhiều tiêu chí khác nhau. Có thể nói mức điểm chuẩn 500 điểm của bài thi này còn đánh giá tốt hơn với mức điểm trung bình của xét tuyển học bạ", người này nói thêm.
Dù vậy, thực tế việc các trường lấy điểm chuẩn các ngành dưới mức điểm trung bình của bài thi năng lực cũng khiến xã hội không ít băn khoăn.
Xét tuyển bằng điểm thi năng lực, Bộ có quy định điểm sàn?
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, TS cần đạt điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành đặc thù như khoa học sức khỏe và đào tạo giáo viên. Quy định này áp dụng cho tất cả phương thức xét tuyển từ xét điểm thi tốt nghiệp THPT và phương thức xét tuyển sớm.
Với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng đầu vào sau khi có kết quả kỳ thi. Các phương thức tuyển sinh khác không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, TS cần đạt khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 6,5 điểm trở lên với các ngành: điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng; giáo dục thể chất, huấn luyện thể thao, sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, giáo dục mầm non bậc CĐ. Các ngành còn lại TS cần có học lực lớp 12 đạt từ giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8 trở lên.
Như vậy, TS xét tuyển bằng điểm kỳ thi đánh giá năng lực vào các ngành khoa học sức khỏe cần đạt điều kiện học lực hoặc điểm xét tốt nghiệp tối thiểu như quy định trên.
Theo kết quả phân tích phổ điểm thi đánh giá năng lực hơn 100.000 TS dự thi của ĐH Quốc gia TP.HCM, TS có điểm bài thi cao nhất năm nay ở mức 1.133 điểm, số TS đạt từ 1.000 điểm trở lên ở đợt 1 là 152 và đợt 2 là 109. Đáng chú ý, kết quả phân tích điểm từng đợt thi cho thấy mức điểm trung bình của TS đều trên 600 điểm. Trong các năm vừa qua, hầu hết các trường ĐH đều lấy điểm chuẩn phương thức xét tuyển này từ 600 điểm trở lên. Đặc biệt, những trường và ngành TS quan tâm điểm chuẩn đều từ 700 điểm trở lên, thậm chí có ngành điểm chuẩn trên mức 1.000. Vậy, việc các trường xác định điểm chuẩn dưới mức 600 có thấp?
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng để trả lời câu hỏi này cần có nghiên cứu đối sánh trên diện rộng kết quả thi đánh giá năng lực với kết quả thi tốt nghiệp THPT của cùng một TS.
Ông Chính nói: "Hiện theo kết quả khảo sát ở phạm vi nhỏ mà ĐH Quốc gia TP.HCM đã thực hiện, dù kết quả của 2 kỳ thi có tiêu chí đánh giá khác nhau nhưng xu hướng chung là TS đạt điểm cao ở kỳ thi đánh giá năng lực thì cũng đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng ở chiều hướng ngược lại, có những TS dù đạt 300 - 400 điểm kỳ thi đánh giá năng lực vẫn có điểm thi tốt nghiệp trên mức 15 điểm".
Theo Hà Ánh/TNO