Đạt trên 1.000 điểm thi đánh giá năng lực: Không khó với 4 điều này

Từ cách đặt mục tiêu, lên kế hoạch ôn luyện và chiến lược làm bài trong phòng thi, đâu là những điếm chung giúp thí sinh đạt trên 1.000 điểm thi đánh giá năng lực, khả năng cao 'chắc suất' vào ĐH?

Theo các thí sinh (TS) đạt trên 1.000 điểm thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2023 của ĐH Quốc gia TP.HCM, 2 điều kiện tiên quyết trong quá trình ôn luyện để đạt kết quả cao là đặt mục tiêu thang điểm từ sớm, sau đó học đều các môn thi để "gia cố" kiến thức nền tảng. 

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM. Đợt 2 sẽ diễn ra trong tháng 5 Ảnh: NHẬT THỊNH

Vũ Mai Thùy, đạt 1.047 điểm và hiện học lớp 12A1 Trường THPT Quỳnh Côi (tỉnh Thái Bình), đặt nguyện vọng vào ngành khoa học máy tính hệ tiên tiến Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Thùy cho hay đã xác định ngay từ cuối năm lớp 11 sẽ xét tuyển ĐH bằng điểm thi đánh giá năng lực. "Em nghiêm túc ôn tập từ cuối hè, kết hợp học kiến thức mới và luyện bài trên lớp để tiết kiệm thời gian", nữ sinh chia sẻ.

Đối với luyện đề, khi làm sai phần nào, Thùy đều dùng sổ ghi chép lại câu hỏi và đáp án đúng, sau đó tìm dạng kiến thức liên quan và giải những bài tương tự để cải thiện.

Vũ Mai Thùy, thí sinh đạt 1.047 điểm thi đánh giá năng lực Ảnh: NVCC

Đạt 1.005 điểm để xét tuyển ngành khoa học máy tính Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Phạm Hoàng Bách, lớp chuyên lý Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP.Đà Nẵng), cũng chọn ôn luyện sớm từ tháng 8.2022. "Em cố gắng thu thập càng nhiều kiến thức càng tốt thông qua nhiều cách khác nhau", Bách nói, cho biết thêm phương pháp này đóng góp 60-70% thành công trong kết quả cuối cùng.

Cụ thể, nam sinh luôn chú tâm nghe giảng trên lớp, đọc toàn bộ sách giáo khoa 3 khối 10, 11 và 12 lẫn tài liệu tóm tắt các chủ điểm kiến thức được đăng tải trên mạng, đồng thời lên lịch mỗi ngày học từ 1-2 môn thi. Ngoài ra, Bách còn giải một đề mỗi tuần với thời lượng tương tự ngày thi là 150 phút. "Điều này giúp em tìm và 'vá lại' những 'lỗ hổng' kiến thức, đồng thời đề ra được chiến thuật chiến thuật phù hợp nhất với mình", nam sinh chia sẻ.

Còn N.H.Q, cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, từng thi đánh giá năng lực vào năm 2021 nhưng chỉ đạt số điểm 802. Tuy nhiên, Q. đã chinh phục mức điểm 1.010 vào lần thi mới đây nhờ chiến lược luyện đề và học ngay từ đề. Theo Q., luyện đề không phải giải rồi học vẹt mà là học cách tư duy, giải quyết vấn đề dựa trên kiến thức có sẵn. "Phương châm của tôi là phải phát hiện ra sai sót sau khi giải đề rồi cải thiện nó, thay vì chăm chăm vào luyện thật nhiều đề", Q. lưu ý.

"Đến giai đoạn nước rút, tôi rà soát lại kiến thức thông qua sách giáo khoa và giải thêm những đề thi tốt nghiệp THPT có độ khó ở mức 7+ được đăng tải trên mạng", nam sinh chọn ngành toán tài chính Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho hay.

Phạm Hoàng Bách, thí sinh đạt 1.995 điểm thi đánh giá năng lực Ảnh: NVCC

Ưu tiên môn sở trường

Khi được hỏi cần lên chiến lược làm bài trong phòng thi ra sao để đạt hiệu quả tối ưu, các TS trên 1.000 điểm đều nhất trí cần xác định rõ năng lực bản thân để phân bố mức ưu tiên và thời gian làm bài phù hợp.

Chẳng hạn, trước khi thi, Q. chia đề thành 3 phần là kiến thức sở trường, sở đoản và dễ "sai ngu". "Từ đó, tôi sắp xếp thứ tự làm các phần sao cho tối ưu điểm số, cố gắng cải thiện thời gian làm từng phần đồng thời áp dụng phương pháp 'thử-sai-sửa' đáp án đối với những câu hỏi khó", Q. chia sẻ.

Tương tự, Hoàng Bách nhận định cần ưu tiên làm những phần thi bản thân cảm thấy chắc điểm trước, còn những phần khó, mất nhiều thời gian nhất đặt ở cuối cùng.

Mai Thùy bật mí: "Em chọn làm khoa học xã hội trước vì những môn này không phải tính toán, giúp thư giãn một phần. Đồng thời, em luôn làm hết câu lẻ trước rồi mới bắt đầu làm đoạn văn, vì những câu lẻ sẽ nhẹ kiến thức và mất ít thời gian hơn so với nghiền ngẫm thông tin của đoạn văn".

Thí sinh trên 1.000 điểm thi đánh giá năng lực có nhiều điểm chung trong cách ôn tập và chiến lược làm bài Ảnh: ĐÀO NGỌC THẠCH

Cách chinh phục điểm tuyệt đối phần thi "lạ"

Tư duy logic và phân tích số liệu là phần thi khiến các thí sinh bỡ ngỡ vì không được giảng dạy trong chương trình phổ thông. Đạt trọn điểm phần này, Mai Thùy nhìn nhận bí quyết nằm ở việc làm nhiều bài tập liên quan để bản thân tự phát triển định hướng tư duy, song song đó học từ đề và rút ra kinh nghiệm riêng để giải quyết câu hỏi. Còn Hoàng Bách nói nếu không thể giải quyết theo cách tư duy từ đề, thí sinh có thể tư duy từ đáp án, tức là thử từng trường hợp cụ thể cho đến khi khớp với đề.

Đọc hết nội dung có trong sách giáo khoa lớp 12

Thạc sĩ Bùi Văn Công, giáo viên luyện thi trực tuyến tại TP.HCM, cho rằng ở mức điểm này, thầy cô chỉ giúp được TS từ 10-15%, còn lại là nỗ lực tự thân của các em. Theo đó, để đạt được mức điểm vượt trội nhờ đó "chắc suất" vào các trường ĐH, thạc sĩ Công khẳng định có 4 điều TS cần lưu ý.

Thứ nhất, TS phải xác định thi đánh giá năng lực là "cửa ải" sống còn ngay từ lớp 11, không "đứng núi này trông núi nọ" muốn đạt kết quả tốt cả ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. "Hai bài thi yêu cầu độ rộng và chiều sâu kiến thức hoàn toàn khác nhau, do đó phải xác định mức độ kiến thức phải tiếp thu từ trước để có sự chuẩn bị phù hợp nhất", thầy Công lý giải, đồng thời cho biết thêm nếu lỡ học lệch, TS sẽ không thể chinh phục mức điểm từ 1.000 trở lên.

Tiếp đó, TS phải có quyết tâm học kiên cường, thể hiện qua việc đọc hết nội dung có trong sách giáo khoa lớp 12 các môn thi. Theo thạc sĩ Công, đây là tài liệu tốt nhất để ôn tập khi liên quan đến 90% nội dung câu hỏi. Sau khi ghi nhớ kỹ sách lớp 12, TS có thể tiếp tục cân nhắc xem sách lớp 10 và 11. "Riêng phần thi tiếng Việt, nên đọc cả sách THCS vì có nhắc đến kiến thức tiếng Việt", thầy Công lưu ý.

hí sinh dự thi đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM năm nay Ảnh: NHẬT THỊNH

Thứ ba, TS nên luyện đề là những tài liệu chính thống bám sát đề tham khảo và có lời giải chính xác. Thạc sĩ Công cũng cho rằng trong thời gian luyện đề, TS cũng cần định hình tốt chiến thuật làm bài, thường là thế mạnh phần nào thì làm phần đó trước.

"Cuối cùng, TS phải luôn có niềm tin đối với mục tiêu đã đặt ra và cố tiếp thu kiến thức ở đủ các môn thi. Các em phải biết rằng mình sẽ cao điểm hơn người khác ở những môn mình ghét, không phải những môn mình thích. Vì dù kỹ năng của các em có vượt trội ở môn nào đó đi chăng nữa thì độ khó các câu hỏi cũng chỉ ngang nhau, không có mức cao cấp để phân loại các em là tài giỏi hơn như thi tốt nghiệp THPT", thầy Công đúc kết.

Anh Đặng Duy Hùng, Giám đốc Trung tâm luyện thi Strength Education (TP.HCM), nhận định những TS trên 1.000 điểm có điểm chung trước nhất là tự học rất tốt. "Khi giáo viên cung cấp 1, các bạn tiếp thu và triển khai gấp 3-4 lần như sưu tầm thêm kiến thức trên mạng, tham gia các nhóm học tập trực tuyến và thường xuyên trao đổi với nhau", anh Hùng nói.

Theo Ngọc Long/ TNO

Tin cùng chuyên mục

Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển ngành Quân sự cơ sở năm 2024 của Trường Sĩ quan Lục quân 1 và Trường Sĩ quan Lục quân 2: Đào tạo Đại học: 15,0 điểm; Đào tạo Cao đẳng: 10,0 điểm.
Điểm sàn chỉ với mức 15 điểm cùng nhiều gói học bổng hấp dẫn đang là “điểm nhấn” của các trường đại học tốp dưới nhằm tạo cơ hội cho các thí sinh trong cuộc chạy đua tuyển sinh năm nay.
Các trường ĐH đồng loạt công bố điểm sàn theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Mức điểm nhận hồ sơ được ghi nhận ở các trường hiện dao động từ 15 - 24 điểm. Liệu có ngành nào điểm chuẩn trúng tuyển sẽ bằng với mức điểm nhận hồ sơ?
Hàng loạt ngành học ở nhiều trường đại học tại TP.HCM lấy điểm sàn chỉ từ 15, theo tổ hợp ba môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Trong thời điểm này, một số trường ĐH thông báo tiếp tục nhận đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ và điểm thi đánh giá năng lực trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này là đúng hay sai?
Đại diện Bộ GD-ĐT cũng như các trường đại học đã tư vấn cho thí sinh cách để xác định danh mục nguyện vọng đại học và những lỗi sai cần lưu ý trong quá trình đăng ký nguyện vọng.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề