Đại học Quốc gia Hà Nội mở cổng đăng ký thi đánh giá năng lực

Từ 9h00 sáng nay, Đại học Quốc gia Hà Nội chính thức mở cổng đăng ký thi đánh giá năng lực cho các thí sinh năm 2023.

Theo thông báo của Đại học Quốc gia Hà Nội, trong ngày hôm nay, cổng đăng ký dự thi đánh giá năng lực chính thức mở cho thí sinh dự thi 4 đợt đầu tiên.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, cổng đăng ký dự thi sẽ mở cho đến khi hết chỗ đã đăng ký hoặc tối thiểu trước 14 - 21 ngày thi chính thức để thực hiện quy trình thi.

Theo đề án thi của Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2023 có 8 đợt thi từ ngày 10/3 đến hết ngày 4/6. Các đợt thi sẽ mở cổng đăng ký thi từ ngày 6/2 cho các đợt thi tháng 3 - 4, đăng ký từ ngày 18/3 cho các đợt thi tháng 5 - 6.

Năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội mở thêm hai địa điểm thi mới, nâng tổng số địa điểm thi trải rộng từ Thái Nguyên, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An.

Quy mô mỗi đợt thi dự kiến từ 8.000 - 20.000 thí sinh, hướng tới phục vụ khoảng gần 100.000 thí sinh.

Thông tin cá nhân bắt buộc gồm điểm học tập của 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12), số và ảnh căn cước công dân, ảnh chân dung thí sinh, số điện thoại và địa chỉ nhận phiếu báo điểm.

Khi thí sinh hoàn thành các thủ tục đăng ký và chọn đợt thi phù hợp sẽ phải nộp lệ phí trực tuyến trong 96 giờ kể từ khi hoàn thành việc đăng ký.

Trung tâm khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết mức lệ phí dự thi năm 2023 sẽ tăng lên 500.000 đồng/lượt thi theo nguyên tắc chi phí tính đúng, tính đủ lấy thu bù chi (năm 2022 thu 300.000 đồng/lượt thi).

Ông Nguyễn Tiến Thảo giải thích năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội giao Trung tâm khảo thí xây dựng định mức lệ phí được xác định trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí tổ chức thi trên quy mô lớn và phải thuê khoán hạ tầng, nhân lực (cán bộ coi thi, thanh tra, giám sát, bảo an, y tế…) tại nhiều trường đại học trong cả nước; bổ sung thêm khoảng 25% câu hỏi mới vào ngân hàng đề thi mỗi năm.

Theo đó, năm 2022, mức lệ phí phải thu dao động từ 586.000 đến 625.000 đồng/lượt thi. Nhưng Đại học Quốc gia Hà Nội hỗ trợ thí sinh 50% vì khó khăn do dịch COVID-19 nên mức thu chỉ còn 300.000 đồng/lượt thi. Với mức thu mới năm nay, ông Thảo cho biết Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn phải bù đắp một phần chi phí. Theo quy chế thi, thí sinh đã nộp lệ phí sẽ không được hoàn trả.

Năm 2022, có trên 60 cơ sở đào tạo đại học tuyên bố sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của cơ sở này để xét tuyển. Dự kiến năm nay cũng có nhiều cơ sở đào tạo sử dụng kết quả thi này để tuyển sinh.

Theo Nghiêm Huê/ TPO

Tin cùng chuyên mục

Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển ngành Quân sự cơ sở năm 2024 của Trường Sĩ quan Lục quân 1 và Trường Sĩ quan Lục quân 2: Đào tạo Đại học: 15,0 điểm; Đào tạo Cao đẳng: 10,0 điểm.
Điểm sàn chỉ với mức 15 điểm cùng nhiều gói học bổng hấp dẫn đang là “điểm nhấn” của các trường đại học tốp dưới nhằm tạo cơ hội cho các thí sinh trong cuộc chạy đua tuyển sinh năm nay.
Các trường ĐH đồng loạt công bố điểm sàn theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Mức điểm nhận hồ sơ được ghi nhận ở các trường hiện dao động từ 15 - 24 điểm. Liệu có ngành nào điểm chuẩn trúng tuyển sẽ bằng với mức điểm nhận hồ sơ?
Hàng loạt ngành học ở nhiều trường đại học tại TP.HCM lấy điểm sàn chỉ từ 15, theo tổ hợp ba môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Trong thời điểm này, một số trường ĐH thông báo tiếp tục nhận đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ và điểm thi đánh giá năng lực trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này là đúng hay sai?
Đại diện Bộ GD-ĐT cũng như các trường đại học đã tư vấn cho thí sinh cách để xác định danh mục nguyện vọng đại học và những lỗi sai cần lưu ý trong quá trình đăng ký nguyện vọng.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề