Cựu chuyên gia tuyển sinh Harvard bày cách làm hồ sơ chinh phục ĐH top đầu Mỹ

Theo các chuyên gia du học, những trường ĐH top đầu Mỹ đánh giá tổng thể ứng viên chứ không dựa trên một số 'gạch đầu dòng' nhất định, và người học cần có chiến lược xây dựng hồ sơ từ sớm để tăng tính cạnh tranh.

Học sinh, phụ huynh Việt Nam nghe tư vấn du học Mỹ tại hội thảo. NGỌC LONG

5 yếu tố, 3 khía cạnh trong hồ sơ

Tại hội thảo du học Mỹ do American Study tổ chức chiều 15.10 ở TP.HCM, ông John Schaefer, cựu chuyên gia tuyển sinh và hỗ trợ tài chính ĐH Harvard, tốt nghiệp cử nhân ĐH Harvard và thạc sĩ ĐH Cambridge, cho biết ứng viên cần đáp ứng 5 yếu tố trong bộ hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH top đầu Mỹ. Đó là điểm học thuật, bài luận, thư giới thiệu, hoạt động ngoại khóa và trải nghiệm sống. Trong đó, bài luận mang đậm màu sắc cá nhân và trải nghiệm sống đa dạng là những "điểm cộng" lớn.

Cụ thể, trải nghiệm sống chứng minh ứng viên không chỉ tập trung vào thành tích học thuật mà còn quan tâm đến nhiều khía cạnh khác. Đây là một trong những yếu tố để ban tuyển sinh đánh giá toàn diện ứng viên. Để tăng tính cạnh tranh, ông Schaefer gợi ý người học có thể bắt đầu với việc tham gia nhiều hoạt động tại trường, lớp trong vai trò lãnh đạo hay chủ động hỗ trợ các vấn đề của gia đình.

Về bài luận, ông Schaefer lưu ý ứng viên nên làm bật thương hiệu cá nhân và viết lại hành trình phát triển của mình thông qua câu chuyện cụ thể, thay vì đề cập "một cách chung chung". "Ứng viên cũng đừng tự tin thái quá mà hãy tạo cảm giác thân thiện cho hội đồng tuyển sinh. Quan trọng là không đánh mất chính mình", chuyên gia du học cho hay.

Ông John Schaefer (giữa), cựu chuyên gia tuyển sinh và hỗ trợ tài chính ĐH Harvard, khuyên ứng viên xây dựng hồ sơ du học Mỹ theo hướng toàn diện. NGỌC LONG

Các yếu tố còn lại như đạt điểm trung bình (GPA) và điểm bài thi chuẩn hóa (SAT, ACT) cao, được đánh giá tốt trong thư giới thiệu do giáo viên hoặc cố vấn viết, năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa (chơi thể thao, làm thiện nguyện)... cũng giúp tăng "sức nặng" cho bộ hồ sơ du học, theo ông Schaefer.

Ngoài ra, ông Schaefer cho rằng 5 yếu tố trên được bao trùm bởi 3 chủ đề lớn khác, gồm: ảnh hưởng cộng đồng, sự dấn thân và năng lực trí tuệ. Theo đó, ảnh hưởng cộng đồng là việc ứng viên mong muốn đóng góp thế nào để cải thiện các vấn đề quanh mình. Điều này thể hiện khả năng đồng cảm với cộng đồng, một tố chất được ban tuyển sinh đánh giá cao.

"Trong khi đó, sự dấn thân được khắc họa qua hoạt động ngoại khóa, hoạt động thể thao, dự án vì cộng đồng, công việc làm thêm và sự hỗ trợ gia đình. Sau cùng, năng lực trí tuệ là điểm then chốt để ban tuyển sinh cân nhắc hồ sơ, nếu nhận thấy sự tò mò, khả năng trau dồi trí tuệ hay tư duy phản biện ở ứng viên", ông John Schaefer cho hay.

Hồ sơ cần toàn diện ra sao?

Từng là chuyên gia tại Harvard Innovation Lab, ông Trần Đắc Minh Trung, thạc sĩ giáo dục ĐH Harvard, Giám đốc du học American Study, khuyên ứng viên nắm rõ và đáp ứng tính toàn diện, gồm các khía cạnh cá nhân, cộng đồng và học thuật. Vì yếu tố học thuật chủ yếu liên quan đến điểm trung bình (GPA) và điểm bài các bài thi chuẩn hóa (SAT, ACT) nên ông Trung lưu ý nhiều hơn đến 2 khía cạnh còn lại mà đôi khi ứng viên "còn xem nhẹ".

Ông Trần Đắc Minh Trung, Giám đốc du học American Study, cảnh báo ứng viên không nên chỉ xem trọng mỗi yếu tố học thuật trong hồ sơ du học Mỹ. NGỌC LONG

Về yếu tố cá nhân, ông Trung tiết lộ rằng ban tuyển sinh ĐH Mỹ thường đánh giá hồ sơ đa chiều thông qua cố vấn, giáo viên và chính ứng viên. Trong khi cố vấn cho biết nghề yêu thích và học lực (thể hiện "bạn là ai?") thì giáo viên cung cấp thêm góc nhìn về thái độ và tiềm năng học thuật ("bạn có thể trở thành ai?"), còn ứng viên là người trả lời câu hỏi "bạn muốn trở thành ai?" thông qua khả năng tiếp thu và tiềm năng cá nhân.

Không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực cá nhân, ông Trung nhận định phụ huynh cũng có thể đồng hành cùng học sinh trong quá trình chuẩn bị toàn diện ở cả 3 yếu tố kể trên. Như với hoạt động cá nhân, cha mẹ có thể giúp con cái lên kế hoạch dự phòng và thường xuyên đôn đốc, thậm chí giám sát quá trình chuẩn bị của con.

Cuối cùng, các yếu tố cộng đồng gồm gia đình và bạn bè ứng viên chính là "tài sản" trong bộ hồ sơ ứng tuyển, ông Trung nhìn nhận. Do đó, trong bảng tóm tắt về mình, ứng viên ngoài nói về bản thân thì cũng cần đề cập đến gia đình để ban tuyển sinh nắm được xuất thân cũng như cách ứng viên hiểu về gia đình mình. Còn với bạn bè, ứng viên phải biết rằng họ không phải đối thủ cạnh tranh mà là "đồng môn". Vì thế, việc hợp tác để cùng học tập và phát triển sẽ làm mạnh hồ sơ cho nhau.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và nộp cho các trường, thạc sĩ Trần Đắc Minh Trung cho biết thêm hồ sơ của ứng viên sẽ trải qua 4 vòng xét duyệt. Đó là screener (người đọc nhanh, phân loại hồ sơ và ghi chú điểm đặc biệt), người đọc 1 (đọc kỹ và đánh giá), người đọc 2 (đọc kỹ và đánh giá) và cuối cùng là hội đồng tuyển sinh (lắng nghe phản ánh từ những người trước và đưa ra quyết định).

Theo Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, người Việt đứng đầu Đông Nam Á về số du học sinh tại Mỹ với hơn 30.000 người. Du học sinh Việt còn là nhóm sinh viên quốc tế đông thứ 5 theo học tại các trường ĐH Mỹ, trong đó tỷ lệ người Việt chọn khối ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học) và kinh doanh, quản lý lần lượt là 47,1% và 25,6%. Điều này có nghĩa cứ 10 người du học Mỹ, 5 người chọn STEM và 2 người học kinh doanh, quản lý.

Theo Như Mai/Thanh niên

 

Tin cùng chuyên mục

Chính phủ Trung Quốc cấp 77 chỉ tiêu học bổng cho công dân Việt Nam đi đào tạo ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ tại Trung Quốc bằng tiếng Anh và tiếng Trung. Đặc biệt ứng viên chưa biết tiếng Trung vẫn có thể đăng ký chương trình học bằng tiếng Trung.
Chính phủ Hungary sẽ cấp 200 suất học bổng du học cho công dân Việt Nam theo diện hiệp định năm 2024.
Nhiều quốc gia điều chỉnh chính sách du học năm 2024 theo hướng "dễ thở" với mục tiêu thu hút tuyển sinh. Song, số du học sinh tăng cao cũng khiến một số nước thắt chặt các quy định, quyền lợi.
Hệ thống đào tạo nghề song song với 2/3 giờ thực hành tại doanh nghiệp, nhà máy và 1/3 giờ lý thuyết đang là mô hình giáo dục - đào tạo hiệu quả tại Đức, cung cấp nhân công ngay lập tức cho thị trường lao động đang thiếu trầm trọng sau đại dịch Covid-19, đồng thời giải quyết vấn đề già hóa dân số về lâu dài.
Chính phủ Canada buộc các trường có động thái mạnh mẽ hơn để bảo vệ du học sinh trước nạn lừa đảo, đồng thời cải cách thị thực làm việc sau khi tốt nghiệp để đáp ứng nhu cầu nhân lực.
Theo Bộ Giáo dục Singapore, nước này sẽ tăng học phí đối với du học sinh và thường trú nhân theo học tại các trường công lập từ năm 2024 đến 2026.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Tra cứu điếm thi