Cô gái khởi nghiệp với bánh tráng nướng, tiêu thụ hơn 300 tấn/năm

Chọn bánh tráng để khởi nghiệp vì không muốn đặc sản quê nhà chỉ là những gói hàng rong không nhãn mác, đến nay, cô gái này đã mang lại thu nhập cho nhiều hộ gia đình và có hơn 6.000 điểm bán hàng trên toàn quốc.

Năm 2018, trong một lần về quê và nhìn đặc sản bánh tráng nướng mắm ruốc của xã Lạc Lâm (H.Đơn Dương, Lâm Đồng) chỉ được để trong những bọc ni lông bán ở lề đường và không nhãn mác, chị Bảo Trâm đã nảy ra ý tưởng khởi nghiệp với món ăn vặt có tuổi đời hơn 15 năm này.

"Bánh tráng Đơn Dương dù là đặc sản ngon nhưng khi bày bán lại không có nhãn mác và chất lượng vệ sinh nên ít được biết đến. Ngoài ra, các hộ dân chủ yếu làm bánh tự phát với phương pháp thô sơ nên kinh doanh không hiệu quả và nhiều người đã bỏ nghề. Vì thế, mình muốn tìm cơ hội phát triển cho đặc sản này", chị Bảo Trâm chia sẻ.

Bảo Trâm khởi nghiệp với đặc sản quê hương. NVCC

Suốt những năm đầu khởi nghiệp, chị liên tục di chuyển giữa TP.HCM và Lâm Đồng để tiếp cận người dân làng nghề và nghiên cứu thị trường. Con đường khởi nghiệp của chị Trâm khi ấy không được gia đình ủng hộ vì mặt hàng này có quá nhiều rủi ro chứ chưa nói đến việc xây dựng thương hiệu.

Chị cho hay: "Thời tiết ở Lâm Đồng nắng mưa thất thường, hôm nay ngâm bột bánh mà không tráng và phơi ngay lập tức thì coi như lỗ khoảng chục triệu đồng. Việc tiếp cận thị trường cũng rất khó khăn, nhiều hộ gia đình làm thủ công khoảng 1.000 bánh/ngày nhưng không biết cách bảo quản nên việc bị hư hỏng và thiếu hàng liên tục xảy ra".

Để có thêm kiến thức khởi nghiệp, chị Trâm đến nhiều công ty, cơ sở chuyên về sản xuất để học quy trình bảo quản và tìm các loại máy móc phù hợp nhằm hỗ trợ nhiều hộ dân tăng hiệu suất làm bánh tráng. Với sự cải tiến, 1 hộ có thể sản xuất hơn 10.000 bánh tráng/ngày và được phơi trong nhà kính để kiểm soát bụi, tăng độ ẩm đồng đều.

Chị Trâm hỗ trợ bà con cải tiến phương pháp làm bánh tráng đạt hiệu quả. NVCC

Theo chị Trâm, việc thay đổi tư duy kinh doanh của bà con rất khó vì phương pháp làm truyền thống đã tồn tại hơn chục năm, do đó phải làm sao chứng minh mô hình của mình đạt hiệu quả. "Quy trình làm bánh tráng nếu muốn thay đổi gì dù lớn hay nhỏ thì mình cũng phải ngồi xuống làm cùng bà con để chứng minh tính hiệu quả. Làm việc với người dân phải thật lòng, chân chất thì mới tạo dựng nên mối quan hệ lâu dài", chị Trâm cho hay.

Hiện tại, sản lượng tiêu thụ sản phẩm đạt 300 tấn/năm tương đương 1,5 triệu túi bánh tráng trên cả nước và ở một số quốc gia, như: Nhật Bản, Mỹ, Anh, Úc, Thái Lan, Singapore… Đồng thời đặc sản Đơn Dương cũng có hơn 6.000 điểm bán hàng, siêu thị lớn trên toàn quốc.

Nâng tầm đặc sản quê nhà

Để tăng độ nhận diện, chị Trâm đã mang bánh tráng Đơn Dương đến nhiều hội chợ, cuộc thi về khởi nghiệp nông sản, như: vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp xanh năm 2023, hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam năm 2023, triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TP.HCM năm 2023…

Nhận xét về mô hình khởi nghiệp của chị Trâm, ông Nguyễn Đức Trí, Phó chủ tịch UBND xã Lạc Lâm (H.Đơn Dương, Lâm Đồng), cho biết: "Trâm là người mang làn gió mới đến với bà con làng nghề khi đã nâng tầm 4 loại bánh tráng Đơn Dương đạt chứng nhận sản phẩm OCOP vào năm 2023. Từ đó, giúp tạo công ăn việc làm cho người dân, quảng bá đặc sản địa phương đến thị trường trong nước và quốc tế. Tinh thần nhiệt huyết của Trâm đã tạo điều kiện khuyến khích nhiều người trẻ tại địa phương khởi nghiệp và tiềm năng mở rộng nhiều loại đặc sản khác".

Khi được hỏi về những kinh nghiệm khởi nghiệp, cô gái này chia sẻ: "Trước khi khởi nghiệp cần có nền tảng, với những bạn trẻ ra ngoài hoài bão lớn thì cần xem bản thân có đủ sức vì đây là con đường cần sự bền vững, chịu khó vượt qua các khó khăn. Do đó, phải biết cân bằng các vấn đề tài chính, gắn kết nhiều mối quan hệ trong giai đoạn mới bắt đầu khởi nghiệp. Ngoài ra, có thể đồng hành cùng các nhà khởi nghiệp trẻ để có nhiều trải nghiệm thử sức và giải quyết vấn đề trước khi quyết định đi xa hơn".

Bánh tráng Đơn Dương được xuất khẩu qua nhiều quốc gia. NVCC

Theo Thượng Hải/ Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Từ một buổi cà phê "tìm việc vì nghèo", Nguyễn Hạnh Dung, Nguyễn Phan Hiền Linh, Nguyễn Hà Uyên và Hà Diệu Anh (cùng 20 tuổi), là sinh viên năm 3 ngành quản trị marketing chương trình chất lượng cao của Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội) đã mở ra một thương hiệu quà tặng riêng cho các bạn nam.
Cuộc thi Khởi nghiệp Sáng tạo Công nghệ R&D To Start-Up 2024 đã chính thức quay lại với tên gọi mới: Cuộc thi Khởi nghiệp Sáng tạo công nghệ.
Vào trung tuần tháng 7/2024, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và Công ty Cổ phần Dừa nước Việt Nam – VietNipa tổ chức thành công chương trình “HUIT Startup Tour 2024” tại huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Khởi nghiệp không dễ dàng và có thể đối diện thất bại. Vậy người trẻ có nên bước vào thương trường?
Bên cạnh không ít người trẻ khởi nghiệp thành công thì cũng có khá nhiều trường hợp thất bại. Đâu là những lý do khiến nhiều người phải sớm rời khỏi thương trường?
Khao khát tự lập, tích lũy kinh nghiệm và chinh phục thử thách, nhiều bạn trẻ mạnh dạn khởi nghiệp khi còn trên ghế nhà trường
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.