Cô gái khởi nghiệp thành công sau 3 lần thất bại

Trưởng thành sau ba lần khởi nghiệp thất bại, với 4 năm không ngừng cố gắng dẫu chịu áp lực nặng nề, cuối cùng hương trà từ hoa và thảo mộc của cô gái này đã có được “vị ngọt”.

Cô gái khởi nghiệp thành công sau 3 lần thất bại

Cô gái khởi nghiệp thành công với trà từ hoa, thảo mộc. THƯỢNG HẢI

Chọn một thị trường ngách chưa được nhiều người biết đến, chị Lâm Nguyễn Hồng Ngân (34 tuổi, ngụ tại Q.7, TP.HCM) mong muốn mọi người có thể cảm nhận hương vị của trà theo cách vừa gần gũi, vừa hiện đại.

Ba tháng ăn chay và nếm trà để tìm ra một vị ưng ý

Khi còn là sinh viên năm thứ 2 của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, chị Hồng Ngân cảm nhận bản thân cần một môi trường mới để thay đổi nên quyết định làm hồ sơ sang Singapore du học. Ngày chị trở về, với những tư duy học được sau 4 năm và niềm đam mê thử thách bản thân, Hồng Ngân quyết định khởi nghiệp nhưng mỗi dự án đều "chết yểu" vì tồn tại không quá 1 năm.

“Tôi đã từng khởi nghiệp với trang sức bằng đồng, bánh mì, mỹ phẩm organic và cả ba lần đều không thành công. Thời điểm đó tôi còn khá trẻ, có ý tưởng khởi nghiệp thì cứ lao vào làm mà không để ý đến thị trường lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên mọi lý do để thất bại đều có cả”, Hồng Ngân cho hay.

Cô gái khởi nghiệp thành công sau 3 lần thất bại

Chị Ngân từng rất vất vả để đi tìm nguồn nguyên liệu để làm trà. THƯỢNG HẢI

Sau 3 lần vấp ngã, chị làm các công việc khác một thời gian nhưng khát khao khởi nghiệp vẫn còn đó. Đúc rút những bài học, kinh nghiệm sau những lần thất bại ấy, chị Ngân bắt đầu ý tưởng khởi nghiệp làm trà từ hoa và thảo mộc vào cuối năm 2018.

“Từ bé, tôi đã thích uống trà và thức uống này cũng cho tôi biết nhiều ý nghĩa cuộc sống. Để lấy sở thích kinh doanh, tôi đã tìm hiểu và đọc khá nhiều các tài liệu về các loại trà trên thị trường từ châu Âu đến châu Á. Và nhận ra dòng trà blend (trà hỗn hợp) từ các loại hoa, thảo mộc đang rất thịnh hành trên thế giới nhưng tại Việt Nam thì ít phát triển nên tôi đã quyết định chọn đi trên con đường này”, chị Ngân kể.

Thời gian gian đầu, chị Ngân tìm đến các khóa học của nước ngoài về trà blend để tự học cách làm trà và đọc nhiều sách thảo mộc để tìm ra công thức của riêng mình, làm sao để nguyên liệu và hương vị gần gũi, phù hợp với người Việt Nam. Và đó chính là giai đoạn đầy khó khăn của chị Ngân.

Chị Ngân chia sẻ: “Tôi đi tìm các loại hoa, thảo mộc và trái cây sấy làm trà ở nhiều nông trại như: Lâm Đồng, Đà Lạt, Long An, Đồng Tháp… Lúc đó, các vùng nguyên liệu còn hạn chế và rất khó tìm mà phải giám định chất lượng sản phẩm thật kỹ vì có một lần tôi đăng ký kiểm định thì trà chứa nhiều kim loại nặng do nguyên liệu lấy ở vùng đất bị nhiễm phèn”.

Cô gái khởi nghiệp thành công sau 3 lần thất bại

Mỗi một vị trà là quá trình thử nghiệm hết sức công phu của chị Ngân. NVCC

Để kinh doanh được trong siêu thị và các tập đoàn lớn, chị Ngân đã đăng ký kiểm định Vệ sinh an toàn thực phẩm và mỗi năm phải đăng ký mới lại một lần. Nếu mẫu không đạt thì phải kiểm tra lại nguồn nguyên liệu, làm trà lại từ đầu rồi gửi đi kiểm định tiếp tục.

Cô gái khởi nghiệp thành công sau 3 lần thất bại

Sản phẩm trà hoa, thảo mộc của chị Ngân được tham gia triển lãm về Nông Nghiệp và Thực Phẩm tại Hàn Quốc năm 2018. NVCC

Không chỉ vậy, theo chị Ngân việc kết hợp các loại nguyên liệu với nhau để ra hương vị chuẩn cũng rất công phu, một túi trà blend bao gồm hơn 10 loại hoa, thảo mộc khác nhau nên gia giảm tỉ lệ một chút thì vị cũng thay đổi. "Có khi để tìm ra một vị trà ưng ý, mình phải hạn chế gia vị, ăn chay nhiều hơn trong các bữa cho vị giác cân bằng để nếm trà suốt 3 tháng", chị Ngân kể.

Đã có nhiều đối tác quốc tế ký hợp đồng mua sản phẩm

Trong hành trình 4 năm khởi nghiệp của mình thì hết 3 năm chị Ngân dành thời gian để thử nghiệm và xác định con đường định hướng của bản thân. Khoảng thời gian đó, có lúc chị gặp áp lực đến mức tưởng chừng như con đường này đã thất bại.

“Vào thời điểm 2 năm dịch Covid-19, khi toàn thành phố đóng cửa do giãn cách xã hội là lúc tôi áp lực nhất vì không thể giao hàng, mấy tháng liên tục không có doanh thu và nỗi lo về sức khỏe của gia đình, nhân viên. Lúc đó, tôi hầu như mất phương hướng vì không biết khi nào sự khó khăn kết thúc và mình phải đợi đến bao giờ”, chị Ngân bộc bạch.

Cô gái khởi nghiệp thành công sau 3 lần thất bại

Chị Ngân tự hào khi các sản phẩm của mình đã ký hợp đồng với những thương hiệu nổi tiếng. THƯỢNG HẢI

Lúc đó, chị đã chọn quay về con người bên trong, lắng nghe bản thân nhiều hơn và nhờ sự động viên của gia đình, chị quyết định tiếp tục bước đi tiếp trên con đường đầy chông gai. Và đây cũng chính là lúc chị định hướng rõ ràng về sự nghiệp đã chọn, khi tất cả các sản phẩm trà sau này không chỉ có giá trị thưởng thức mà còn chữa lành cho tinh thần bên trong.

Chị Ngân chia sẻ: “Trong giai đoạn dịch bệnh thì tôi có làm hộp trà “Việt Nam phi thường”, với mỗi túi trà là một câu chuyện, lời tri ân đến bác sĩ, công an, bộ đội biên phòng và người lao động. Khi gửi tặng đến 11 bệnh viện thì được mọi người đón nhận rất nhiều, đây chính là động lực để tôi tiếp tục tin yêu vào hành trình khởi nghiệp của mình”.

Hồng Ngân cho rằng sự cố gắng và giá trị xã hội mà doanh nghiệp mang lại có giá trị học hỏi về khởi nghiệp cho người trẻ hơn là nhìn vào doanh thu. THƯỢNG HẢI

Chị Trần Thị Xuân Nhiên (phụ trách mảng nhân sự của Hemilys Tea) cho hay: “Trong công việc chị Ngân hỗ trợ mọi người rất nhiều, chị luôn động viên, tạo cảm giác gần gũi và chú trọng đến trải nghiệm của nhân viên. Vì quý mến tình cảm đó mà tôi đã quyết định gắn bó và đồng hành cùng chị từ khi còn là một khách hàng”.

Đến nay, điều chị Ngân cho rằng mình thành công nhất chính là các sản phẩm trà của mình đã ký được các hợp đồng đặc biệt, không chỉ phân phối toàn quốc mà còn quốc tế như: Vietnam Airlines, VietJet Air, 7Eleven, Samsung, Intel, H&M... góp phần đưa thương hiệu Việt cạnh tranh với quốc tế và làm giàu thêm nền sinh thái địa phương. Và chị không muốn chia sẻ về doanh thu khi cho rằng điều này sẽ không có ý nghĩa vì nhiều người trẻ khi nhìn vào con số doanh thu quá lớn mà vô tình hiểu sai về con đường khởi nghiệp rồi chạy theo sẽ rất nguy hiểm.

“Đối với tôi, việc các doanh nghiệp thể hiện sự thành công qua việc tạo giá trị xã hội và quá trình cố gắng của họ sẽ giúp người trẻ học hỏi được nhiều hơn là qua con số doanh thu. Người trẻ muốn khởi nghiệp hãy dám ước mơ nhưng dự án tạo ra phải thực tế với nhu cầu của thị trường và xây dựng nội lực thật vững chắc. Bở vì trên con đường khởi nghiệp bạn sẽ gặp khá nhiều thử thách từ sự phản đối, từ chối, cô đơn cho đến khó khăn, thiếu thốn nên cần thật mạnh mẽ để giải quyết”, cô gái khởi nghiệp với trà khẳng định.

Theo Thượng Hải/TNO

Tin cùng chuyên mục

Với ý tưởng dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để đánh giá tình trạng kích ứng và dị ứng da đầu, 3 sinh viên từ Trường ĐH RMIT Việt Nam đã vượt qua hơn 5.000 người để đại diện Việt Nam thi đấu tại Anh.
Từng là thủ khoa đầu vào cùng tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc của Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM nhưng Nguyễn Quỳnh Châu bỏ hết lại phía sau, trở về quê khởi nghiệp trồng rau.
Chọn bánh tráng để khởi nghiệp vì không muốn đặc sản quê nhà chỉ là những gói hàng rong không nhãn mác, đến nay, cô gái này đã mang lại thu nhập cho nhiều hộ gia đình và có hơn 6.000 điểm bán hàng trên toàn quốc.
Trước khi chạm đến thành công, nữ thanh niên tỉnh Đắk Nông từng vấp nhiều thất bại trong hành trình khởi nghiệp. Với quyết tâm không từ bỏ, chị đã vươn lên, đoạt giải Nhất cuộc thi khởi nghiệp thanh niên nông thôn toàn quốc.
Với dự án nghiên cứu và phát triển sản phẩm "Sầu riêng ngũ cốc sấy thăng hoa", chị Trần Thị Dịu (tỉnh Đắk Nông) xuất sắc vượt qua 39 thí sinh khác trên cả nước để giành giải nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023 do T.Ư Đoàn tổ chức.
Dù hai người điều hành hãng túi còn rất trẻ (16 và 18 tuổi), tự nhận thiếu kinh nghiệm và được nhiều shark khuyên nên học xong rồi khởi nghiệp, nhưng được shark Phạm Thanh Hưng đầu tư 300 triệu đồng.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề