Bộ GD-ĐT chốt thi tốt nghiệp THPT 4 môn từ năm 2025

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn thí sinh được lựa chọn.

Ngày 28.11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, Bộ GD-ĐT chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn thí sinh được lựa chọn.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT phê duyệt phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. ĐÌNH HUY

Cụ thể, thí sinh sẽ thi bắt buộc môn ngữ văn, toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ). Môn ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm.

Nội dung thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ bám sát mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai chương trình mới.

Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc, theo cách thức chung đề, chung đợt, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí thực hiện phương án thi theo nhiệm vụ được giao cho các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương theo phân cấp của luật Ngân sách nhà nước. Kinh phí thực hiện kỳ thi còn dựa vào nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Giai đoạn 2025 - 2030, giữ ổn định phương thức thi trên giấy.

Giai đoạn sau năm 2030 sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Sẽ nghiên cứu lộ trình để giao kỳ thi về cho các địa phương

Trong quyết định 4068, Bộ GD-ĐT cũng cho biết, Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu theo lộ trình, tiêu chí để xây dựng thư viện/ngân hàng đề thi chung. 

Khi đủ điều kiện để thực hiện phân cấp cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp THPT thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay. 

Trong quá trình triển khai thực hiện, tùy theo điều kiện thực tế có thể điều chỉnh để bảo đảm phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước.

Vì sao Bộ GD-ĐT chọn phương án 2 + 2 ?

Lý do chọn tổ chức thi phương án 2 + 2, theo Bộ GD-ĐT, nhằm bảo đảm được một số yêu cầu. Trong đó, yêu cầu số một là giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm chi phí cho gia đình học sinh, xã hội (hiện nay thi 6 môn); giảm được 1 buổi thi, xuống còn 3 buổi.

Lý do thứ 2 là không gây nên sự mất cân bằng giữa việc chọn khối khoa học xã hội nhiều hơn khoa học tự nhiên như hiện nay. Bộ GD-ĐT dẫn chứng, tỷ lệ thí sinh chọn tổ hợp khoa học xã hội của 3 năm gần đây trong kỳ thi tốt nghiệp THPT trên tổng số hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi như sau: năm 2021 chiếm 64,72%; năm 2022 chiếm 66,96%; năm 2023 chiếm 67,64%. Điều này tạo điều kiện để giúp thí sinh phát huy năng lực sở trường theo đúng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đối với 9 môn học thí sinh được lựa chọn để dự thi, gồm: ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ, Bộ GD-ĐT cho rằng, các môn học này đã có kiểm tra, đánh giá, có thể hiện điểm số vào học bạ; trong quá trình dạy học, học sinh đã được đánh giá quá trình học tập một cách toàn diện.

Việc thí sinh được chọn 2 môn trong số 9 môn học này, theo Bộ GD-ĐT, sẽ có 36 cách thức lựa chọn khác nhau, tạo điều kiện để thí sinh lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp, năng lực, sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.

Theo Tuệ Nguyễn - Quý Hiên/ Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Nếu thí sinh thực sự mong muốn theo học các trường khối công an, thí sinh phải đăng ký đó là nguyện vọng 1 trên hệ thống xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển ngành Quân sự cơ sở năm 2024 của Trường Sĩ quan Lục quân 1 và Trường Sĩ quan Lục quân 2: Đào tạo Đại học: 15,0 điểm; Đào tạo Cao đẳng: 10,0 điểm.
Điểm sàn chỉ với mức 15 điểm cùng nhiều gói học bổng hấp dẫn đang là “điểm nhấn” của các trường đại học tốp dưới nhằm tạo cơ hội cho các thí sinh trong cuộc chạy đua tuyển sinh năm nay.
Các trường ĐH đồng loạt công bố điểm sàn theo phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Mức điểm nhận hồ sơ được ghi nhận ở các trường hiện dao động từ 15 - 24 điểm. Liệu có ngành nào điểm chuẩn trúng tuyển sẽ bằng với mức điểm nhận hồ sơ?
Hàng loạt ngành học ở nhiều trường đại học tại TP.HCM lấy điểm sàn chỉ từ 15, theo tổ hợp ba môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Trong thời điểm này, một số trường ĐH thông báo tiếp tục nhận đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ và điểm thi đánh giá năng lực trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này là đúng hay sai?
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề