Anh sẽ không cấp visa cho sinh viên quốc tế nếu không học ĐH hàng đầu?

Tờ The Times (Anh) loan tin sinh viên quốc tế muốn học tập tại Vương quốc Anh có thể không được cấp visa (thị thực) nếu họ không được nhận vào “một ĐH hàng đầu”.

Các bộ trưởng được cho là đang thảo luận một số biện pháp nhằm giảm bớt số lượng người di cư, bao gồm sinh viên quốc tế, đến Vương quốc Anh, theo tờ The Times.

Một trong số những biện pháp được cho là không cấp visa (thị thực) cho du học sinh nếu họ không được nhận vào “một ĐH hàng đầu” của Anh. Đây được cho là giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng sinh viên quốc tế đến Anh vì mục tiêu nhập cư hoặc làm việc kiếm tiền nên chỉ đăng ký vào những cơ sở đào tạo chất lượng thấp.

Bên cạnh đó, các bộ trưởng Anh được cho là thảo luận quy định hạn chế số lượng thành viên gia đình đi cùng sinh viên quốc tế.

Chính phủ Anh được cho là đang tìm kiếm biện pháp nhằm giảm mức “di dân ròng” và điều này có thể ảnh hướng đến những sinh viên quốc tế muốn đến nước này học tập. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH CNBC

Động thái này diễn ra sau khi Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh hôm 24.11 công bố số liệu cho thấy “di dân ròng” đạt mức kỷ lục, 504.000 người.

“Di dân ròng” là khái niệm chỉ sự chênh lệch giữa quy mô người chuyển đến và quy mô người di chuyển đi. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh, từ tháng 6.2021-6.2022, có gần 1,1 triệu người đến Anh và 560.000 người di cư khỏi nước này. Từ đó, mức “di dân ròng” được tính là 504.000 người, cao gấp 3 lần so với 12 tháng trước đó.

Phản ứng trước thông tin trên, ông Steve West, người đứng đầu tổ chức Universities UK (đại diện cho các ĐH ở Anh), cảnh báo bất kỳ động thái nào nhằm hạn chế số lượng sinh viên nước ngoài sẽ buộc một số ĐH phải đóng cửa. Theo ông West, không ít ĐH ở Anh đang phải phụ thuộc vào nguồn thu học phí từ du học sinh, chứ không phải sinh viên nội địa.

Bên cạnh đó, nếu kế hoạch hạn chế số lượng du học sinh được tiến hành thì điều này đi ngược lại với chiến lược Tăng trưởng quốc tế của chính phủ từ năm 2019.

Cụ thể, chiến lược Tăng trưởng quốc tế đặt mục tiêu đến năm 2030, mỗi năm số lượng sinh viên quốc tế học tập tại Anh tăng lên đến 600.000 người. Theo Cơ quan Thống kê Giáo dục đại học, Anh đã đạt được mục tiêu đề ra trong năm học 2020-2021 khi có hơn 605.000 sinh viên quốc tế đến nước này học tập.

Một người phát ngôn của Bộ Nội vụ Anh tuyên bố sẽ không đưa ra bất kỳ bình luận nào liên quan đến thông tin "suy đoán" cho rằng Anh sẽ hạn chế số lượng sinh viên nước ngoài, theo đài CNBC.

Dù vậy, Bộ Nội vụ Anh đưa ra một tuyên bố của Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman.

Bà Braverman lưu ý “di dân ròng” đạt mức kỷ lục là "điều có thể hiểu được" khi có nhiều người đến Anh kể từ khi chiến sự Ukraine bùng nổ từ hồi tháng 2, cuộc di tản ở Afghanistan... nhưng công chúng "có quyền mong đợi" số lượng người di cư đến Anh sẽ giảm theo thời gian.

“Mức độ di dân ròng này gây áp lực lên dịch vụ nhà ở, y tế, giáo dục cùng những dịch vụ công khác. Chúng tôi phải đảm bảo có biện pháp bền vững, cân bằng và có kiểm soát. Đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục xem xét các chính sách nhập cư”, bà Braverman cho biết trong tuyên bố.

Theo Bộ trưởng Braverman, ưu tiên của bà vẫn là tập trung giải quyết tình trạng vượt biên, nhập cư trái phép, lạm dụng lỗ hổng trong chính sách nhập cư. “Điều quan trọng là chúng tôi phải khôi phục niềm tin của công chúng và tăng cường kiểm soát biên giới”, bà Braverman chia sẻ.

Theo Thuận Hòa/TNO

Tin cùng chuyên mục

Bộ Giáo dục Anh vừa công bố dữ liệu cho thấy số lượng học sinh bị đình chỉ học tập trong năm học 2022-2023 đã tăng cao kỷ lục, hơn 787.000.
Từ năm 2024, nhiều trường học tại Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông... đồng loạt tăng học phí với du học sinh vì nhiều nguyên nhân. Đã có trường hợp sinh viên biểu tình phản đối trước động thái này.
Nằm trong khuôn khổ chương trình INTENSE (chương trình đặc biệt giáo dục tài năng công nghiệp quốc tế) của Đài Loan, một số trường CĐ, ĐH đã ký kết hợp tác với trường ĐH ở Đài Loan để cấp học bổng đào tạo người học ở lĩnh vực bán dẫn và tài chính.
Nhiều quy định khác của chính phủ Úc nhằm thắt chặt thị thực (visa) cũng bắt đầu có hiệu lực, như hạn chế tình trạng nhảy visa, điều chỉnh độ tuổi tối đa được xin visa làm việc sau tốt nghiệp hay giảm thời gian ở lại làm việc khi du học Úc.
Nếu con số trên tiếp tục duy trì đến hết tháng 6 này thì 2023-2024 sẽ là năm tài chính đầu tiên Việt Nam chứng kiến tỷ lệ bị Úc từ chối cấp visa du học cao nhất sau 18 năm.
Dữ liệu từ cơ quan giáo dục Nhật Bản cho thấy người Việt ngày càng kém mặn mà với du học Nhật, khi du học sinh liên tục giảm và lần đầu đứng thứ 3 về số lượng sau 9 năm duy trì vị trí số 2.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề