Ấn Độ không còn buộc nghiên cứu sinh tiến sĩ viết bài báo đăng tạp chí

Cơ quan quản lý giáo dục đại học (UGC) của Ấn Độ vừa bỏ quy định buộc nghiên cứu sinh tiến sĩ phải có bài báo được đăng trên tạp chí bình duyệt mới được cấp bằng tiến sĩ.

Theo quy định trước đây, UGC yêu cầu nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Ấn Độ phải có ít nhất một bài báo đăng trên tạp chí bình duyệt hoặc hội thảo trước khi bảo vệ luận văn tiến sĩ.

Tuy nhiên, theo quy định mới được điều chỉnh về tiêu chuẩn và quy trình cấp bằng tiến sĩ công bố đầu tháng 11, UGC đã hủy bỏ quy định kể trên.

UGC bày tỏ kỳ vọng động thái này sẽ giúp giảm bớt áp lực trong môi trường nghiên cứu, đồng thời hạn chế tình trạng viết thuê, theo trang tin University World News.

“Thay vì loay hoay tìm cách để bài báo được đăng tải trên tạp chí bình duyệt chuyên ngành, giờ đây các nghiên cứu sinh tiến sĩ chỉ cần tập trung vào nghiên cứu của mình”, quan chức đứng đầu UGC Mamidala Jagadesh Kumar cho biết.

Một số học giả chỉ ra rằng việc hủy bỏ quy định kể trên là phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu bởi vì việc công bố bài báo trên tạp chí bình duyệt trước khi nhận bằng tiến sĩ không phải là điều bắt buộc tại đa số quốc gia trên thế giới.

Ấn Độ bỏ quy định buộc nghiên cứu sinh tiến sĩ phải có bài báo được đăng trên tạp chí bình duyệt mới được cấp bằng tiến sĩ. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH TFIPOST

Cuộc khảo sát mới đây của UGC với 2.573 học giả khắp Ấn Độ cho thấy việc yêu cầu có bài báo đăng tạp chí không giúp ích gì trong việc duy trì chất lượng nghiên cứu tại ĐH.

 

Các học giả và nghiên cứu sinh tiến sĩ cho rằng động thái mới của UGC góp phần đẩy lùi tình trạng nhà nghiên cứu chi tiền cho những tạp chí không uy tín để bài báo được đăng tải.

Trong nghiên cứu công bố năm 2018, giáo sư Bhushan Patwardhan của ĐH Pune (Ấn Độ) phát hiện 88% tạp chí được UGC phê duyệt và các ĐH khuyến nghị là không đạt tiêu chuẩn hoặc "khả nghi".

Ông Bhushan Patwardhan cho rằng xu hướng đánh đồng chất lượng nghiên cứu và danh tiếng của một nhà khoa học với số lượng trích dẫn bài báo khoa học là một vấn đề đáng lo ngại.

Trong khi đó, một số học giả vẫn giữ quan điểm cho rằng danh tiếng của nhà nghiên cứu và ĐH phải dựa vào số lượng bài báo khoa học được công bố và trích dẫn.

Ngoài ra, UGC thay đổi quy định, cho phép sinh viên tốt nghiệp chương trình ĐH 4 năm có thể đăng ký làm nghiên cứu tiến sĩ, với điều kiện điểm toàn khóa phải đáp ứng yêu cầu đưa ra.

Số liệu mới công bố gần đây của Bộ Giáo Ấn Độ cho thấy số lượng người đăng ký làm nghiên cứu tiến sĩ ở nước này tăng từ 126.451 vào năm học 2015-2016 lên 202.550 trong năm học 2019-2020.

Theo Thuận Hòa/TNO

 

Tin cùng chuyên mục

Bộ Giáo dục Anh vừa công bố dữ liệu cho thấy số lượng học sinh bị đình chỉ học tập trong năm học 2022-2023 đã tăng cao kỷ lục, hơn 787.000.
Từ năm 2024, nhiều trường học tại Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông... đồng loạt tăng học phí với du học sinh vì nhiều nguyên nhân. Đã có trường hợp sinh viên biểu tình phản đối trước động thái này.
Nằm trong khuôn khổ chương trình INTENSE (chương trình đặc biệt giáo dục tài năng công nghiệp quốc tế) của Đài Loan, một số trường CĐ, ĐH đã ký kết hợp tác với trường ĐH ở Đài Loan để cấp học bổng đào tạo người học ở lĩnh vực bán dẫn và tài chính.
Nhiều quy định khác của chính phủ Úc nhằm thắt chặt thị thực (visa) cũng bắt đầu có hiệu lực, như hạn chế tình trạng nhảy visa, điều chỉnh độ tuổi tối đa được xin visa làm việc sau tốt nghiệp hay giảm thời gian ở lại làm việc khi du học Úc.
Nếu con số trên tiếp tục duy trì đến hết tháng 6 này thì 2023-2024 sẽ là năm tài chính đầu tiên Việt Nam chứng kiến tỷ lệ bị Úc từ chối cấp visa du học cao nhất sau 18 năm.
Dữ liệu từ cơ quan giáo dục Nhật Bản cho thấy người Việt ngày càng kém mặn mà với du học Nhật, khi du học sinh liên tục giảm và lần đầu đứng thứ 3 về số lượng sau 9 năm duy trì vị trí số 2.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề