Vật vã đăng kí thi đánh giá năng lực

Chỉ có 52.000 chỗ thi trong 3 đợt đầu kì thi đánh giá năng lực năm 2024 nhưng có thời điểm gần 100.000 người vào hệ thống. Do đó hôm qua, hàng nghìn phụ huynh, thí sinh chớp cơ hội giành suất dự kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) của Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực năm 2023. Ảnh: Diệp An

Để yên tâm đăng kí dự kỳ thi HSA của ĐH Quốc gia Hà Nội khi hệ thống mở cổng, chị Nguyễn Thị Thanh Dung (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã tìm hiểu và hướng dẫn con trai (đang học lớp 12, Trường THCS&THPT Alfred Nobel, Hà Nội) tạo tài khoản trên hệ thống theo yêu cầu. Biết được thông tin 9h ngày 18/2, ĐH Quốc gia Hà Nội mở cổng đăng kí, hai mẹ con chị sẵn sàng 2 điện thoại smartphone, cùng với 1 laptop chầu chực trước màn hình từ 8h30. Nhưng từ 9h kém, hệ thống đăng kí trực tuyến của ĐH Quốc gia Hà Nội “chết lâm sàng”, nên mẹ con chị Dung không thể đăng kí. Bực bội hơn, nếu máy nào thoát ra khỏi hệ thống là không vào được nữa. Vừa ăn trưa vừa canh hệ thống nhưng phải đến 15h30 hôm qua, mẹ con chị Dung mới đăng kí thành công tham dự kỳ thi HSA đợt 2 vào ngày 7/4 tại điểm thi Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội. “Mất gần 1 ngày ngồi chờ mệt mỏi, căng thẳng. Thật đúng là hết hồn vì đăng kí dự thi đánh giá năng lực”, chị Dung cho hay.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Nguyên (Nam Định) cho biết, đến 16h00 hôm qua, anh và con gái mới đăng kí thành công đợt 3 (ngày 20-21/4) tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định sau 7 tiếng thao tác, chờ đợi.

Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, nhiều phụ huynh cũng phàn nàn về tình trạng nghẽn mạng ảnh hưởng đến tâm lí thí sinh khi đăng kí dự thi HSA. Có phụ huynh còn cho biết phải huy động cả nhà cùng tham gia trực chiến nhưng vẫn phải mất 6 tiếng sau khi ĐH Quốc gia Hà Nội mở cổng mới đăng kí được.

Kết thúc ngày đầu tiên đăng kí, số lượng thí sinh đăng kí đạt gần 100% chỉ tiêu mà Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội đưa ra cho 3 đợt thi đầu tiên.

Năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức 6 đợt thi HSA. Trong đó, 3 đợt thi đầu gồm đợt thi 401 (mã do ĐH Quốc gia Hà Nội quy định, thí sinh lựa chọn ca thi trong 2 ngày 23-24/3); đợt thi 402 (thi ngày 6-7/4); đợt thi 403 (thi ngày 20-21/4). Các đợt thi này, ĐH Quốc gia Hà Nội mở cổng cho thí sinh đăng kí từ 9h00 ngày 18/2 và hệ thống sẽ đóng lại trước khi diễn ra kì thi 14-18 ngày tùy tình hình thí sinh đăng kí. Đợt thi 402 có các ca thi vào ngày thi 6/4 trùng vào đợt khảo sát học sinh lớp 12 toàn thành phố của Sở GD&ĐT Hà Nội nên phụ huynh học sinh khá căng thẳng khi lựa chọn các ca thi còn lại cho con. Một số thí sinh còn không muốn tham gia thi đợt đầu (401) vì thời điểm đó thí sinh chưa học xong kiến thức lớp 12 nên muốn tập trung đăng kí 2 đợt thi còn lại. Các đợt thi tiếp theo (404 - 406), ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ mở cổng đăng kí ngày 6/3.

Về thời gian và địa điểm thi, năm nay, kỳ thi HSA của ĐH Quốc gia Hà Nội được tổ chức thi từ 23/3 đến 2/6 tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Số lượng thí sinh truy cập quá tải

Trao đổi với phóng viên, hôm qua, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội xác nhận tình trạng thí sinh không vào được trang web để đăng ký thi. Theo ông Thảo, 3 đợt thi đầu tiên của năm 2024 thiết kế phục vụ trên 51.500 lượt thi tại 17 địa điểm thi. Đến 9h25 hôm qua, số lượt truy cập ghi nhận trên 96.200 tài khoản, vượt hơn 30.000 thí sinh, dẫn đến hệ thống bị nghẽn mạng. Trung tâm Khảo thí đã có khuyến nghị các thí sinh xếp hàng đợi đăng ký hoặc trở lại đăng ký sau.

Ông Thảo cũng chia sẻ đợt thi HSA 401 diễn ra ngày 23 - 24/3 tới tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Dương, Nam Định. Ông Thảo lưu ý thí sinh chỉ được mang vật dụng vào phòng thi gồm: Thẻ căn cước; 1 quyển Atlat địa lý Việt Nam (không có thêm bất kỳ ký tự nào khác); 1 máy tính đơn giản cầm tay không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ để lưu dữ liệu, không có chức năng thu phát truyền tin mà chỉ thực hiện được các phép tính số học, các phép tính lượng giác và các phép tính đơn giản.

Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, nhiều phụ huynh cũng phàn nàn về tình trạng nghẽn mạng ảnh hưởng đến tâm lí thí sinh khi đăng kí dự thi HSA. Có phụ huynh còn cho biết phải huy động cả nhà cùng tham gia trực chiến nhưng vẫn phải mất 6 tiếng sau khi ĐH Quốc gia Hà Nội mở cổng mới đăng kí được.

90 trường sử dụng kết quả kỳ thi của ĐH QGHN

Theo đại diện Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, hiện khoảng 90 trường ĐH có sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của đơn vị này để xét tuyển, trong đó có 17 trường thuộc khối quân đội.

Về cấu trúc đề, bài thi đánh giá năng lực này sẽ làm trên máy tính với thời gian từ 195 - 199 phút, gồm 3 phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án) và câu hỏi điền đáp án về các lĩnh vực Toán học (50 câu hỏi, 75 phút), Văn học - Ngôn ngữ (50 câu hỏi, 60 phút), Khoa học tự nhiên - xã hội (50 câu hỏi, 60 phút). Riêng phần 1 và phần 3 sẽ có thêm 1-3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm. Như vậy, mỗi đợt thi trong 2 ngày sẽ có 4 ca thi.

Hệ thống cho phép thí sinh đăng ký tối đa 2 lượt thi/năm (tính đến ngày 31/12). Hai lượt thi cách nhau liền kề tối thiểu 28 ngày.

Ông Thảo lưu ý thêm, thí sinh cần đọc kỹ hướng dẫn và cân nhắc kỹ trước khi nộp lệ phí thi. Sau 96 giờ kể từ khi đăng ký thành công trên hệ thống, ca thi sẽ tự động hủy nếu thí sinh không hoàn thành việc nộp lệ phí. Thí sinh lựa chọn ca thi HSA tránh trùng lịch thi học kỳ của trường trung học phổ thông hoặc lịch thi của các Sở GD&ĐT tổ chức vào đầu tháng tư hằng năm. Lịch thi kỳ thi đánh giá năng lực có thể thay đổi và thông báo tới thí sinh trước 14 ngày thi.

Ngoài ra, thí sinh cần tra cứu kết quả thi và nhận Giấy chứng nhận kết quả thi sau 14 ngày dự thi. Giấy chứng nhận kết quả được gửi qua đường thư bảo đảm theo địa chỉ và số điện thoại khai báo tại tài khoản đăng ký thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Theo Nghiêm Huê/ Tiền Phong

 

Tin cùng chuyên mục

Bám sát sự thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số trường ĐH đã công bố định hướng tuyển sinh cho năm sau.
PGS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa TPHCM - cho hay phương án tuyển sinh chủ đạo năm tới của trường là xét tuyển kết hợp với nhiều tiêu chí.
Hàng loạt trường đại học sau các đợt xét tuyển bổ sung đến nay vẫn còn thiếu cả ngàn chỉ tiêu. Nhiều trường quyết định khép lại mùa tuyển sinh 2024 do cạn nguồn tuyển.
Năm 2025, hình thức tuyển sinh vào các trường ĐH sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Đáng chú ý, các kỳ thi riêng phục vụ tuyển sinh có những điều chỉnh quan trọng về cấu trúc đề thi và cho phép thí sinh lựa chọn môn thi.
Từ năm 2025, kì thi tốt nghiệp THPT có nhiều thay đổi khi thí sinh chỉ thi 4 môn bắt buộc thay vì 6 môn như hiện nay. Chính vì vậy, việc tuyển sinh của Đại học Bách khoa Hà Nội cũng sẽ có những thay đổi cho phù hợp với thực tế.
ĐH Mở TP.HCM thông báo tuyển sinh đại học chính quy bổ sung năm 2024 cho 6 ngành học với 150 chỉ tiêu.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.