Ngày 14-12, Trường ĐH Luật TP HCM công bố thông tin tuyển sinh năm 2024. Theo đó, trường sử dụng 2 phương thức xét tuyển là xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (55% tổng chỉ tiêu) và tuyển thẳng, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển (45% tổng chỉ tiêu).
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo, cho biết phương thức kết hợp đánh giá thí sinh với 3 yếu tố: học tập (với các điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM, điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ THPT), thành tích học tập/khoa học và hoạt động văn thể mỹ - đóng góp cộng đồng. Về năng lực học tập, thành phần điểm thi đánh giá năng lực chiếm tỉ trọng cao nhất.
Qua theo dõi trong vài năm gần đây, kết quả thi đánh giá năng lực và kết quả học tập trong trường có mối tương quan tốt, thể hiện được tính hợp lý của kỳ thi đánh giá năng lực trong tuyển sinh ĐH. Các phương thức khác gồm: học sinh giỏi quốc gia; học sinh giỏi ở các trường THPT trong danh sách của ĐHQG TP HCM, học sinh giỏi đứng đầu các trường THPT; chứng chỉ tuyển sinh quốc tế cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh; kết hợp học tập và phỏng vấn cho chương trình chuyển tiếp quốc tế.
Những năm qua, hầu hết các trường ĐH đưa ra nhiều phương thức xét tuyển để tuyển sinh. Trong đó, phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là chủ lực, chiếm phần lớn tỉ lệ tuyển sinh.
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là kỳ thi chung ở tầm quốc gia. Dù đề thi những năm gần đây có xu hướng dễ hơn nhưng trường vẫn muốn sử dụng để xét tuyển. Bởi lẽ, mọi học sinh lớp 12 muốn thi để xét tốt nghiệp hay dùng để xét tuyển ĐH đều phải thi.
Năm 2024 - năm cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình cũ, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM vẫn sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Với các phương thức xét tuyển khác - như đã sử dụng trong năm 2023, trường vẫn giữ ổn định trong kỳ tuyển sinh năm 2024.
Tại Trường ĐH Công Thương TP HCM, năm 2024 vẫn ổn định 4 phương thức xét tuyển như các năm trước. Trong đó, phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm 50% - 60% tổng chỉ tiêu.
Đại diện nhiều trường ĐH khác tại TP HCM cũng cho biết kỳ tuyển sinh năm 2024 vẫn giữ ổn định về các phương thức xét tuyển, trong đó có xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT, để tránh gây xáo trộn, gây tâm lý hoang mang cho thí sinh. Việc điều chỉnh phương thức tuyển sinh sẽ được tính toán cho kỳ tuyển sinh năm 2025 và các năm sau.
Nhiều ngành mới bám sát nhu cầu nhân lực
Năm 2024, nhiều trường ĐH tiếp tục mở thêm các ngành mới nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và thị trường lao động.
Theo ThS Hứa Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp - Trường ĐH Hùng Vương (TP HCM), năm 2024, trường dự kiến mở các ngành: kinh doanh quốc tế, ngôn ngữ Hàn Quốc, công nghệ tài chính, tài chính quốc tế, hệ thống nhúng và IoT, tâm lý học, luật kinh tế, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, điều dưỡng. Ngoài ra, năm 2024, bên cạnh chương trình đại trà, trường có thêm 3 chương trình mới là đặc thù, tiên tiến và liên kết.
Tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, năm 2024 có một số chuyên ngành mới gồm: thiết kế vi mạch, digital marketing. Trường cũng có thêm một số chương trình đào tạo tăng cường tiếng Anh và tiếng Anh toàn phần.
Tại ĐHQG TP HCM, Hội đồng Khoa học và Đào tạo đã đồng ý chủ trương mở 2 ngành thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn ở 3 trường ĐH thành viên là Bách khoa, Khoa học Tự nhiên, Công nghệ Thông tin.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng cho biết dự kiến Trường ĐH Bách khoa sẽ mở thêm 3 ngành: thiết kế vi mạch, kinh tế xây dựng, địa kỹ thuật xây dựng. Đây là các ngành đáp ứng nhu cầu mới của đất nước (vi mạch), phát triển kinh tế (kinh tế xây dựng) và bảo đảm hạ tầng cơ sở vật chất (địa kỹ thuật xây dựng).
Ngoài ra, Trường ĐH Bách khoa sẽ tuyển sinh thêm các chuyên ngành hấp dẫn mới là hóa dược (mở lại), hóa mỹ phẩm (phát triển từ hướng ngành hẹp đã có, được đầu tư cơ sở vật chất mạnh và sự phối hợp xây dựng chương trình đào tạo với sự hỗ trợ từ dự án của chính phủ Hàn Quốc), quản lý dự án xây dựng (đã đào tạo bậc thạc sĩ). Đây là các chuyên ngành thế mạnh của nhà trường, đã được doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng.
Tính phương án tuyển sinh năm 2025
Năm 2025, Trường ĐH Nha Trang không sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển mà xét tuyển kết hợp kết quả học bạ THPT với kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM tổ chức. TS Tô Văn Phương, Trưởng Phòng Đào tạo nhà trường, cho biết với phương thức xét tuyển này, trường đã nghiên cứu và đưa ra định hướng tuyển sinh từ năm 2025 sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chỉ còn 4 môn.