Trường đại học mò mẫm tìm phương án tuyển sinh theo chương trình mới

Ở phương án tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhiều trường đang tính toán lại tổ hợp môn để thuận lợi cho thí sinh.

Năm 2025, lứa học sinh đầu tiên của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT với nhiều đổi mới về nội dung và hình thức. Từ đây, các trường đại học (ĐH) cũng có những điều chỉnh phương án tuyển sinh phù hợp.

Giảm phương thức xét tuyển

Theo báo cáo của ĐH Quốc gia TP.HCM, năm 2024, ĐH này sử dụng 4 phương thức tuyển sinh chính và một số phương án tuyển sinh xét tuyển riêng.

Trong đó, thí sinh nhập học cao nhất ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT (42,71%), kế đến là xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức (38,11%).

Các phương thức khác có tỉ lệ nhập học thấp như xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT, ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM, ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM…

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết năm 2025 ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ giảm bớt các phương thức tuyển sinh ĐH.

Theo đó, ĐH Quốc gia TP.HCM thống nhất chủ trương thực hiện 3 phương thức tuyển sinh ĐH: xét tuyển thẳng, xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức và xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT.

Cạnh đó, ĐH Quốc gia TP.HCM khuyến khích các đơn vị xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp.

Cùng với thay đổi này, ĐH Quốc gia TP.HCM thông tin thêm, năm 2025 các lĩnh vực then chốt cần được tập trung trong đào tạo và tuyển sinh gồm: công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và các ngành đào tạo liên ngành, liên trường.

ĐH Quốc gia TP.HCM xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chung toàn hệ thống. Các đơn vị tự chủ trong xác định, lựa chọn các tiêu chí xét tuyển và phương thức triển khai phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ông Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu trường, cho biết phương án tuyển sinh dự kiến giữ ổn định 5 phương thức, tránh gây xáo trộn cho thí sinh.

Với xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường dự kiến điều chỉnh tổ hợp môn xét tuyển để đảm bảo quyền lợi cho tất cả thí sinh muốn đăng ký.

Với kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính (V-SAT), ngoài Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, kỳ thi dự kiến mở rộng 30 trường cùng sử dụng kết quả này để xét tuyển. Chỉ tiêu cho phương thức này trường sẽ cân nhắc ở mức phù hợp.

Đáng chú ý, dự kiến kỳ thi này sẽ thêm môn mới là Ngữ văn, nâng tổng số môn thi lên 8 môn, tạo thuận lợi cho thí sinh muốn xét tuyển ở nhiều khối thi.

Học sinh tìm hiểu thông tin ngành nghề ở trường đại học tại TP.HCM. Ảnh: P.ANH

Nghiên cứu thêm phương án xét tuyển

Điểm đáng chú ý nhất năm 2025 là kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được đổi mới khi số môn thi ít hơn và xuất hiện những môn mới.

Điều này tác động lớn đến phương án tuyển sinh của các trường ĐH vì đa số các trường sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT làm phương thức chủ đạo.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc trung tâm Tuyển sinh và truyền thông - Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho biết trường đang nghiên cứu thêm phương án mới cho xét tuyển ĐH năm 2025. Trong đó, dự kiến thêm phương thức xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Trường đang làm việc và dự định sẽ ký kết hợp tác với Trường ĐH sư phạm TP.HCM để làm một điểm thi.

Cạnh đó, trường dự kiến tiếp tục dành 50-60% chỉ tiêu cho xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT năm 2025. Đáng chú ý, trường sẽ giảm chỉ tiêu cho xét tuyển bằng học bạ THPT lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 xuống còn 15-20%.

Số chỉ tiêu còn lại sẽ dành cho xét tuyển thẳng, xét điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, xét tuyển điểm đánh giá năng lực chuyên biệt của ĐH Sư phạm TP.HCM.

Với thay đổi thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Thạc sĩ Sơn cho biết Toán sẽ là môn chính để xét tuyển cho các ngành (trừ ngành Luật kinh tế, Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung Quốc là xét tuyển môn chính bằng môn Văn). Còn 2 môn khác trong tổ hợp 3 môn thì trường đang nghiên cứu kỹ về chương trình lớp 10, 11 và 12 để chọn lựa.

Ngoài ra, trường sẽ đưa môn Tin học vào trong các khối xét tuyển của các ngành thuộc khoa Công nghệ thông tin, ví dụ như công nghệ thông tin, an toàn thông tin, khoa học dữ liệu.

Trường cũng quyết định với một ngành sẽ có 4 tổ hợp môn học. Ví dụ, ngành Công nghệ thông tin dự kiến là tổ hợp A00, A01, D01 và tổ hợp mới là khối Toán – tiếng Anh - Tin học.

Riêng môn tiếng Anh, trường đang xem xét sẽ xét tuyển thẳng theo các chứng chỉ IELTS, TOEIC, TOEFL, Aptis, B1, Linguagskill...

Còn với Trường ĐH Luật TP.HCM, một đại diện trường cho biết, năm 2025 trường dự kiến sẽ mở thêm 2 ngành mới nên sẽ tăng chỉ tiêu tuyển sinh.

Về phương án tuyển sinh, theo vị này, trường đang bàn thảo kế hoạch tuyển sinh năm 2025 sao cho phù hợp với thực tế. Trong đó, dự kiến có 3 phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng và xét tuyển sớm; xét điểm thi đánh giá năng lực (sử dụng kỳ thi của ĐH Quốc gia TP.HCM hoặc kỳ thi đánh giá đầu vào trên máy tính do nhóm trường ĐH tại TP.HCM hợp tác sử dụng chung kết quả); xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Đặc biệt, năm học này là năm đầu tiên đổi mới thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới với số môn thi ít hơn và xuất hiện những môn mới, do đó trường dự kiến mỗi ngành sẽ gồm 4 tổ hợp môn, mỗi tổ hợp có 3 môn nhưng gồm những môn nào thì trường đang tính toán.

Theo vị này, hiện trường vẫn đang chờ thông tin chính thức từ Bộ GD&ĐT về phương hướng tuyển sinh chung cho năm 2025 và cấu trúc lại tổ hợp môn. Khi đó mới có cơ sở đưa ra phương án cụ thể cho từng phương thức.

Theo một cán bộ phụ trách tuyển sinh tại một trường ĐH ở TP.HCM, với số môn thi tốt nghiệp ít và thêm các môn mới như năm nay, khả năng phương án tuyển sinh nhiều trường sẽ giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT vì việc xác định tổ hợp môn khó cho thí sinh. Bởi thí sinh thi 4 môn thì chỉ có 2 tổ hợp để xét tuyển trong khi mọi năm thi 6 môn sẽ có nhiều tổ hợp xét tuyển nhiều ngành.

Tuy nhiên, ít môn thi sẽ giúp thí sinh có định hướng nghề nghiệp tốt hơn bằng việc xác định môn thi rõ ràng để vừa xét tốt nghiệp vừa dùng xét tuyển ĐH, nhất là với các trường xét điểm thi tốt nghiệp chiếm tỉ trọng lớn.

Về phía trường ĐH cũng sẽ mở rộng phương thức xét tuyển hoặc có cách xét tuyển kết hợp để tăng nguồn tuyển và đảm bảo chất lượng tuyển sinh.

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 gồm 2 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Kỳ thi diễn ra trong 3 buổi thi và sẽ có 2 nhóm đề thi: Đề thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (dành cho thí sinh thi lại) và đề thi dành cho thí sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo Phạm Anh/ Pháp luật TP.HCM

Tin cùng chuyên mục

Theo các nhà giáo, hiện nay học sinh đang “chạy” theo nhiều kỳ thi riêng, ôn thi các loại chứng chỉ rất vất vả, áp lực, tốn kém... Mặt khác, điều này cũng khiến học sinh vùng khó khăn thiệt thòi vì giảm cơ hội tuyển sinh vào các trường mong muốn.
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc thiết kế phương án thi, trong đó các môn thi lựa chọn đều thi trong thời gian 50 phút sẽ khó đánh giá được đúng năng lực của người học.
Với những dự kiến thay đổi lớn về phương thức xét tuyển, quy đổi điểm về một thang điểm chung trong đợt xét tuyển chung với điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm sàn khối ngành sức khỏe và sư phạm..., nhiều trường đã lên kịch bản điều chỉnh các phương án xét tuyển để không bị động nếu như những thay đổi của quy chế tuyển sinh năm 2025 được áp dụng trong năm nay.
Nhiều ý kiến đề nghị bỏ xét tuyển sớm để tạo công bằng cho thí sinh nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ cân nhắc việc này
Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 6 đợt thi Đánh giá năng lực (HSA) từ tháng 3-6/2025 và phục vụ 85.000 lượt thi; thí sinh đăng ký dự thi tối đa 2 lượt thi mỗi năm.
Năm 2025, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sử dụng điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt xét tuyển cho các ngành đào tạo. Trường sử dụng điểm thi môn nào để xét tuyển vào từng ngành cụ thể?
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.