Thi tuyển sinh năm 2025: Nhà trường, thí sinh ngóng Bộ GD&ĐT

Từ năm 2025, học sinh thi tốt nghiệp THPT sẽ thi theo cấu trúc dạng đề trắc nghiệm mới. Cùng với đó là số lượng môn thi giảm nên thí sinh, các trường THPT, trường ĐH rất mong có hướng dẫn sớm từ Bộ GD&ĐT.

Vừa ôn tập vừa ngóng

Ông Bùi Thái Học, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định, cho biết, nhà trường đã cho học sinh lớp 12 đăng kí 2 môn thi tốt nghiệp tự chọn để chia lớp ôn tập. Kết quả, môn Ngoại ngữ có nhiều học sinh lựa chọn nhất với 425 em, tiếp đến là môn Vật lí có 268 em, môn Hóa có 152 em, môn Sử có 115 em. Môn Công nghệ Nông nghiệp không có học sinh nào chọn, môn Công nghệ Công nghiệp có 1 học sinh chọn, môn Tin có 3 học sinh. Những môn ít được chọn, học sinh sẽ tự ôn tập vì không đủ số lượng để nhà trường mở lớp. Nhà trường và học sinh đang chờ đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT để có kế hoạch ôn tập cụ thể hơn.

Thi tuyển sinh năm 2025: Nhà trường, thí sinh ngóng Bộ GD&ĐT

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 Ảnh: Mạnh Thắng

Bà Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm, Hà Nội, cho biết, từ năm 2023, Sở GD&ĐT Hà Nội đã cho học sinh thi thử theo cấu trúc đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Do đó, nhà trường chủ động định hướng học, luyện tập cho học sinh. Đến nay, học sinh đợi đề án tuyển sinh của các trường ĐH để xác định lựa chọn phương thức xét tuyển, ngành học mong muốn.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội, cho hay, cấu trúc đề thi trắc nghiệm tốt nghiệp THPT năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 có khác biệt so với chương trình 2006. Trong đó, đề thi trắc nghiệm gồm 3 phần. Phần I, các câu hỏi với 4 phương án, yêu cầu thí sinh chọn một đáp án đúng. Thí sinh được 0,25 điểm nếu làm đúng mỗi câu. Phần II, các câu hỏi chọn đáp án đúng/sai. Chọn chính xác, thí sinh sẽ được 0,1 điểm một câu, 0,25 điểm nếu đúng hai câu, 0,5 và 1 điểm nếu làm đúng 3 và 4 câu. Phần III các câu dạng trả lời ngắn, yêu cầu thí sinh tô chọn đáp án. Với môn Toán, mỗi câu đúng, thí sinh được 0,5 điểm, các môn khác là 0,25 điểm.

Các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí đề thi cấu trúc đủ 3 phần. Môn Ngoại ngữ chỉ có dạng trắc nghiệm phần I; các môn còn lại, cấu trúc đề gồm trắc nghiệm phần I và phần II, không có phần III. Bà Quỳnh nói rằng, việc ôn luyện cho học sinh trong một lớp với nhiều lựa chọn môn thi khác nhau cũng có những khó khăn nhất định.

Bộ GD&ĐT sẽ sớm công bố quy chế

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2025 là năm đầu tiên kì thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, số lượng môn thi và định dạng cấu trúc đề thi có sự thay đổi lớn theo hướng đánh giá năng lực. Do đó, công tác chuẩn bị cần được triển khai từ sớm, từ xa, cần thời gian thử nghiệm và tập huấn kĩ; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả hơn nữa trong nhiều khâu của kì thi. Bộ GD&ĐT thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT áp dụng từ năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp năm 2025. Trong đó, yêu cầu Bộ GD&ĐT xây dựng và sớm công bố đề thi tham khảo có tính ổn định trong nhiều năm để các nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động trong hoạt động ôn tập, dạy và học.

Quy trình ra đề thi cũng thay đổi so với thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục 2006. Bộ GD&ĐT xây dựng thư viện, ngân hàng câu hỏi thi có tính mở. Các câu hỏi nguồn được đóng góp từ mọi nguồn lực trong ngành, tạo ra thư viện mở. Từ thư viện mở này, Bộ GD&ĐT mời các chuyên gia lựa chọn để tạo đề thi. Đề thi đã được Bộ thử nghiệm trên diện rộng tại các địa phương.

Bộ cũng chủ động rà soát các hệ thống phần mềm để phục vụ công tác tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Đồng thời sẽ sớm ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025; sớm công bố đề thi minh họa để các địa phương, giáo viên và học sinh chuẩn bị ôn tập cho kì thi.

Các trường ĐH cũng đang lên phương án tuyển sinh năm 2025. Trong đó, thêm nhiều trường tổ chức kì thi riêng như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Như vậy, riêng khối sư phạm, năm tới có 3 trường lớn tổ chức kì thi riêng để tuyển sinh là Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TPHCM và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2.

Năm 2025, có 10 cơ sở giáo dục ĐH tổ chức thi xét tuyển bằng kì thi đánh giá đầu vào trên máy tính (V-SAT). Tại khu vực TPHCM có 6 trường bao gồm: Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Tài chính - Marketing, Trường ĐH Mở TPHCM, Trường ĐH Luật TPHCM và Trường ĐH Văn Lang. Tại khu vực miền Bắc có ĐH Thái Nguyên và Học viện Ngân hàng. Tại khu vực miền Tây Nam bộ có Trường ĐH Cần Thơ và Trường ĐH Trà Vinh.

Tuy nhiên, các trường ĐH trên cả nước cũng đang ngóng Quy chế Tuyển sinh ĐH năm 2025 để có phương án tuyển sinh phù hợp. Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ công bố trong thời gian tới.

Theo Nghiêm Huê/ Tiền phong

Tin cùng chuyên mục

Theo các nhà giáo, hiện nay học sinh đang “chạy” theo nhiều kỳ thi riêng, ôn thi các loại chứng chỉ rất vất vả, áp lực, tốn kém... Mặt khác, điều này cũng khiến học sinh vùng khó khăn thiệt thòi vì giảm cơ hội tuyển sinh vào các trường mong muốn.
Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, việc thiết kế phương án thi, trong đó các môn thi lựa chọn đều thi trong thời gian 50 phút sẽ khó đánh giá được đúng năng lực của người học.
Với những dự kiến thay đổi lớn về phương thức xét tuyển, quy đổi điểm về một thang điểm chung trong đợt xét tuyển chung với điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm sàn khối ngành sức khỏe và sư phạm..., nhiều trường đã lên kịch bản điều chỉnh các phương án xét tuyển để không bị động nếu như những thay đổi của quy chế tuyển sinh năm 2025 được áp dụng trong năm nay.
Nhiều ý kiến đề nghị bỏ xét tuyển sớm để tạo công bằng cho thí sinh nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ cân nhắc việc này
Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 6 đợt thi Đánh giá năng lực (HSA) từ tháng 3-6/2025 và phục vụ 85.000 lượt thi; thí sinh đăng ký dự thi tối đa 2 lượt thi mỗi năm.
Năm 2025, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sử dụng điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt xét tuyển cho các ngành đào tạo. Trường sử dụng điểm thi môn nào để xét tuyển vào từng ngành cụ thể?
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Các ngành công nghiệp số cốt lõi nào được đẩy mạnh đào tạo nhân lực?
Bên cạnh ngành công nghiệp bán dẫn, các ngành công nghệ số cốt lõi đã được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh đào tạo nhân lực đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.