Tuyển sinh ĐH 2023: Giảm chỉ tiêu để nâng cao chất lượng

Trong khi nhiều trường đại học (ĐH) tăng chỉ tiêu tuyển sinh thì một số trường lại quyết định giảm để nâng cao chất lượng.

Ghi nhận đến thời điểm hiện tại cho thấy, đa số các trường đã công bố thông tin tuyển sinh 2023, giữ nguyên hoặc tăng chỉ tiêu. Trong đó, có trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh do có thêm nhiều ngành mới như Trường ĐH Ngoại thương tăng 110 chỉ tiêu. Nhưng tăng nhiều nhất phải kể đến Trường ĐH Phenikaa với 7.668 chỉ tiêu cho 41 ngành, chương trình đào tạo với 3 phương thức xét tuyển. So với năm 2022, năm nay, Trường ĐH này tăng hơn 2.000 chỉ tiêu và có thêm 5 ngành đào tạo mới, gồm: Kỹ thuật phần mềm, Răng-Hàm-Mặt, Đông phương học, Ngôn ngữ Pháp, Logistic, và Quản lý chuỗi cung ứng. Các trường không tăng chỉ tiêu thường không bổ sung ngành mới.

Bức tranh giáo dục thời gian gần đây cho thấy nhiều trường ĐH tuyển không đủ chỉ tiêu, tìm mọi cách để “vét” thí sinh. Vì hiện nay, nguồn thu của các trường ĐH chủ yếu vẫn là học phí. Nếu không tuyển đủ chỉ tiêu, đồng nghĩa với việc “nồi cơm” của trường bị thiếu hụt.

Sinh viên cần môi trường học tập tốt hơn để đạt chuẩn đầu ra. Ảnh Châu Linh

Năm 2022, Bộ GD&ĐT đưa ra quy định thí sinh tham gia xét tuyển sớm (các phương thức không cần chờ xét điểm thi tốt nghiệp THPT như xét kết quả thi đánh giá năng lực, xét tuyển thẳng, xét kết quả thi đánh giá tư duy, xét học bạ…) vẫn phải tham gia lọc ảo chung và thí sinh không phải xác nhận nhập học trước, nên nhiều trường sợ mất thí sinh đã xét tuyển nên đưa ra những quy định chéo ngoe. Một số trường “ép” thí sinh bằng cách yêu cầu phải đăng ký ngành học đã trúng tuyển (trúng tuyển nhưng chưa tốt nghiệp THPT) là nguyện vọng 1. Điều này có lợi cho các trường nhưng lại khiến thí sinh bị thiệt vì mất cơ hội tham gia xét tuyển trường khác. Không dừng lại đó, thí sinh còn phải tạm nộp khoản học phí học kỳ 1 giống như tiền đặt cọc giữ chỗ vào nhà trường và quy định chỉ trả lại học phí tự nguyện nộp trước (nếu có) đối với các thí sinh không tốt nghiệp THPT.

Cũng trong năm 2022, hàng chục trường ĐH đã phải xét tuyển bổ sung do không tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt 1. Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy có trên 315.000 thí sinh không nhập nguyện vọng lên hệ thống, dù ban đầu những thí sinh này có dự kiến đăng ký xét tuyển vào ĐH.

Tiến tới văn hóa chất lượng

Năm nay, một trong số ít trường ĐH đưa ra quyết định giảm chỉ tiêu tuyển sinh ĐH là Trường ĐH Giao thông Vận tải. Nếu như năm 2022, trường này tuyển 6.300 chỉ tiêu, năm nay chỉ còn 5.800. Theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Long, Hiệu trưởng nhà trường, việc giảm chỉ tiêu còn thực hiện trong những năm tới. “Mục tiêu của Trường ĐH Giao thông Vận tải là muốn trở thành một trường ĐH nghiên cứu. Chính vì thế, cần giảm dần chỉ tiêu đào tạo ĐH để tăng chỉ tiêu đào tạo sau ĐH”, PGS Long cho hay. Theo ông, việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh sẽ tạo được động lực để giảng viên phát huy năng lực vì họ sẽ giảng dạy với sĩ số lớp ít hơn, nhưng thu nhập không thay đổi và từ đó chất lượng đào tạo sẽ dần được nâng lên.

Trong bối cảnh hiện nay, rất khó để các trường ĐH giảm chỉ tiêu tuyển sinh ĐH. Nếu nhà nước không có chính sách cho các trường, sẽ rất khó đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khi mà đại đa số các trường vẫn đặt nhiệm vụ tuyển sinh đủ chỉ tiêu, đảm bảo nguồn thu học phí lên hàng đầu.

Có một thực tế đáng phải suy nghĩ là việc giảm chỉ tiêu tuyển sinh trong nhiều trường hợp lại đồng nghĩa với chất lượng đầu vào của thí sinh cũng tăng lên đáng kể.

Những năm trước , Bộ GD&ĐT cho phép các trường Sư phạm xác định chỉ tiêu dựa trên năng lực đào tạo và phải tuân thủ theo mức điểm sàn do Bộ GD&ĐT đưa ra từ học bạ đến điểm thi tốt nghiệp THPT. Đến năm 2022, thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đào tạo sư phạm phải tuân theo quy định tại Thông tư 03 của bộ về xác định chỉ tiêu tuyển sinh và báo cáo về bộ để đăng ký. Sau đó, Bộ GD&ĐT xác định và thông báo chỉ tiêu cho từng trường trên cơ sở năng lực đào tạo, nhu cầu địa phương và cả nước.

Bộ tổng hợp nhu cầu của các địa phương, giao cho các trường sư phạm theo tình hình thực tế. Vì vậy cũng năm 2022, chỉ tiêu chính thức các ngành đào tạo giáo viên được Bộ thông báo của nhiều trường giảm mạnh so với chỉ tiêu đăng ký hồi đầu năm. Thậm chí có trường sư phạm địa phương, chỉ tiêu đào tạo giáo viên bằng 0 vì địa phương không có nhu cầu tuyển dụng giáo viên trong thời gian tới. Do đó điểm chuẩn của nhóm ngành sư phạm nâng lên đáng kể, trong đó có những ngành chạm mức tuyệt đối. Ví dụ như ngành Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao và sư phạm Lịch sử chất lượng cao tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa) của Trường ĐH Hồng Đức là 39,92/40 điểm. Điểm chuẩn ngành 6 Sư phạm của Trường ĐH Quy Nhơn cũng tăng đột biến lên đến 28,5/30 điểm. Trong đó, ngành Sư phạm Lịch sử tăng cao nhất là 9,5 điểm.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Tin cùng chuyên mục

Nhiều ý kiến xung quanh việc tuyển sinh đại học bằng chứng chỉ ngoại ngữ; thậm chí có phụ huynh lo ngại sẽ bỏ xét tuyển đại học bằng IELTS như tuyển sinh lớp 10. Theo các chuyên gia, xu hướng chung thì sẽ không trường đại học nào bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Trong năm 2024, có hơn 100 trường đại học công bố tuyển sinh bằng học bạ. Trong đó, nhiều trường đại học có đào tạo khối ngành sức khỏe tiếp tục tuyển sinh bằng học bạ, áp dụng ở một số ngành.
Qua nhiều mùa tuyển sinh đại học (ĐH), các chuyên gia cho biết do đăng kí trực tuyến nên thí sinh rất dễ mất cơ hội vì những sai sót nhỏ khi đăng kí xét tuyển lên hệ thống của Bộ GD&ĐT.
Ngày 22.3, Bộ GD-ĐT công bố một loạt văn bản quan trọng về thi tốt nghiệp THPT năm 2024, trong đó có hướng dẫn tổ chức kỳ thi, lịch thi; đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006.
Ban Tuyển sinh Quân sự, Bộ Quốc phòng vừa công bố chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng quân sự năm 2024.
Bộ GD-ĐT vừa công bố 15 đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 làm tài liệu cho giáo viên và học sinh tổ chức ôn tập.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề