Trường ĐH với xu hướng thực tập ở nước ngoài

Thay vì thực tập ở các doanh nghiệp trong nước, nhiều sinh viên chọn chương trình thực tập tại doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở ở VN hoặc ra nước ngoài thực tập, sau đó về nước học tiếp những môn còn lại và làm khóa luận tốt nghiệp

Lương cao, trải nghiệm quý giá

Cuối tháng 4 vừa qua, Nguyễn Thành Lập, sinh viên năm 3 ngành ngôn ngữ Nhật, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, bắt đầu hành trình sang Nhật thực tập ở một tập đoàn có hệ thống khách sạn tại tỉnh Shizuoka, Trước khi sang Nhật, Lập phải trải qua cuộc phỏng vấn của doanh nghiệp về kinh nghiệm làm việc, sức khỏe, học tập… để thể hiện năng lực tiếng Nhật của ứng viên.

Sau khi đạt yêu cầu, Lập tới Nhật và được sắp xếp công việc nhân viên phục vụ tại sảnh nhà hàng của khách sạn Oze Oigami Sanrakuso. "Đây là một công việc đòi hỏi sự nhanh nhẹn, hoạt bát, có sức khỏe, giao tiếp và trí nhớ tốt. Khối lượng công việc khá cao và phải luôn tay luôn chân với những việc tiếp nối và lặp lại mỗi ngày. Tuy nhiên, nhờ được giao tiếp thường xuyên với khách mà khả năng tiếng Nhật của em được nâng cao rõ rệt".

Được biết, thời gian thực tập của Lập tại Nhật là 1 năm. Mỗi tháng, công việc thực tập này đã mang lại cho Lập mức thu nhập đáng kể, khoảng hơn 20 triệu đồng sau khi đã trừ hết các khoản tiền thuế, bảo hiểm, phí quản lý. Sau khi kết thúc kỳ thực tập, Lập sẽ quay về trường học tiếp các môn còn lại và tốt nghiệp.

Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Tài chính thực tập tại Nhật Bản. P.H

Trong khi đó, Tạ Khánh Đăng, sinh viên năm 3 ngành kinh tế quốc tế, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, bắt đầu thực tập tại Ngân hàng Kasikorn của Thái Lan có trụ sở tại VN vào đầu tháng 6. Để được ngân hàng này nhận vào thực tập, Đăng phải có điểm trung bình trên 3.0 (thang điểm 5), tiếng Anh giao tiếp tốt. Ngoài ra phải đáp ứng các tiêu chí như đam mê đổi mới kỹ thuật số, thích làm việc trong môi trường năng động, hợp tác và có nhịp độ nhanh.

Trước khi vào thực tập, Đăng được tham quan trụ sở của ngân hàng tại Bangkok và các chi nhánh của ngân hàng ở Thái Lan.

Từ ngày thực tập tại ngân hàng này, Khánh Đăng nhận thấy mình cải thiện được rất nhiều về khả năng ngoại ngữ do giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh. "Em còn học được cách nhìn nhận theo góc nhìn toàn cầu do tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia khác nhau, với những suy nghĩ, phong cách khác nhau. Ngoài ra, thời gian thực tập này đã giúp em tăng khả năng thích ứng với môi trường mới và tạo dựng các mối quan hệ quốc tế", Đăng cho hay.

Còn Thành Lập cho biết sau khi kết thúc kỳ thực tập, với kinh nghiệm tại Nhật, Lập sẽ tiếp tục tìm kiếm công việc có liên quan đến yếu tố Nhật Bản, đặc biệt là tại TP.HCM, trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn.

Sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM thực tập tại Ngân hàng Kasikorn, Thái Lan. K.Đ

Học hỏi từ môi trường làm việc quốc tế

Trong vài năm trở lại đây, thực tập tại nước ngoài đang trở thành xu hướng, được một số trường ĐH chú trọng nhằm đáp ứng nhu cầu của không ít sinh viên muốn trải nghiệm và học tập, làm việc ở môi trường quốc tế.

Chẳng hạn Khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng đã liên kết với các trường ĐH như Singapore Polytechnic (Singapore), Chaopraya (Thái Lan), CĐ Kỹ thuật quốc gia Anan (Nhật Bản) để đưa sinh viên sang thực tập.

Các trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, FPT, Đông Đô, Đông Á... đều xây dựng chương trình thực tập ở nước ngoài tại Nhật Bản hay Đài Loan từ 6 tháng đến 1 năm để tạo cơ hội cho sinh viên có nhu cầu và có điều kiện đăng ký tham gia. Trường ĐH Nông lâm (ĐH Huế) cũng đã đưa rất nhiều sinh viên đến Nhật Bản và Israel để thực tập trong vòng 1 năm.

Điều khác biệt của chương trình thực tập nước ngoài so với thực tập trong nước là sinh viên phải đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp về ngôn ngữ, kiến thức, kỹ năng, trình bày mục tiêu... thông qua bài kiểm tra hoặc phỏng vấn.

Thạc sĩ Đoàn Võ Việt, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nhận định việc ra nước ngoài thực tập hoặc thực tập tại doanh nghiệp nước ngoài tại VN sẽ giúp sinh viên phát huy tối đa việc sử dụng ngôn ngữ chuyên môn, tăng khả năng làm việc nhóm và độc lập ý tưởng, sáng tạo trong giải quyết vấn đề. "Chưa kể các em còn được rèn luyện khả năng chịu áp lực cùng các kỹ năng mềm khác", thạc sĩ Việt cho hay.

Theo Mỹ Quyên/Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Không chỉ học vượt chương trình chỉ trong 3,5 năm, Thái Tài còn tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa với GPA 9,38 (điểm trung bình tích lũy), đạt xếp loại xuất sắc.
Từ ngày 24 - 28.4, Bộ GD-ĐT mở hệ thống quản lý thi để học sinh đang học lớp 12 thử đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT tại địa chỉ: thisinh.thithptquocgia.edu.vn.
Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội đã công bố phổ điểm 3 đợt đầu bài thi đánh giá năng lực HSA 2024.
“Tin vui là trong hơn 300 thí sinh đăng ký theo học ngành Giáo dục mầm non, đã có một thí sinh nam”, ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) chia sẻ.
Ngày mai 24-4, học sinh lớp 12 trên cả nước có thể thử đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên hệ thống quản lý thi.
Nhóm ngành công nghệ thông tin có rất nhiều trường đại học đào tạo. Học phí các trường có sự chênh lệch rất lớn.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề