Trường đại học băn khoăn quy định không tổ chức lớp học liên thông riêng

Dự thảo Nghị định liên thông quy định không tổ chức lớp học liên thông riêng. Điều này khiến các trường đại học phản đối. 

Sáng 18-12, Bộ GD&ĐT tổ chức toạ đàm về liên thông từ trình độ trung cấp, cao đẳng lên trình độ đại học.

Tại toạ đàm, Bộ GD&ĐT đã trình bày về dự thảo Nghị định quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo, trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Trong đó, các trường đại học chú ý đến Điều 8 về công tác tuyển sinh và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục.

Trong dự thảo quy định người học liên thông được đăng ký học tập theo kế hoạch chung, được học cùng một chương trình giáo dục và cùng các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo theo khoá học, ngành học, lớp học như những đối tượng người học khác cùng cấp học, trình độ đào tạo, hình thức giáo dục tương ứng... (không tổ chức lớp học liên thông riêng).

TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Về vấn đề này, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, cho rằng quy định trong dự thảo Nghị định sẽ là cú đấm thép trong đào tạo liên thông nếu đi vào thực tế.

Điểm tích cực của dự thảo sẽ nâng cao chất lượng đào tạo liên thông. Tuy nhiên, ông Nhân dự đoán nếu dự thảo Nghị định được ban hành, trong 5 năm tới, quy mô đào tạo liên thông sẽ giảm xuống dưới 10.000, tức bằng 1/10 so với hiện nay và chỉ còn khối sư phạm và sức khoẻ có thể đào tạo liên thông.

"Hiện, số người học liên thông ít bởi con đường vào đại học dễ dàng hơn. Những em học trung cấp, cao đẳng là vì muốn sớm đi làm nên hầu như không có nhu cầu học lên đại học. Trừ những em làm tốt, được cân nhắc vị trí quản lý mới bắt buộc phải học liên thông để có điều kiện bằng cấp đáp ứng quy trình bổ nhiệm" - ông Nhân nói.

Ông Nhân cho biết, quyết định 18 quy định các trường chỉ được tuyển sinh liên thông với chỉ tiêu không quá 20% tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, thực tế, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM chỉ tuyển được 20% tổng chỉ tiêu liên thông. Hiện, lớp học liên thông chỉ có 5 đến 11 nhưng trường vẫn duy trì.

Tuy nhiên, theo điều 8 của dự thảo, các lớp sinh viên liên thông được bố trí chung với sinh viên chính quy tập trung thì sẽ không ai học liên thông nữa. Vì các lớp sinh viên chính quy tập trung thường học trong tuần, không dạy buổi tối hay cuối tuần. Trong khi đó, vì phải đi làm nên các bạn học liên thông thường học vào buổi tối hoặc cuối tuần. Do đó, nếu đưa ra quy định như vậy thì không còn ai muốn học liên thông.

"Hiện nay chúng tôi chỉ đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học, nếu đặt ra quy định này thì chắc việc đào tạo liên thông của trường có thể bị khai tử" - ông Nhân bày tỏ.

Ông Lê Văn Hiển, Phó Trưởng phòng phụ trách đào tạo Trường Đại học Luật TP.HCM cũng băn khoăn với quy định không được tổ chức lớp học liên thông riêng.

Theo ông Hiển, việc đào tạo liên thông thực hiện cùng một chương trình, tiêu chuẩn như đào tạo chính quy là đúng nhưng tùy theo điều kiện, nếu cơ sở đào tạo thấy cần tổ chức lớp học riêng cho đối tượng liên thông thì nên tạo điều kiện cho các cơ sở được thực hiện.

"Với đối tượng liên thông, đa phần vừa học vừa làm, nếu yêu cầu học chung với sinh viên chính quy thì khó cho họ, và cơ sở đào tạo cũng khó tuyển sinh. Tôi nghĩ nên trao quyền cho cơ sở đào tạo, không bó buộc tổ chức lớp học chung hay riêng" - ông Hiển nói thêm.

Theo Nguyễn Quyên/ PLO

Tin cùng chuyên mục

Nhiều sinh viên tốt nghiệp CĐ và trung cấp thắc mắc hiện nay liên thông ĐH giữa hình thức chính quy và vừa làm vừa học có gì khác nhau về chương trình học, bằng cấp...?
Bộ GD-ĐT lần đầu tiên công bố dự thảo Nghị định quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhiều điểm mới của dự thảo liên quan trực tiếp đến người học, đang gây tranh cãi.
Đại diện nhiều trường đại học cho rằng dự thảo nghị định mới về liên thông dự kiến áp dụng từ năm 2024 có một số nội dung nếu áp dụng sẽ khó khăn cho người học, từ đó ảnh hưởng đến tuyển sinh
Các ngành đào tạo giáo viên đang dẫn đầu quy mô liên thông lên trình độ ĐH, cụ thể gồm giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học.
Đến thời điểm này, nhiều trường cao đẳng đã thở phào với số lượng hồ sơ xét tuyển tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, chưa kể số thí sinh nhập học và đóng học phí vào một số trường đã chiếm tỷ lệ bất ngờ.
Năm 2023, Trường Cao đẳng Bách khoa Nam Sài Gòn thông báo tuyển sinh hệ Cao đẳng liên thông với 07 ngành.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề