Tỉ lệ thí sinh trúng tuyển ảo tăng cao

Có trường đại học khi xét tuyển sớm, tỉ lệ thí sinh trúng tuyển ảo lên đến 200%-300%.

Đại diện một số cơ sở đào tạo ĐH cho rằng nên duy trì xét tuyển sớm nhưng cần có những giải pháp để giảm tình trạng trúng tuyển ảo.

Thí sinh trúng tuyển ảo chiếm 200%-300%

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các cơ sở đào tạo ĐH được chủ động thực hiện xét tuyển sớm với các phương thức không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT như xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực…

Tuy nhiên, tất cả thí sinh (TS) trúng tuyển sớm đều phải đăng ký lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT để thực hiện lọc ảo chung. Điều này giúp TS thuận lợi khi được xét tuyển và trúng tuyển sớm ở nhiều phương thức, nhiều trường khác nhau. Nhưng cũng chính vì vậy mà các trường “đau đầu” vì tỉ lệ TS trúng tuyển ảo lớn.

Thí sinh tham gia và tìm hiểu thông tin tuyển sinh ĐH năm 2024 tại ngày hội tuyển sinh ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: NT

Về vấn đề này, ông Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, nhìn nhận từ thực tế tại sáu trường thành viên của ĐH này, tỉ lệ trúng tuyển ảo của xét tuyển sớm những năm qua lên đến 200%-300%.

Hơn nữa, khi xét tuyển sớm, dữ liệu về khu vực ưu tiên và đối tượng ưu tiên chưa có nên sau khi có kết quả, việc hậu kiểm bị sai sót khá nhiều, gây phức tạp cho các trường.

Cạnh đó, theo ông Bắc, nhược điểm của xét tuyển sớm là hầu hết TS trúng tuyển sớm gần như không tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, ông Bắc đề xuất từ năm 2025 nên duy trì xét tuyển sớm nhưng chỉ được công bố kết quả sau khi thi tốt nghiệp THPT để các em không lơ là việc học.

Tương tự, PGS-TS Nguyễn Hữu Công, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên, cũng cho biết tham gia xét tuyển sớm giúp TS yên tâm nhưng khó dự báo cho các trường vì tỉ lệ ảo quá lớn.

Năm 2023 có 214 cơ sở trong tổng số 322 cơ sở đào tạo ĐH xét tuyển sớm. Có hơn 375.000 TS trúng tuyển sớm nhưng chỉ gần 40% trong số này xác định trúng tuyển bằng cách đặt nguyện vọng 1 trên hệ thống xét tuyển.

PGS-TS NGUYỄN THU THỦY, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT)

Thực tế tại ĐH Thái Nguyên năm qua chỉ có khoảng 20% TS xét tuyển sớm trúng tuyển ở nguyện vọng 1. Do đó, ông Công cho rằng Bộ GD&ĐT xem xét từ năm 2025 chỉ nên xét tuyển sớm ở một số ngành học chứ không nên đại trà, gây quá tải dữ liệu TS ảo.

Ở một góc nhìn khác, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường của Trường ĐH FPT, cho rằng khi xét tuyển sớm, một TS đăng ký nhiều trường là bình thường và không chọn làm nguyện vọng 1 để trúng tuyển cũng là bình thường. Tuy nhiên, ông Tùng đề xuất Bộ GD&ĐT cân nhắc việc xét tuyển sớm và nhập học sớm.

“Nên chăng sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, bộ có thể cho các trường thời gian khoảng hai ngày để những em trúng tuyển sớm xác nhận nhập học, sau đó mới bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển chung. Như vậy, tỉ lệ TS ảo mới giảm” - ông Tùng gợi ý.

Cần loại bỏ phương thức kém hiệu quả
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), cho rằng hiện nay các cơ sở đào tạo đang “đua” nhau xét tuyển sớm với nhiều phương thức khác nhau.

Bên cạnh đó, theo bà Thủy, việc sử dụng nhiều phương thức xét tuyển dẫn đến nhiễu thông tin cho TS, gây mất công bằng giữa các phương thức. Trong đó có những phương thức không có TS đăng ký hoặc trúng tuyển, chứng tỏ không hiệu quả.

Đặc biệt, theo kết quả đối sánh của bộ giữa hai nhóm TS trúng tuyển bằng điểm học bạ và bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có sự chênh lệch lớn, đến 3 điểm thi. Còn đối sánh kết quả học tập THPT ở hai nhóm TS này, tỉ lệ chênh lệch khoảng 1 điểm. Trong đó, TS trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có kết quả cao hơn.

Từ đây, theo bà Thủy, điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn có phân loại tốt hơn. Do đó, Bộ GD&ĐT khuyến cáo những trường nào xét tuyển bằng học bạ nên sử dụng thêm ngưỡng đầu vào bằng điểm thi tốt nghiệp THPT để có kết quả tốt hơn.

Bà Thủy yêu cầu các trường tăng cường truyền thông, hướng dẫn TS và cần rà soát, đánh giá hiệu quả các phương thức xét tuyển sớm và loại bỏ phương thức không hiệu quả.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các cơ sở đào tạo phải đưa đầy đủ danh sách TS trúng tuyển sớm lên hệ thống, tuyệt đối không được gọi TS nhập học sớm hoặc chậm giải quyết sai sót cho TS, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các em.

Sẽ điều chỉnh công tác xét tuyển sớm từ năm 2025

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết năm nay công tác tuyển sinh sẽ giữ ổn định để thuận lợi cho TS. Tuy nhiên, từ năm 2025, bộ sẽ tổ chức lấy ý kiến và định hướng sẽ có những điều chỉnh trong công tác xét tuyển sớm.

Bởi xét tuyển sớm giúp các trường chủ động hơn, giảm tải tâm lý cho TS về những vấn đề “nhức nhối” nhất những năm qua là các trường không dự báo được số TS trúng tuyển thật nên có trường tuyển vượt chỉ tiêu rất nhiều, có trường không tuyển được sớm phải dồn chỉ tiêu qua phương thức khác gây biến động điểm chuẩn.

Thứ trưởng Sơn cũng yêu cầu các trường cần phân tích, đối sánh kỹ lưỡng kết quả tuyển sinh giữa các phương thức một cách khoa học, nghiêm túc để có sự điều chỉnh phù hợp.

Thứ trưởng đề nghị các cơ sở đào tạo thực hiện nghiêm túc quy chế tuyển sinh, không “bất chấp” để tuyển vượt chỉ tiêu rất nhiều như một số đơn vị đã làm khiến chất lượng đào tạo không đảm bảo, gây mất niềm tin của người học, của xã hội. Bộ cũng sẽ nghiên cứu sửa đổi quy định, không để tình trạng tuyển vượt chỉ tiêu tái diễn liên tục.

Theo Phạm Anh/ Pháp luật TP.HCM

Tin cùng chuyên mục

Năm 2025, nhà trường dự kiến tăng 3 phương thức tuyển sinh so với năm 2024 và tăng chỉ tiêu tuyển sinh ở một số ngành như Y học cổ truyền, Điều dưỡng và Dược học
Từ năm 2025, một số môn học mới xuất hiện trong kì thi tốt nghiệp THPT. Trường đại học (ĐH) điều chỉnh số lượng tổ hợp tuyển sinh sẽ tác động tới việc thí sinh lựa chọn 2 môn thi tốt nghiệp THPT tự chọn trong tổng số 4 môn thi. Từ năm 2025, số tổ hợp giảm, song những tổ hợp chính vẫn tồn tại, nên không ảnh hưởng quá lớn tới thí sinh và các trường ĐH xét tuyển.
Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM) đã tổ chức “Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng 2024 và phương hướng từ năm 2025” vào ngày 6/10/2024, tại Trường ĐH An Giang.
Hiện nay, mỗi ngành có tối đa 4 tổ hợp môn xét tuyển và mỗi tổ hợp gồm 3 môn. Nhưng từ năm 2025, để phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông mới và định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH đang xây dựng tổ hợp xét tuyển theo hướng mới.
Kết thúc xét tuyển đợt 1 (ngày 27/8), nhiều trường đại học (ĐH) thông báo xét tuyển bổ sung. Nhóm ngành sư phạm dù điểm chuẩn ở mức tốp đầu nhưng vẫn phải xét tuyển bổ sung và điểm chuẩn xét tuyển bổ sung vẫn ở mức rất cao.
Hiện vẫn còn trường đại học xét tuyển bổ sung. Đây gần như là cơ hội cuối cùng dành cho thí sinh trong mùa tuyển sinh 2024.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.