Để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, công đoạn in sao, vận chuyển đề thi đến các điểm thi bảo mật, an toàn là một trong những khâu đặc biệt quan trọng. Kỳ thi năm nay, các địa phương vẫn chịu trách nhiệm in sao, vận chuyển đề dưới sự bảo vệ chặt chẽ của lực lượng công an.
Thứ trưởng GD&ĐT Hoàng Minh Sơn kiểm tra tủ đựng đề thi, bài thi ở địa phương
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, khu vực in sao đề thi là địa điểm an toàn, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt thời gian làm việc, có đầy đủ phương tiện bảo mật, phòng cháy, chữa cháy. Khu vực in sao phải cách ly 3 vòng độc lập và người không có trách nhiệm tuyệt đối không được vào trong. Cán bộ tham gia trong khu vực in sao đề thi sẽ bị thu tất cả thiết bị điện tử.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, nói rằng, địa phương đã chuẩn bị máy in đặc chủng, tốc độ cao. Tuy nhiên, Hà Nội có lượng thí sinh dự thi rất lớn, hơn 100.000 thí sinh và sử dụng hơn 11 tấn giấy để in sao, do đó máy dễ trục trặc phải bảo dưỡng trong quá trình in, trong khi Ban in sao chỉ có lực lượng cán bộ, giáo viên, không có khả năng sửa chữa máy móc khi gặp sự cố.
Ông Cương đề nghị Ban chỉ đạo thi Quốc gia bổ sung nội dung điều động ít nhất 1 kỹ thuật viên vào hỗ trợ Ban in sao đề thi, phòng trường hợp có sự cố liên quan máy móc in ấn. Về vấn đề này, đại diện Ban chỉ đạo kỳ thi đã có ý kiến, địa phương có thể chủ động điều động thêm cán bộ kỹ thuật vào khu vực in sao để hỗ trợ máy móc. Tuy nhiên, phải giám sát 24/24 giờ và đảm bảo cách ly 3 vòng độc lập theo quy định.
Dùng tàu, máy bay vận chuyển đề thi
Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận, cho biết, địa phương đã kiểm tra, rà soát tất cả các điểm thi, cho vệ sinh sạch sẽ để sẵn sàng tổ chức kỳ thi. Địa phương có 1 điểm thi đặc biệt ở đảo Phú Qúy với hơn 200 thí sinh.
Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương cho biết, kỳ thi năm nay có hơn 1 triệu thí sinh dự thi. Kỳ thi được tổ chức từ ngày 28 đến 29/6 tại 63 tỉnh, thành phố.
Cách đây nhiều năm, mỗi lần tổ chức thi, địa phương phải điều động tàu đưa thí sinh từ đảo vào đất liền dự thi. Dù có phương án hỗ trợ thí sinh như bố trí nơi ăn, ở nhưng một số em vẫn say sóng, phụ huynh không yên tâm.
Ba năm gần đây, Bình Thuận tổ chức 1 điểm thi tại đảo và học sinh được thi tại chỗ, phụ huynh rất phấn khởi. “Năm nay, Hội đồng thi đã đề xuất phương án thuê tàu cao tốc chở khoảng 40 cán bộ, giáo viên, lực lượng an ninh và đề thi ra đảo. Trước đó, địa phương đã tính toán kỹ tình hình thời tiết, đảm bảo an toàn”, ông Thái nói.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu những năm trước cũng có phương án vận chuyển đề thi bằng máy bay trực thăng ra huyện Côn Đảo.
Theo phương án và kế hoạch tổ chức kỳ thi năm nay, địa phương có 41 điểm thi với gần 13.000 thí sinh dự thi. Trong đó, có 1 điểm thi được bố trí ở Trường THPT Võ Thị Sáu ở huyện Côn Đảo. Sở GD&ĐT phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố và công an các địa phương vận chuyển đề thi đến các điểm thi. Riêng điểm thi ở huyện Côn Đảo có quy định riêng nhằm đảm bảo an toàn cho đề thi, bài thi.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nhận định, Kỳ thi có tính chất quan trọng lại tổ chức trên quy mô lớn, các địa phương địa hình khác nhau… nên hết sức phức tạp. Cần phải bảo đảm các yếu tố nghiêm túc, công bằng, khách quan, an toàn, đúng quy chế.
Để làm được điều đó, một nội dung quan trọng là trước kỳ thi, phải tuyên truyền cho thí sinh, cán bộ, giáo viên biết, khi chưa hết thời gian làm bài thì đề thi thuộc cấp độ bí mật nhà nước độ “Tối mật”. Việc để lộ, lọt đề thi sẽ bị xử lý hình sự.
Theo Hà Linh/ TPO