Những điều cần biết để học kỹ thuật hóa học
Kỹ thuật hóa học là một lĩnh vực khoa học và công nghệ chuyên nghiên cứu, phát triển, ứng dụng những kiến thức hóa học vào quá trình sản xuất để biến đổi và tạo ra các sản phẩm có giá trị phục vụ công nghiệp và đời sống xã hội.
Một số lĩnh vực sản xuất phổ biến liên quan đến ứng dụng kỹ thuật hóa học được biết đến như: mặt hàng tiêu dùng (nhựa, chất tẩy rửa, sơn, thuốc nhuộm, thủy tinh, giấy…); nông nghiệp (thức ăn gia súc, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…); vật liệu xây dựng (xi măng, bê tông, gạch…); lương thực - thực phẩm - đồ uống; công nghiệp dệt - da; công nghiệp điện hóa (pin, mạ điện, bảo vệ kim loại..); công nghiệp hóa chất (phân bón, thuốc trừ sâu, dược - mỹ phẩm…)...
Song song với khối kiến thức chuyên môn, sinh viên học ngành Kỹ thuật hóa học sẽ được thực hành tại phòng thí nghiệm, làm quen với các thiết bị, công cụ chuyên môn, đồng thời tự tay thực hiện các thí nghiệm hóa học.
Tùy vào nhu cầu và khả năng của bản thân, mỗi người sẽ chọn cho mình một ngôi trường phù hợp. Hiện nay, một số trường đại học đang đào tạo ngành Kỹ thuật hóa học được kể đến: Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Đại học Thủy lợi; Học viện Kỹ thuật quân sự; Đại học Tôn Đức Thắng...
Mức lương ngành Kỹ thuật hóa học
Trao đổi với Báo Lao Động ngày 29.12, anh Phạm Mạnh Công - giám sát viên tại một công ty sản xuất hoá chất tại Phủ Lí (Hà Nam) - cho biết, tuỳ vào mỗi vị trí việc làm, năng lực của từng cá nhân sẽ có mức lương khác nhau.
"Công việc của tôi là tham gia vào giám sát, điều khiển quá trình sản xuất các sản phẩm liên quan tới hoá chất. Công việc này rất nặng nhọc và có phần độc hại nên mức lương sẽ tương đương với công sức mình bỏ ra. Thông thường, mức lương sẽ dao động khoảng 18 triệu đồng/tháng" - anh Công cho hay.
Liên quan tới mức lương của ngành Kỹ thuật hoá học, theo chia sẻ của Ban tư vấn trường Cao đẳng Y Dược TPHCM, hiện nay, những người lao động trong ngành Kỹ thuật hóa học có mức lương trung bình cho các vị trí làm công việc của ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học là khoảng 9 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó, với những người có tay nghề cao sẽ được trả mức lương với khoảng dao động từ 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, để đạt mức lương 30 triệu đồng thì cần phải thường xuyên trau dồi năng lực chuyên môn ở mức thành thạo chuyên nghiệp.
Để có được mức lương cao trong ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học cần rèn luyện và phát huy các tố chất và kỹ năng sau: cẩn thận, tỉ mỉ, chu đáo trách nhiệm cao; đam mê công nghệ, thích nghiên cứu; có tư duy sáng tạo, có khả năng phân tích...
Thông thường, người học Kỹ thuật hóa học sẽ có khả năng tính toán, thiết kế, thi công một hệ thống, một phần hoặc toàn bộ quá trình trong lĩnh vực Kỹ thuật hóa học nhằm đáp ứng các nhu cầu trong công việc thực tế.