Thi tốt nghiệp từ năm 2025: Thận trọng xác định tổ hợp xét tuyển

Bộ GD&ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thí sinh Ninh Bình tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: INT

Hiện, nhiều cơ sở giáo dục đại học dự kiến kế hoạch tuyển sinh cho năm 2025, đảm bảo phù hợp thực tiễn và thuận lợi nhất cho thí sinh.

Điều chỉnh tổ hợp xét tuyển

Từ năm 2025, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) dự kiến giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Thay vào đó, nhà trường sẽ tăng chỉ tiêu xét tuyển kết hợp, tuyển thẳng… PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho hay, từ năm 2025, trường dự kiến điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp cách thức và nội dung thi tốt nghiệp THPT, đồng thời nghiên cứu mã xét tuyển theo ngành/ nhóm ngành/ trường.

Theo TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng), dù 4 hay 6 môn thi tốt nghiệp, các trường vẫn xây dựng tổ hợp xét tuyển chính (tổ hợp truyền thống) được “trọng dụng”. Chẳng hạn, Toán – Vật lý – Hóa học; Toán – Hóa học – Sinh học; Toán – Ngữ văn – Tiếng Anh; Toán – Vật lý – Tiếng Anh; Văn – Lịch sử - Địa lý… “Đây cũng là những tổ hợp xét tuyển mà Trường ĐH Duy Tân dự kiến tiếp tục duy trì trong mùa tuyển sinh năm 2024 và 2025”, TS Võ Thanh Hải thông tin.

Lãnh đạo Trường ĐH Duy Tân cho rằng, với cơ sở giáo dục đại học, phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 không gây xáo trộn trong công tác tuyển sinh. Về mặt tâm lý, nhiều thí sinh cho rằng, nếu thi tốt nghiệp 4 môn thì các tổ hợp xét tuyển sẽ giảm. Tuy nhiên, thực tế phương án thi tốt nghiệp này tốt hơn cho thí sinh, giúp các em học có trọng tâm, trọng điểm theo định hướng nghề nghiệp và tổ hợp xét tuyển mà mình lựa chọn.

Đối với phương thức xét tuyển bằng điểm thi THPT, các trường đại học sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển sao cho phù hợp Chương trình giáo dục phổ thông 2018, TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh) nhận định và cho rằng, việc thay đổi số môn thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ giúp học sinh giảm áp lực học tập, từ đó có thời gian tập trung vào các môn lựa chọn.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Ảnh: INT

Thí sinh cần lưu ý

Là một trong những cơ sở giáo dục đại học đầu tiên công bố dự thảo phương hướng tuyển sinh đại học hệ chính quy từ năm 2025 trở đi, Trường ĐH Nha Trang đưa ra 3 phương án xét tuyển: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; Xét điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội; Xét điểm tổ hợp các môn.

Phương thức xét tuyển tổ hợp các môn bao gồm: Điểm tổ hợp các môn học cấp THPT (điểm học bạ) và điểm tổ hợp các môn thi tốt nghiệp THPT (nếu Bộ GD&ĐT tổ chức thi tốt nghiệp THPT như hiện tại). Về định hướng trong việc xác định tổ hợp môn xét tuyển, Trường ĐH Nha Trang dự kiến sử dụng tổ hợp 3 - 5 môn; trong đó Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh là 3 môn bắt buộc phải có trong mỗi tổ hợp xét tuyển. Lúc này, điểm xét tuyển sẽ sử dụng thang điểm 50.

Tổ hợp 3 môn (định hướng sử dụng tổ hợp gồm môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh) sẽ nhân hệ số 2 đối với môn Toán và Tiếng Anh trên cơ sở phù hợp ngành đào tạo và đưa về thang điểm 50. Tổ hợp 4 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và 1 môn phù hợp với ngành đào tạo, sẽ có 1 môn nhân hệ số 2. Tổ hợp 5 môn gồm 3 môn bắt buộc, 2 môn phù hợp không nhân hệ số. Ngoài 3 môn học bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh có 1 - 2 môn xét tuyển phù hợp với ngành đào tạo bao gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Công nghệ, Tin học.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, từ năm 2025 trở đi, các trường đại học phải tính toán lại khi xây dựng tổ hợp xét tuyển. Dự kiến, số lượng thí sinh chọn theo tổ hợp xét tuyển truyền thống như: A00 (Toán, Vật lý, Hóa học), B00 (Toán, Hóa học, Sinh học) có thể giảm.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền khuyên thí sinh nên chuẩn bị thêm chứng chỉ tiếng Anh, tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội để có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường đại học bằng nhiều phương thức khác nhau.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2023 có hơn 20 phương thức tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhận định, từ năm 2024 trở đi, tuyển sinh của các trường sẽ giảm dần sự phụ thuộc vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vì thế, thí sinh quan tâm tới trường nào cần theo dõi sát sao đề án tuyển sinh, thông tin của nhà trường để có sự chuẩn bị tốt nhất. Đặc biệt, từ năm 2025 trở đi, với 4 môn thi tốt nghiệp THPT nên ít nhiều thay đổi; do đó thí sinh cần lưu ý trong việc lựa chọn tổ hợp xét tuyển để có định hướng trong học tập.

Nhấn mạnh, các trường cần xác định phương hướng, định hướng tuyển sinh, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, các cơ sở giáo dục đại học cần hoàn thiện đề án tuyển sinh, phương thức tuyển sinh, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành, tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh. Đồng thời, định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo các chuyên gia, từ năm 2025, tuyển sinh đại học phải thay đổi so với hiện nay. Một mặt, tăng cường thi đánh giá năng lực, mặt khác xây dựng tổ hợp mới có các môn như: Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật; hoặc tuyển sinh theo học bạ cần đánh giá toàn diện, ít nhất là kết quả của 4 hoặc 5 học kỳ THPT. Các tổ hợp môn có: Ngoại ngữ hay Lịch sử cần tăng chỉ tiêu, ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế…

Theo Minh Phong/ GD&TĐ

Tin cùng chuyên mục

Bộ GD&ĐT công bố danh sách các đơn vị được phê duyệt, gia hạn, điều chỉnh liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Bộ GD-ĐT vừa công bố danh sách các trường đại học và các chương trình đào tạo được đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục
Có thể xem nghiên cứu sinh như một phần đội ngũ cơ hữu của trường đại học (ĐH) là một ý kiến được nêu trong hội thảo lấy ý kiến dự thảo Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 đến năm 2030, do Bộ GD-ĐT tổ chức hôm 16.9.
Trong chương trình thực hiện Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ, ĐH Quốc gia TPHCM có đề xuất cho phép được thí điểm bổ nhiệm các chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư (GS, PGS) và trợ lí GS.
Thanh tra Bộ GD&ĐT ban hành văn bản hướng dẫn thanh tra, kiểm tra năm học 2024-2025 đối với các cơ sở đào tạo. Các khâu trong công tác tuyển sinh các trình độ của giáo dục đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục mầm non đều được thanh tra, kiểm tra.
Năm học 2024-2025, nhiều trường phổ thông tại TPHCM đã cho học sinh lớp Mười hai “học chạy” 2 môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đáp ứng sở thích và nhu cầu nghề nghiệp của các em.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.