Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), năm học 2022 - 2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên các cấp, tăng thêm 11.308 người, thiếu so với năm học 2021 - 2022 (cấp mầm non tăng 7.887 người, cấp tiểu học tăng 169 người, cấp trung học cơ sở tăng 1.207 người, cấp trung học phổ thông tăng 2.045 người).
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tại các địa phương, Bộ Nội vụ và Bộ GDĐT đã thống nhất dự kiến bổ sung 27.868 suất biên chế cho năm học 2023-2024. Số còn lại sẽ bổ sung với trường hợp cần thiết trong các năm học tiếp theo đến năm 2026.
Sau khi nhận được thông tin trên, nhiều sinh viên sư phạm và giáo viên hợp đồng trên cả nước không khỏi vui mừng, hi vọng dự kiến sẽ đi vào thực tiễn. Đây cũng chính là nguồn động lực to lớn để các thầy, cô giáo tiếp tục hành trình gieo chữ.
Phan Văn Việt Hoàng - sinh viên năm cuối chuyên ngành Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Hà Tĩnh - cảm thấy bản thân may mắn bởi thông tin dự kiến bổ sung 27.868 suất biên chế giáo viên của Bộ Nội vụ và Bộ GDĐT thực hiện đúng thời điểm em sắp ra trường.
“Đây là cơ hội lớn để chúng em có được việc làm ổn định ngay sau khi ra trường, không phải lo lắng nay cầm hồ sơ đi xin hợp đồng ở trường nào, mai phải làm sao để có được công việc tốt. Đây cũng là chính động lực để chúng em phấn đấu cầm được tấm bằng giỏi, hoàn thành tốt các học phần cuối cùng với điểm số cao nhất” - Việt Hoàng cho hay.
Cùng tâm trạng với Việt Hoàng, Nguyễn Phương Linh - sinh viên năm 3 chuyên ngành Sư phạm Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - hy vọng, không chỉ có năm nay mà năm sau khi em ra trường sẽ có thêm nhiều suất biên chế nữa.
“Nếu có thể vào biên chế ngay sau khi ra trường, chúng em sẽ yên tâm giảng dạy, không để những chuyện bên lề làm phân tâm. Vì chắc chắn sinh viên sư phạm nào cũng muốn có công việc ổn định ngay sau khi ra trường, làm đúng ngành học mình đã theo đuổi suốt 4 năm qua” - Phương Linh nói.
Ngoài ra, Phương Linh cũng mong muốn có mức lương tốt hơn dành cho đội ngũ giáo viên trẻ.
“Ngoài việc hi vọng Bộ GDĐT tăng chỉ tiêu thi tuyển biên chế giáo viên trong năm sau, em cũng mong muốn mức lương dành cho sinh viên vừa ra trường cao hơn. Hiện tại, mức lương em mong muốn nhận được sau khi ra trường dao động từ 7 - 8 triệu đồng/tháng” - Phương Linh cho hay.
Sau 8 năm ra trường, cô Bùi Minh Huyền - giáo môn tiếng Anh tại Hà Tĩnh - vẫn đang đi dạy trên danh nghĩa giáo viên hợp đồng. Hàng tháng, mức lương mà cô nhận về là chưa đến 4 triệu đồng/tháng và không có nhiều khoản phụ cấp, chế độ như giáo viên biên chế.
“Một suất biên chế vào trường học là điều mà tôi đã ao ước từ lâu nay. Vì một số lí do, trước đó, tôi đã bỏ qua mất một đợt thi tuyển viên chức. Lần này nghe được thông tin bổ sung thêm nhiều chỉ tiêu biên chế, tôi rất vui.
Hi vọng, thời gian tới, các cấp cũng sẽ có thêm nhiều chính sách, chế độ dành cho giáo viên như tăng tiền lương để giúp đời sống giáo viên được cải thiện, yên tâm giảng dạy” - cô Huyền chia sẻ.
Theo Tuyết Anh/ Lao động