Sinh viên ngành dệt may giảm sâu sẽ khiến nhân lực thiếu trầm trọng?

Số lượng người đăng ký học ngành dệt may đang giảm sâu do người học bị ảnh hưởng tâm lý từ hiện tượng người lao động ngành này bị doanh nghiệp sa thải trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Điều đó khiến nhân lực dệt may trong tương lai có thể sẽ thiếu trầm trọng.

Tại lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Trường CĐ Công nghệ TP.HCM sáng nay (14.10), tiến sĩ Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng, cho biết năm 2023, trường tuyển sinh đạt chỉ tiêu với hơn 1.200 sinh viên. Trong đó, 3 ngành công nghệ ô tô, công nghệ thông tin và thiết kế đồ họa thu hút người học nhiều nhất, chiếm tổng số 60% chỉ tiêu.

Sinh viên ngành công nghệ may Trường CĐ Công nghệ TP.HCM. Ảnh: MỸ QUYÊN

Tuy nhiên, một số ngành truyền thống của trường năm nay lại rơi vào tình trạng tuyển được rất ít thí sinh. Đặc biệt là ngành công nghệ may chỉ 39 sinh viên nhập học. Trong khi đó, năm 2022 trường tuyển được 73 sinh viên và thời điểm trước dịch tuyển được tới 700-800 sinh viên ngành này.

Tiến sĩ Phan Thị Hải Vân lý giải: "Trong thời điểm trong và sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp dệt may sa thải rất nhiều nhân viên do sản xuất kinh doanh và xuất khẩu bị ngưng trệ. Từ đầu năm đến nay, một số doanh nghiệp tiếp tục cho người lao động nghỉ việc với số lượng lớn. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý người học".

Tuy nhiên, tiến sĩ Vân thông tin, trong quý 4 năm 2023, nhiều doanh nghiệp cho biết đơn hàng đã bắt đầu phục hồi nên có nhu cầu tuyển dụng người lao động. "Nếu số lượng người học sụt giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tuyển dụng, nhất là trong 1, 2 năm nữa, khi ngành dệt may phục hồi trở lại", bà Vân đánh giá.

Theo ông Mai Văn Thiên, Phó ban quản lý nguồn nhân lực Tập đoàn dệt may Việt Nam, ngành dệt may vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề sau dịch Covid-19. "Chưa kể, hiện tại chiến tranh Nga-Ukraine, kinh tế suy thoái, lạm phát xảy ra... khiến cho các đơn hàng cực kỳ khó khăn, doanh nghiệp bị ép giá... Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may vẫn cố gắng duy trì hoạt động và vẫn luôn cần nguồn nhân lực chất lượng. Đặc biệt khi ngành này được phục hồi thì nhu cầu tuyển dụng chắc chắn sẽ rất lớn", ông Thiên chia sẻ.

Năm 2023, chỉ có 39 sinh viên nhập học ngành dệt may tại Trường CĐ Công nghệ TP.HCM. Ảnh: MỸ QUYÊN

Được biết, Trường CĐ Công nghệ TP.HCM tiền thân là Trường Công nhân kỹ thuật may (trực thuộc Liên hiệp các xí nghiệp may Việt Nam) được thành lập với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực ngành may mặc cung cấp cho các xí nghiệp may khu vực phía nam.

Năm 1998, trường đã được nâng cấp thành Trường Trung học kỹ thuật may và thời trang II theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp. Trình độ đào tạo được mở rộng, bao gồm trung học chuyên nghiệp, trung học nghề, công nhân kỹ thuật, dạy nghề ngắn hạn, chuyên đề kỹ thuật, quản lý sản xuất...

Năm 2006, trường được nâng cấp đào tạo và đổi tên thành Trường CĐ Công nghiệp dệt may thời trang TP.HCM. Đến năm 2009, trường tiếp tục đổi tên thành Trường CĐ Kinh tế-Kỹ thuật Vinatex TP.HCM và từ năm 2021 trường có tên Trường CĐ Công nghệ TP.HCM.

Quy mô đào tạo hiện nay của trường là gần 3.000 học sinh, sinh viên với 21 ngành trình độ CĐ, trung cấp. Sau 45 năm, trường đã cung cấp cho thị trường lao động gần 100.000 nhân lực ngành dệt may và các ngành kỹ thuật, công nghệ, kinh tế.

Theo Mỹ Quyên/ Thanh niên

Tin cùng chuyên mục

Năm học 2024-2025, nhiều trường phổ thông tại TPHCM đã cho học sinh lớp Mười hai “học chạy” 2 môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đáp ứng sở thích và nhu cầu nghề nghiệp của các em.
Cán bộ, giảng viên nhiều trường đại học ở TP.HCM sẵn sàng quyên góp ít nhất một ngày lương để hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi) gây ra.
Chiều 11/9, Bộ GD - ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3.
Sau chiêu lừa đảo đóng học phí qua tài khoản cách đây chưa đầy 1 tháng, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn lại tiếp tục bị các đối tượng lừa kêu gọi ủng hộ quỹ Vì biển, đảo Việt Nam năm 2024.
Ngày 10/9, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT có Công điện số 1200/CĐ-BGDĐT gửi Giám đốc Sở GDĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo công tác khắc phục sau bão số 3 (YAGI).
Năm học 2024-2025, ĐH Quốc gia TP.HCM triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất 0%. Sinh viên khó khăn chưa vay được vốn ngân hàng chính sách xã hội địa phương, có thể mượn số tiền tối đa bằng với học phí. Đặc biệt, có chương trình sinh viên còn được chuyển đổi khoản vay thành học bổng.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề
Học phí ngành Cơ khí thấp nhất chỉ từ 14,1 triệu, ra trường mức lương bao nhiêu?
Năm học tới, các trường đại học đào tạo ngành Cơ khí dự kiến áp dụng học phí thấp nhất từ 14,1 triệu đồng và cao nhất có thể lên tới 80 triệu đồng/năm hệ tiên tiến.