Theo nhiều chuyên gia giáo dục, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 vừa công bố đã đặt ra vai trò lớn trong hướng nghiệp của nhà trường, giáo viên.
Chuyên gia giáo dục Hoàng Anh Đức - Tổng giám đốc Hệ thống Giáo dục Sky-Line, Đà Nẵng - nhìn nhận, sự thành công của mọi tiến trình cải tiến dạy và học có thể được nhìn nhận qua sự kết nối giữa 3 trụ cột: mục tiêu học tập (thể hiện qua chương trình và giáo trình); quá trình dạy và học; kiểm tra và đánh giá. Trong đó, ở riêng trụ cột thứ ba, nếu không làm tốt sẽ trở thành nút thắt thứ ba.
Do vậy, chuyên gia Hoàng Anh Đức đánh giá, với giải pháp 2+2 (tức là 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn mà Bộ GD-ĐT vừa nêu ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025) được xem là quyết định lịch sử bởi qua việc giảm tải áp lực thi cử, đã góp bước đầu củng cố nền tảng vững chắc cho các cải tổ về chương trình và phương pháp. Giảm bớt gánh nặng về dạy thêm, học thêm; giảm bớt áp lực và nguồn lực xã hội trong công tác thi cử; giảm bớt chi phí cho học sinh, phụ huynh. Tạo ra cơ hội để các nhà trường, gia đình có những hành trình hướng nghiệp hiệu quả hơn, không loay hoay nhiều trong câu chuyện phân ban, chọn tổ hợp.
Vai trò hướng nghiệp của nhà trường, giáo viên cần được làm rõ hơn nữa (Ảnh minh họa)
Ông phân tích thêm, 20 năm trước, kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng diễn ra với 4 môn song học sinh phải bắt buộc thi chung cả 4 môn. Còn trong phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, điều quan trọng nhất là 2 môn học sinh được lựa chọn theo sở thích, năng lực, nguyện vọng của mình, vậy nên nhà trường và gia đình làm thế nào để giúp các em sớm xác định được năng lực và thiên hướng nghề nghiệp để có sự lựa chọn phù hợp.
“Ngay cả khi tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, tôi vẫn tin rằng sự lựa chọn của rất nhiều học sinh, gia đình vẫn sẽ là toán, văn, tiếng Anh, cùng 1 môn theo định hướng nghề nghiệp. Sự lựa chọn này, không dám nói là tối ưu, nhưng sẽ là hiệu quả nhất để học sinh tự tin, vững bước hội nhập với thế giới. Vấn đề là vai trò nhà trường cần đảm bảo 3 trụ cột: cung cấp đầy đủ thông tin về các ngành, nghề, xu hướng phát triển...; đem lại cho học sinh các trải nghiệm, tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp; giúp học sinh hình thành được năng lực ra quyết định thông qua các dự án, hoạt động học tập” - chuyên gia Hoàng Anh Đức nhấn mạnh.
Thạc sĩ Phạm Lê Thanh - giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền (quận 11) - đánh giá, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 2 môn lựa chọn, 2 môn bắt buộc vừa được Bộ GD-ĐT ban hành rất phù hợp với mục tiêu Chương trình GDPT 2018, vừa giảm áp lực cho học sinh, vừa tiết kiệm kinh phí cho xã hội.
Thạc sĩ Thanh cho hay, chương trình GDPT 2018 là chương trình mở với sự bám sát yêu cầu cần đạt, dạy học phát triển phẩm chất, năng lực chứ không phải dạy kiến thức như trước. Do vậy, vai trò của nhà trường, giáo viên cần thay đổi đồng bộ về giáo dục hướng nghiệp, quan điểm dạy và học theo đúng nghĩa hướng nghiệp và hướng vào ứng dụng để người học chọn lựa môn thi đúng ngành nghề yêu thích.
Học sinh cần được "nhúng" vào những trải nghiệm trong môn học, hoạt động giáo dục để định hướng bản thân
Giáo viên phải làm sao giúp học sinh hiểu mục tiêu của việc học là định hướng nghề nghiệp qua các môn học lựa chọn, chứ không phải để đối phó thầy, cô hay thi mới học - "thi gì học đó". Học sinh phải được thấy tầm quan trọng của bộ môn mình chọn học để lựa chọn môn thi phù hợp. Như vậy, việc học phải gắn với phát triển phẩm chất năng lực qua tham gia vào các hoạt động học ở trường, sao cho các em thẩm thấu kiến thức, hình thành kỹ năng và tư duy phản biện, sự sáng tạo, trải nghiệm, sử dụng kiến thức để phục vụ kiến tạo cuộc sống.
“Như vậy, dạy và học ở nhà trường ngày càng phân hóa với nhiều đối tượng người học khác nhau, những nhu cầu và mục tiêu cũng khác nhau, từ kiến thức chung đến kiến thức chuyên sâu phục vụ cho việc học tiếp ở bậc đại học” - thạc sĩ Thanh nói.
Kiên định, vững vàng hơn trong đổi mới
Cô Trương Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương - chia sẻ, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được Bộ GD-ĐT công bố là hợp lý, nhẹ nhàng, giúp thầy và trò “tự tin” hơn khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, xác định rõ ràng hơn mục tiêu đổi mới, kiên định với đổi mới.
“Hiện nay, khi thực hiện đổi mới, vai trò của nhà trường, giáo viên là làm sao tạo ra thật nhiều cơ hội để học sinh được phát huy phẩm chất, năng lực, qua đó giúp các em định hướng nghề nghiệp. Sự đổi mới được diễn ra đồng bộ trong môn học, trong các hoạt động giáo dục, rèn luyện của nhà trường, “nhúng” học sinh vào những trải nghiệm để các em thực sự phát huy được năng lực chứ không chỉ dừng ở việc dạy để phục vụ thi. Vì thế, với phương án thi 2+2 của Bộ, quan trọng hơn cả vẫn là vai trò định hướng của nhà trường, giáo viên trong tổ chức chương trình, hoạt động giáo dục khi thực hiện đổi mới” - cô Trương Thị Bích Thủy nhấn mạnh.
Theo Quốc Trung/ Phụ nữ TP.HCM