Những nhìn nhận sai lầm khi làm việc nhóm

Trong hoạt động nhóm, mỗi thành viên đảm nhận một vai trò góp phần thực hiện mục tiêu chung. Sức mạnh nhóm giúp tối đa hóa ý tưởng, năng lực, kinh nghiệm, hiệu suất làm việc của các thành viên. Tuy nhiên, một số nhìn nhận sai lầm trong quá trình làm việc nhóm có thể khiến mọi thứ “dậm chân tại chỗ”.

Tư duy đứng một mình

Xu hướng thích làm việc riêng lẻ ngay trong hoạt động yêu cầu tinh thần tập thể là biểu hiện của tư duy đứng một mình. Cái tôi của tư duy đứng một mình đặt lợi ích cá nhân làm trung tâm, thay vì lợi ích tập thể. Điều này khiến cá nhân trở nên bảo thủ.

Họ bảo vệ suy nghĩ, ý tưởng của mình một cách cực đoan, dẫn đến thiếu sự tôn trọng, sự lắng nghe đối với những ý kiến đánh giá, đóng góp tích cực của các thành viên khác trong nhóm. Không có thành tựu vĩ đại nào được tạo ra chỉ bởi một cá nhân. Tư duy đứng một mình không thể giúp nhóm đi nhanh, đi xa, đi lâu. Ngược lại, nó cản trở sự phát triển và năng lượng làm việc của nhóm.

Đặt vai trò lớn hơn mục tiêu

Tập trung vào mục tiêu chung, thay vì vai trò riêng là định hướng mà mỗi thành viên trong hoạt động nhóm cần hiểu rõ. Vai trò của mỗi cá nhân và mục tiêu hoạt động nhóm đều quan trọng. Tuy nhiên, mục tiêu được xem là sợi chỉ đỏ, là xương sống giúp mỗi vị trí thực hiện có định hướng, có nhận thức theo một nguyên tắc chung để hoàn thành tốt vai trò trong hoạt động nhóm.

Ngược lại, nếu đặt vai trò lớn hơn mục tiêu sẽ dẫn đến trạng thái mất cân bằng nhóm. Theo đó, diễn biến “ai quan trọng hơn ai” sẽ không có hồi kết. Nhóm mất dần tinh thần đoàn kết tối quan trọng của một tập thể và giữ khoảng cách ngày càng xa với mục tiêu đặt ra. Bên cạnh đó, điều này cũng kéo theo tư duy đứng một mình xuất hiện.

Đặt mục tiêu lớn hơn năng lực

Việc đặt mục tiêu lớn hơn năng lực khiến việc hiện thực hóa mục tiêu trở nên ngày càng phức tạp. Nếu làm đúng, mọi thứ sẽ đơn giản. Ngược lại, sự ảo tưởng năng lực khiến việc định hướng công việc trở nên mơ hồ. Các thành viên không biết nên bắt đầu từ đâu, kết thúc ở đâu, quá trình diễn ra thế nào và làm sao để đúng khi mọi thứ hoặc một vài điều đang vượt quá giới hạn của họ.

Khi không nhận thức hoặc cố mặc một chiếc áo quá rộng, chỉ khiến sự lụng thụng của nó cản trở những bước tiến. Ví dụ, dẫu biết một số yếu tố không khả thi nhưng nhóm vẫn cố thực hiện và kết quả không khác gì “nỗ lực dậm chân tại chỗ” như nhân lực không đủ vẫn xây dựng tổ chức, vật lực không đảm bảo vẫn nâng cấp hệ thống, tài lực không dồi dào vẫn mở rộng quy mô, trí lực không mạnh vẫn duy trì cạnh tranh. Thay vào đó, xác định lại hoặc chia nhỏ mục tiêu là điều rất quan trọng để mọi thứ dần trở nên đơn giản hơn.

Năng lực giỏi quyết định sự thành công

Nhiều người cho rằng năng lực giỏi (có tài năng và kinh nghiệm) quyết định sự thành bại của một nhóm. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng khi năng lực giỏi đi kèm với thái độ đúng, một giá trị bất biến trong đối nhân xử thế. Bản thân thái độ đã mang trong nó tính ảnh hưởng rất lớn.

Thái độ có sức phát triển hoặc phá vỡ nhóm. Thái độ nhiệt tình, dấn thân và sẵn sàng “xông pha” trên mọi mặt trận của một cá nhân sẽ có sức lan tỏa, tạo ảnh hưởng tích cực đến suy nghĩ, hành động của mọi thành viên. Nhóm là tập hợp các thành viên tài năng và có thái độ đúng đắn sẽ ngày càng phát triển. Ngược lại, những thái độ không đúng như ích kỷ, công kích, bảo thủ, ỷ lại… có thể tạo ra sự ảnh hưởng tiêu cực, gây tổn thương, bất hòa, bất mãn, thậm chí tan rã nhóm. Cho dù nhóm là tập hợp nhiều cá nhân xuất sắc cũng chỉ nhận những kết quả thụt lùi nếu các thành viên thiếu tinh thần, thái độ đúng.

Thành công là không trả giá

Có câu nói nằng “Nếu không biết đánh đổi để chiến thắng thì phải trả giá cho sự thất bại”, điều này có nghĩa nếu muốn thành công thì phải đánh đổi hoặc trả giá cho điều gì đó. Trong hoạt động nhóm, cái giá mà các thành viên phải đánh đổi chính là “hy sinh” thời gian, công sức và đôi khi là tiền bạc để hoàn thành dự án, đề tài, công trình nghiên cứu,…

Thách thức càng lớn thì cái giá càng cao và giá không bao giờ giảm. Sự đầu tư thời gian, tiền bạc, nhân lực không ngừng tăng khi một nhóm, một tổ chức hướng đến mục tiêu là chinh phục đỉnh núi Everest, một hình ảnh tượng trưng cho những mục tiêu tầm vóc. Bên cạnh đó, cái giá ở đây còn là sự không ích kỷ, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Vì không phải ai cũng làm được điều này.  

Tử Lăng (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục

Để tăng khả năng thành công trong công việc và cuộc sống, người trẻ cần trang bị nhiều kỹ năng quan trọng.
Nếu người trẻ không nhận ra được khuyết điểm của bản thân, có thể phải đối diện những hệ lụy khó lường.
Ước mơ là những mong muốn, hy vọng cho tương lai và chỉ cần có trí tưởng tượng, con người tự do sở hữu những ước mơ. Tuy nhiên, trong thực tế, mục tiêu mới là điều ta cần quan tâm nhưng thông qua mơ mộng, mục tiêu vẫn được củng cố.
Việc kết nối, giao tiếp, làm việc trong môi trường công sở tưởng như đơn giản với người trẻ nhưng lại khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp... "đau đầu".
Có bạn cho rằng đậu đại học là thành công rồi; có bạn đậu đại học với điểm cao rất tự hào; có bạn điểm đầu vào thấp, thậm chí trúng tuyển nguyện vọng 4, 5, cảm thấy thiếu tự tin… Nhưng tất cả đều không quan trọng bằng ý thức và thái độ học tập.
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, thực tế cho thấy doanh nghiệp ngày càng đề cao tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề phức tạp tại chỗ làm.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề