Nhiều phương thức tuyển sinh: Tạo bất bình đẳng giữa các nhóm thí sinh

Được tự chủ tuyển sinh nên trường đại học (ĐH) những năm gần đây đưa ra rất nhiều phương thức xét tuyển không những khiến thí sinh dễ bị rối và nhầm lẫn mà còn tạo bất bình đẳng giữa các nhóm thí sinh.

Điểm chuẩn cao vì quá ít chỉ tiêu

Năm nay trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tuyển sinh 2.000 chỉ tiêu đại học chính quy cho 27 ngành/chương trình đào tạo với 5 phương thức xét tuyển. Các phương thức xét tuyển của trường giữ ổn định nhiều năm.

Ba năm trở lại đây, điểm chuẩn đối với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT của trường này luôn ở mức cao kỷ lục, có những ngành lấy từ 29,9 điểm trở lên như Báo chí, Đông phương học, Hàn Quốc học, Quan hệ Công chúng.

Nguyên nhân điểm chuẩn những ngành này cao chót vót, theo lãnh đạo nhà trường là do những ngành hot các năm qua được nhiều thí sinh đăng ký dự thi trong khi đó chỉ tiêu lại thấp.

Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có 6.200 chỉ tiêu. Trong đó, phương thức: xét tuyển thẳng 2% chỉ tiêu; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 25%; còn lại xét tuyển kết hợp của trường dành cho 5 nhóm thí sinh.

Với những ngành tuyển sinh 60 chỉ tiêu, nếu chia theo tỷ lệ mà trường quy định thì có khoảng 1 hoặc 2 thí sinh được tuyển thẳng; 15 thí sinh xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT với 4 tổ hợp xét tuyển, mỗi tổ hợp chỉ có 3-4 thí sinh trúng tuyển; có khoảng 44 chỉ tiêu xét tuyển kết hợp dành cho 5 nhóm đối tượng thí sinh, mỗi nhóm chỉ khoảng 8-9 thí sinh trúng tuyển.

Như vậy có thể thấy, ở phương thức xét tuyển nào, cơ hội trúng tuyển ở ngành ít chỉ tiêu đều rất thấp vì có nhiều phương thức, nhiều nhóm đối tượng xét tuyển. Thực tế nhà trường thông báo 3 phương thức nhưng chính xác phải là 7 nhóm đối tượng thí sinh tham gia xét tuyển.

Quá nhiều phương thức tuyển sinh khiến thí sinh bị rối

Tương tự, Trường ĐH Thương mại thông báo có 5 phương thức tuyển sinh nhưng thực chất có đến 8 nhóm đối tượng thí sinh tham gia xét tuyển. Còn Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội đang giữ kỷ lục năm nay với 11 phương thức xét tuyển cho 2.020 chỉ tiêu. Trong đó, có nhiều phương thức chỉ có 1 chỉ tiêu như xét tuyển chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level hoặc ưu tiên xét tuyển theo Quy chế của Bộ GD&ĐT và Quy chế của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Tính tổng thể, Trường ĐH Kinh tế có tới 3 phương thức có chỉ tiêu dưới 10; 4 phương thức có chỉ tiêu từ 11 đến 50. Số chỉ tiêu phần lớn tập trung vào 2 phương thức xét điểm tốt nghiệp và xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Năm nay, Khoa Y, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh gần 500 chỉ tiêu cho 5 ngành đào tạo với 7 phương thức xét tuyển. Khoa dành 45% chỉ tiêu xét kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM, các phương thức còn lại chỉ khoảng 3-5 chỉ tiêu/ngành.

Cần công bằng cho thí sinh

Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng nhiều phương thức tuyển sinh sẽ gây rối, thí sinh nhầm lẫn và dẫn đến tình trạng trượt oan. Vì các phương thức na ná nhau trong một cơ sở đào tạo như xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ kết hợp với kết quả thi tốt nghiệp THPT hay kết hợp với kết quả học bạ; xét tuyển điểm thi đánh giá năng lực với kết quả học bạ hay kết quả thi…

Năm 2022 đã có nhiều tình huống đáng tiếc xảy ra. Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT khẳng định tuy các trường ĐH được tự chủ tuyển sinh nhưng nếu đưa ra quá nhiều phương thức xét sẽ gây khó khăn cho thí sinh, khiến không ít thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển.

Vụ Giáo dục ĐH cũng như Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn vừa qua đã rất nhiều lần khuyến cáo trường ĐH cần phân tích, thống kê, đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo các phương thức xét tuyển để từ đó loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả, có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển.

Bộ GD&ĐT đưa ra giải pháp năm nay, thí sinh không phải đăng ký phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển mà chỉ cần đăng ký mã ngành, mã trường và cung cấp các dữ liệu về điểm thi tốt nghiệp THPT, các loại chứng chỉ ngoại ngữ, kết quả thi đánh giá năng lực trong nước và quốc tế, kết quả thi đánh giá tư duy.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng nhiều phương thức xét tuyển không chỉ gây rối mà còn tạo ra sự bất bình đẳng giữa các nhóm thí sinh. Thí sinh ở vùng sâu vùng xa thiệt thòi hơn khi phần lớn chỉ có một lựa chọn là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, với nhiều phương thức xét tuyển, chỉ tiêu tuyển sinh mỗi ngành bị xé nhỏ nên điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp tăng lên, cơ hội trúng tuyển ĐH của thí sinh sử dụng phương thức này sẽ giảm xuống.

Theo Nghiêm Huê/TPO

Tin cùng chuyên mục

Học sinh lớp 12 trên cả nước có 5 ngày để thử đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2024, từ 24/4 đến hết 28/4.
Thí sinh được Hiệu trưởng giới thiệu để ưu tiên tuyển thẳng vào đại học phải là thuộc nhóm 5 học sinh giỏi, có điểm trung bình cộng 3 năm THPT cao nhất trường.
Ngày 23/4, Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Gia Định TP.HCM công bố điểm chuẩn đạt điều kiện trúng tuyển xét tuyển sớm đối với 53 ngành/chuyên ngành trong đợt tháng 4/2024.
Đa số các trường đại học tại TP.HCM nhận hồ sơ xét tuyển từ 600-700 điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, thang điểm tối đa là 1.200.
Năm nay, điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM được sử dụng để xét tuyển vào 105 cơ sở đào tạo ĐH và CĐ trong cả nước. Thí sinh xét tuyển bằng phương thức này cần lưu ý những quy định khác nhau về điểm sàn, quy định riêng của các trường và các ngành.
Bộ Công an đã có thông báo về phương án đổi mới công tác tuyển sinh văn bằng 2. Theo đó, phương án đổi mới được chia thành 2 giai đoạn: từ năm 2024 - 2025 và từ năm 2026 trở đi.
Trắc nghiệm ngành nghề
Trắc nghiệm ngành nghề